Câu chuyện vừa sạc pin vừa nghe điện thoại, nổ điện thoại hay gây nổ pin điện thoại gây ra nhiều câu chuyện đau lòng diễn ra khá nhiều, tuy nhiên nhiều người vẫn có thói quen đó mà không hề suy nghĩ đến hậu quả có thể xảy ra.
Mới đây, thông tin học sinh tên Lò Văn Yến ( sinh năm 2009, trú tại bản Pá Ngà, xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) đã phải nhập viện trong tình trạng chấn thương nguy kịch do nổ pin điện thoại.
Hình ảnh bị thương của em Lò Văn Yến. (Ảnh: Facebook) |
Theo ông Lò Văn Quân, bố của em Lò Văn Yến cho biết, chiều 27/4, trên đường đi học về như mọi ngày, cháu Yến nhặt được một viên pin điện thoại, sau khi mang về nhà đã cho vào sạc đa năng. Ngay khi cắm sạc vào ổ điện, viên pin phát nổ khiến cháu bị nhiều vết thương trên người, nặng nhất là bàn tay phải, toàn bộ các ngón tay vào đến tận gan bàn tay bị đứt, dập nát hết.
Để có thể tránh tình trạng nguy hiểm khi sử dụng điện thoại, những lưu ý sau sẽ giúp bạn tránh được những nguy hiểm đến tính mạng khi chiếc pin điện thoại bỗng nhiên phát nổ.
Pin phát nổ - nguyên nhân là do đâu?
Có khá nhiều nguyên nhân khiến pin phát nổ như bạn vừa chơi điện tử vừa sạc pin, pin kém chất lượng...
Nếu nguyên nhân là pin, nó có khả năng gây ra thương tổn, có thể sẽ là bỏng hoặc chấn thương nhẹ. Pin điện thoại không đạt chuẩn, gặp sạc không đạt chuẩn, theo thời gian sẽ bị phồng lên, đến một mức nào đó vượt qua giới hạn bền của vật liệu bọc pin, sẽ làm cho viên pin bị nổ. Chất lithium tiếp xúc trực tiếp với không khí sẽ gây cháy.
Theo Venkat Viswanathan - phó giáo sư kỹ thuật cơ khí thuộc ĐH Carnegie Mellon (Mỹ) chia sẻ: "Các chất điện phân bên trong pin cũng gần giống với... xăng. Vì thế nếu không may pin bị đoản mạch, nguồn nhiệt sinh ra bên trong có thể khiến các chất này bắt lửa và gây nổ".
Khi đó, người bị nạn sẽ chịu các chấn thương ngoài da như bỏng/cháy da. Sự cố nổ pin xảy ra ở gần cơ thể còn gây thêm tác động chấn thương cơ học.
Người bị nạn sẽ chịu các chấn thương ngoài da như bỏng/cháy da nếu pin bị nổ. |
Khi điện thoại, pin có hiện tượng cháy nổ - bạn cần làm gì?
Khi nhận thấy những dấu hiệu nguy hiểm như - pin nóng lên hoặc phồng lên hoặc pin/ thiết bị bốc khói, bốc lửa... bạn cần bình tĩnh và thực hiện ngay những điều sau.
NÊN LÀM
- NGẮT ĐIỆN ngay lập tức trong trường hợp bạn đang sạc pin.
- TRÁNH XA chiếc điện thoại khi nó đang bốc cháy.
Theo giáo sư vật lý trường ĐH Dalhousie (Canada) - Jeff Dahn - "khi pin bốc cháy sẽ thoát ra 1 lượng khí khá lớn, trong khí này chứa chất độc nên tốt nhất bạn đừng nên hít phải chúng". Thay vào đó bạn hãy gọi cứu hỏa để được hỗ trợ.
Và hãy nhớ...TUYỆT ĐỐI KHÔNG
- Không DÙNG TAY TRẦN để tiếp xúc thiết bị.
Trong trường hợp bạn buộc phải cầm điện thoại lên khi chúng đang bốc cháy, hãy SỬ DỤNG DỤNG CỤ chẳng hạn như 1 cái kẹp, đeo găng tay chống cháy, trang bị khẩu trang chống độc để tránh hít phải hóa chất độc hại... và đừng để chúng lại gần vật dụng dễ cháy.
- Cố gắng DẬP LỬA BẰNG NƯỚC. Việc làm này có thể khiến phản ứng hóa học bên trong pin càng trở nên trầm trọng hơn, khiến đám cháy lan rộng ngoài tầm kiểm soát, đặc biệt là trong không gian kín. Vì thế, bạn nên dùng cát, baking soda để dập chiếc điện thoại đang bốc cháy sẽ tốt hơn nhiều.
- CHỦ QUAN và bỏ mặc điện thoại đang bốc cháy hoặc ném chúng vào thùng rác.
Vì thế
Việc cẩn trọng không vừa sạc vừa dùng, sạc điện thoại nơi thoáng mát, dừng sạc ngay nếu điện thoại quá nóng, sử dụng phụ kiện sạc chính hãng... là không bao giờ thừa.
Qua trường hợp này, để tránh nguy hiểm khi sử dụng điện thoại, các chuyên gia khuyến cáo, hãy sử dụng các thiết bị điện thoại của những hãng có thương hiệu, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng phụ kiện (pin, bộ sạc…) kèm theo điện thoại có nguồn gốc rõ ràng, được chính hãng ủy quyền và đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất khi sử dụng.
Hạn chế sử dụng điện thoại, các thiết bị điện tử cầm tay khi đang sạc pin. Tốt nhất, người sử dụng nên tắt nguồn điện khi đang sạc pin. Không để các loại máy có nhiều từ trường như: Máy tính, máy nghe nhạc và điện thoại ở gần nhau.
Ngoài ra, việc vừa sạc pin vừa nghe điện thoại không chỉ tiềm ẩn nguy hiểm mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi nghe điện thoại trong trạng thái sạc sẽ cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu hơn so với nghe điện thoại ở trạng thái thông thường.
Trần Lợi (TH)