Quay về sân nhà 100 triệu dân
Theo Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm 2023 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 994.153 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022. Con số này cho thấy, thị trường nội địa đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tiêu thụ hàng Việt.
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty CP may mặc Sơn Tây. Ảnh: Hoài Nam
Ngành gỗ nội thất là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, tuy nhiên từ cuối năm 2022 đến nay các doanh nghiệp gỗ nội thát không thể xuất khẩu do thiếu đơn hàng trầm trọng. Trong bối cảnh ấy, nhiều đơn vị đã dành một phần nguồn lực để cung ứng hàng hóa cho thị trường nội địa, coi đây là giải pháp cứu cánh cho hoạt động xuất khẩu.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP chế biến gỗ Đức Thành Lê Hải Liễu chia sẻ, ngay từ những tháng cuối năm 2022, bên cạnh xuất khẩu, công ty đã triển khai làm hàng hóa đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ giúp cho nhà máy duy trì sản xuất. "Nếu như những năm trước, tỉ trọng xuất khẩu của gỗ Đức Thành thường chiếm khoảng 85-86%, thậm chí có lúc 88% so với tổng doanh thu, thì hiện doanh nghiệp đặt ra mục tiêu trong năm 2023, tỉ trọng nội địa sẽ tăng trên 20%" - bà Liễu chia sẻ.
Còn theo Tổng Giám đốc Công ty CP Minh Dương Nguyễn Duy Hồng, là doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại bún, miến khô xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Châu Âu... trong thời gian dịch dịch Covid-19, xuất khẩu gặp khó khăn nên doanh nghiệp chuyển sang chủ yếu sản xuất phục vụ thị trường trong nước. Dự kiến trong năm 2023 doanh nghiệp sẽ cung ứng cho thị trường nội địa 500.000 tấn bún, miến khô.
Người tiêu dùng mua hàng Việt tại siêu thị Co.op Mart Hà Đông. Ảnh: Hoài Nam
Thực tế cho thấy để hỗ trợ đơn vị sản xuất quảng bá, tiêu thụ sản phẩm Việt trong hoàn cảnh hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn, doanh nghiệp bán lẻ cũng đẩy mạnh các chương trình kích cầu qua đó hỗ trợ đưa sản phẩm ra thị trường 100 triệu dân tiêu thụ. Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở Công Thương Hà Nội đang vận động các đơn vị bán lẻ tăng chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và chi phí khác để giảm áp lực tăng giá bán. Thông qua hoạt động này, doanh nghiệp bán lẻ liên tục triển khai các chương trình khuyến mãi giảm giá hàng hóa vượt mức 50%.
Kích cầu thị trường trong nước, giúp doanh nghiệp vượt khó
Theo các chuyên gia kinh tế, với quy mô 100 triệu dân, mức sống người dân ngày càng gia tăng nên thị trường nội địa cũng là “miếng bánh” hấp dẫn để doanh nghiệp khai thác trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu. Tuy nhiên, yêu cầu của người tiêu dùng nội địa cũng ngày càng khắt khe, đòi hỏi hàng Việt phải giá cả cạnh tranh hàng ngoại nhập trong khi chất lượng tương đương. Vì vậy, với nhiều doanh nghiệp để quay trở lại sân nhà đòi hỏi Nhà nước có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, xây dựng mối liên kết với nhà bán lẻ…Qua đó kích thích tiêu dùng, khôi phục và ổn định kinh tế.
Sản xuất hạt điều xuất khẩu của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro). Ảnh: Hoài Nam
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, để doanh nghiệp đưa ra sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng, Bộ Công Thương nên tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại qua đó doanh nghiệp có nhiều cơ hội quảng bá sản phẩm tới khách hàng. Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ thủ tục thuê mặt bằng, tổ chức các chương trình bình ổn giá, giúp vay vốn với lãi suất ưu đãi… qua đó doanh nghiệp đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất, chất lượng sản phẩm Việt.
“Hiện nhiều doanh nghiệp trong quá trình quay lại thị trường nội địa gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối hợp tác tiêu thụ với chuỗi bán lẻ, do vậy doanh nghiệp rất cần sự giúp đỡ của cơ quan quản lý trong việc tạo mối liên kết xây dựng chuỗi tiêu thụ”-ông Phong nêu rõ.
Tương tự, chuyên gia kinh tế TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, cần có giải pháp thúc đẩy thị trường trong nước, tăng tiêu dùng nội địa. Bởi chỉ khi doanh nghiệp bán được hàng mới có tiền quay vòng sản xuất, chi trả lương cho người lao động, từ đó tác động trở lại đến tiêu dùng trong nước, giúp kinh tế hồi phục. "Muốn kích cầu thị trường nội địa cần phải xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối, đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, tạo ra mối liên kết giữa các doanh nghiệp, các địa phương để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm"- ông Thịnh nói.
Người tiêu dùng mua hàng Việt tại TTTM AEOn Long Biên. Ảnh: Hoài Nam
Đồng quan điểm trên, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú phân tích, thị trường nội địa là cứu cho các doanh nghiệp, vì vậy đơn vị bán lẻ trong nước nhanh chóng hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thiết yếu rút ngắn thời gian thanh toán tiền hàng, giúp doanh nghiệp có vốn lưu động, đáp ứng cho sản xuất và dự trữ. Đồng thời, các ngân hàng nên nâng hạn mức định giá những tài sản thế chấp qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tăng giá trị vốn vay lưu động ngắn hạn. “Việc vay vốn lãi suất ưu đãi sẽ giúp doanh nghiệp có được nguồn vốn tập trung sản xuất, dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân”-ông Phú nói.
Trong giai đoạn xuất khẩu còn mờ nhạt về tín hiệu hồi phục, thì thị trường trong nước xứng đáng để các nhà sản xuất quan tâm và tập trung khai thác. Để làm được điều này bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước đòi hỏi doanh nghiệp củng cố lại sản phẩm của mình sản xuất ra sản phẩm chất lượng tốt. Đồng thời lựa chọn cho mình một phần khúc phù hợp để có được dòng sản phẩm phù hợp nhu cầu của người tiêu dùng. Đây chính là "giấy thông hành" để hàng hóa Việt Nam có thể chiếm lĩnh thị trường nội địa.