Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 5/2023 (từ ngày 1/5 đến ngày 15/5/2023) đạt 23,89 tỷ USD, giảm 10,8% (tương ứng giảm 2,89 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 4/2023.
Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 5/2023 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/5/2023 đạt 230,59 tỷ USD, giảm 15,4%, tương ứng giảm 42,1 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 160,26 tỷ USD, giảm 15,1% (tương ứng giảm 28,5 tỷ USD).
Xuất khẩu giảm, cán cân thương mại vẫn thặng dư 6,57 tỷ USD. Ảnh: TTXVN
Về xuất khẩu:
Tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 5/2023 đạt 11,45 tỷ USD, giảm 21,3% (tương ứng giảm 3,1 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 4/2023.
Một số nhóm hàng có trị giá kỳ 1 tháng 5/2023 giảm so với kỳ 2 tháng 4/2023, gồm: điện thoại các loại và linh kiện giảm 755 triệu USD (tương ứng giảm 38,7%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 452 triệu USD (tương ứng giảm 25,7%); sắt thép các loại giảm 247 triệu USD (tương ứng giảm 44,1%); hàng dệt may giảm 189 triệu USD (tương ứng giảm 13,9%)...
Như vậy, tính đến hết 15/5/2023, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 118,58 tỷ USD, giảm 12,8% (tương ứng giảm 17,47 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện giảm 4,47 tỷ USD (tương ứng giảm 19,5%); hàng dệt may giảm 2,3 tỷ USD (tương ứng giảm 17,4%); gỗ và sản phẩm gỗ giảm 1,88 tỷ USD (tương ứng giảm 30,2%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,6 tỷ USD, tương ứng giảm 8,2%... so với cùng kỳ năm 2022.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 5/2023 đạt 8,09 tỷ USD, giảm 22,6% tương ứng giảm 2,36 tỷ USD so với kỳ 2 tháng 4/2023.
Tính đến hết ngày 15/5/2023, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 87,17 tỷ USD, giảm 12,4%, tương ứng giảm 12,39 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,5% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Về nhập khẩu:
Trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 5/2023 đạt 12,44 tỷ USD, tăng 1,7% (tương ứng tăng 212 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 4/2023.
Một số nhóm hàng có trị giá nhập khẩu tăng là dầu thô tăng 101 triệu USD, (tương ứng tăng 40,3%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 87 triệu USD (tương ứng tăng 3%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 76 triệu USD (tương ứng tăng 4,6%)...
Tính chung từ đầu năm đến hết 15/5/2023, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 112,01 tỷ USD, giảm 18% (tương ứng giảm 24,63 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó một số nhóm hàng giảm mạnh như: điện thoại các loại và linh kiện giảm 5,47 tỷ USD (tương ứng giảm 66,5%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 4,39 tỷ USD (tương ứng giảm 13,4%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 2,15 tỷ USD (tương ứng giảm 13,2%) so với cùng kỳ năm 2022.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 5/2023 đạt 8,18 tỷ USD, tăng 4% (tương ứng tăng 317 triệu USD) so với kỳ 2 tháng 4/2023.
Tính đến hết ngày 15/5/2023, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 73,09 tỷ USD, giảm 18,1% (tương ứng giảm 16,14 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 65,3% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước…
Với kết quả trên, trong kỳ 1 tháng 5/2023, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 988 triệu USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/5/2023, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 6,57 tỷ USD.
Lý giải về nguyên nhân xuất khẩu giảm trong 4 tháng và nửa đầu tháng 5/2023, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương mới đây, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm, trong khi đó các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa.
Bên cạnh đó sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu, giá hàng hóa xuất khẩu đi xuống cũng là một trong những yếu tố làm giảm kim ngạch xuất khẩu. Trong 4 tháng đầu năm 2022, nhiều mặt hàng có mức giảm giá sâu từ 20-30% so với cùng kỳ năm trước như: hạt tiêu giảm 34,3%, cao su giảm 21,2%, dầu thô giảm 15,9%, quặng và khoáng sản khác giảm 19,8%, sắt thép giảm 25,2%, phân bón các loại giảm 33,6%...
Liên quan đến cán cân thương mại, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng xuất siêu tăng cao góp phần ổn định cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng trong tình hình hiện nay, cần đánh giá kỹ lại, bởi xuất siêu do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm vì thiếu vắng đơn hàng thì chưa hẳn đã tích cực. Ngược lại, trong một số trường hợp, nhập siêu chưa chắc đã không tốt. Cần phối kết hợp để đánh giá lại kỹ hơn, từ đó có các giải pháp cho hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, kinh tế thế giới vẫn tiếp tục khó khăn dù có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm và không đồng đều ở các quốc gia, nhu cầu tiêu dùng vì thế cũng phục hồi chậm. Hơn nữa, các nước phát triển ngày càng quan tâm đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng và dựng lên những tiêu chuẩn mới, hàng rào kỹ thuật mới đối với sản phẩm nhập khẩu; Trung Quốc mở cửa trở lại làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam... sẽ là những yếu tố tiếp tục tác động đến sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những tháng tới.