Theo Cục Trồng trọt, tính đến thời điểm hiện nay, toàn vùng ĐBSCL đã xuống giống được hơn 1 triệu ha lúa Đông Xuân/1,55 triệu ha theo kế hoạch. Hiện nay, giá lúa đang tăng cao nên diện tích có thể tăng thêm vài chục ngàn ha. Theo khảo sát của đoàn công tác cũng như các địa phương, cuối tháng 12 này sẽ xuống đạt hơn 1,45 triệu ha, còn lại 100 ngàn ha qua tới khoảng 10/01/2021 sẽ xuống giống dứt điểm.
Qua khảo sát hầu hết các diện tích lúa nằm trong các vùng có nguy cơ hạn hán và xâm nhập mặn như năm vừa qua đã bước qua thời kỳ sinh trưởng tối đa. Có một số trà lúa chỉ khoảng 20 ngày nữa được thu hoạch đợt đầu tiên. Đoàn công tác đánh giá cao những nỗ lực của các địa phương và bà con nông dân trong việc tuân thủ các khuyến cáo né hạn, mặn.
Đoàn công tác thăm cánh đồng lúa sắp thu hoạch tại thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, dự kiến sẽ thu hoạch được khoảng 200 ngàn ha lúa Đông Xuân sơm trước tết Nguyên Đán. Diện tích này hầu hết nằm trong vùng có nguy cơ bị hạn hán, xâm nhập mặn. Gồm vùng ngọt hóa Gò Công (Tiền Giang), và một số vùng ven biển tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, một phần tỉnh Hậu Giang.
Tại TP Cần Thơ Đoàn đã đến thăm vùng chuyên sản xuất lúa giống có diện tích gần 20 ha tại ấp Đông Giang A, xã Đông Bình, huyện Thới Lai. Đây là những hộ trồng lúa tiên tiến thuộc Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững TP Cần Thơ gọi tắt là (VnSAT Cần Thơ), nhờ tuân thủ lịch thời vụ nên các chà lúa vụ Đông Xuân năm nay hứa hẹn sẽ cho năng suất cao.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết: Vụ lúa đông xuân 2020-2021 Cần Thơ đã xuống giống được 76.126 ha, ha đạt 100% so với kế hoạch. Trong đó, tỷ lệ gieo sạ bằng máy chiếm trên 95% diện tích. Trong vụ đông xuân này, các giống được nông dân sử dụng trong gieo sạ chủ yếu là Đài Thơm 8, IR50404, Jasmine 85, OM5451, RVT.
“Trong vụ Đông Xuân 2020-2021, TP Cần Thơ duy trì kế hoạch 131 mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích hơn 32.390 ha. Điều đáng mừng là hiện nay các trà lúa phát triển rất tốt, thời tiết thuận lợi và giá lúa hấp dẫn”, ông Nghiêm cho biết thêm.
Tại tỉnh Hậu Giang đoàn đã khảo sát tại cánh đồng lúa ở ấp Trường Lợi, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang thì tình hình vụ Đông Xuân đang rất khả quan. Đặc biệt, thông qua các lớp tập huấn từ Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) trong thời gian qua mà nông dân Hậu Giang ngày càng thấy được lợi ích và thay đổi tư duy sản xuất theo hướng “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, từ đó diện tích áp dụng mô hình trên tại Hậu Giang không ngừng tăng lên qua mỗi mùa vụ. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh thường xuyên theo dõi và chỉ đạo các địa phương trong tỉnh xuống giống lúa đông xuân phù hợp với từng vùng theo khung lịch mùa vụ, trên tinh thần là né hạn, mặn như đã làm hiệu quả từ vụ lúa đông xuân năm trước. Đồng thời, tổ chức mở những lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ vào đầu vụ để tiếp tục chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con.
Nhờ giảm lượng lúa giống từ 180 kg/công tầm lớn (tương đương 1.300m2) xuống còn từ 80 - 100kg/công nên dù lúa đã 22 ngày tuổi nhưng không xuất hiện dịch bệnh và đang phát triển xanh tốt. Do đó, ngành nông nghiệp Hậu Giang cần tiếp tục vận động người dân giảm lượng lúa giống trong gieo sạ để tiết kiệm được nhiều khoản chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.
Ông Nguyễn Văn Nam ở ấp Trường Lợi, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang có 11 héc ta, ông sạ giống lúa OM 5451, cho biết: “Ruộng lúa của tôi mới sạ được 21 ngày, năm nay nhờ quản lý được ốc bưu vàng nên mật độ lúa đều đặn hơn, không bị thưa như hàng năm và lúa tốt hơn”. Chia sẽ về cách quản lý được ốc bưu vàng ông Nam cho biết, khi vừa bơm nước ra là ông xịt thuốc trị ông bưu vàng ngay nên ốc chết hết, nếu để ốc vùi xuống bùn rồi sẽ khó diệt hơn. Theo ước tính của ông Nam, vụ Đông Xuân năm nay năng suất của khu ruông nhà ông ước đạt từ 9 tấn đến 9,5 tấn/ha.
Theo kế hoạch, vụ lúa đông xuân 2020 - 2021, nông dân Hậu Giang gieo sạ 76.600ha và chia ra làm 2 đợt xuống giống. Đợt 1 từ ngày 22 - 30/11 vừa qua và đợt 2 từ ngày 20 - 29/12 tới. Đến thời điểm này, nông dân trong tỉnh đã xuống giống được hơn 30.000ha, tập trung ở huyện Vị Thủy (hơn 9.820ha), huyện Long Mỹ (hơn 8.575ha), huyện Châu Thành A (hơn 6.661ha), huyện Phụng Hiệp (hơn 2.365ha) và lúa đang ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh. Các giống lúa được nông dân chọn gieo sạ phổ biến trong lúc này là OM 5451, OM 18, Đài Thơm 8, RVT, ST 24, ST 25, Hương Châu 6.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá cao công tác chuẩn bị, kế hoạch, thời vụ sản xuất mà ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL đang áp dụng cho nông dân theo tinh thần chỉ đạo chung của Bộ NN-PTNT. Đồng thời, nhắc nhở các địa phương và bà con nông dân không được chủ quan để có được vụ đông xuân thắng lợi trọn vẹn.
Tại Sóc Trăng, Đoàn công tác Bộ NN-PTNT đã đến thăm đồng lúa tại thị trấn Long Phú (huyện Long Phú), tại đây lúa đang giai đoạn đòng trổ và chỉ còn khoảng 20 ngày nữa là thu hoạch, với giống lúa OM18. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, trong vụ Đông - Xuân 2020 - 2021, trên địa bàn tỉnh đã xuống giống hơn 97.130 ha/167.000 ha, với các giống lúa Đài thơm 8, OM18, ST24… Cũng trên địa bàn huyện Long Phú, đoàn công tác Bộ NN-PTNT đã đến tham quan vườn bưởi da xanh, áp dụng sản xuất theo hướng hữu cơ tại hộ anh Nguyễn Hữu Chính ở xã Phú Hữu, vườn bưởi cho năng suất trái tốt và được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra.
Kết thúc chuyến khảo sát, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, đồng lúa tại các tỉnh ĐBSCL phát triển rất tốt, nhất là tại các tỉnh ven biển có nguy cơ xâm nhập mặn cao, bà con đã được ngành chuyên môn khuyến cáo nên chủ động xuống giống sớm. Do đó, hoàn toàn tránh được hạn, mặn. Để vụ Đông - Xuân 2020 - 2021 thắng lợi, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị bà con tại các địa phương tập trung cao độ xuống giống toàn bộ diện tích lúa còn lại trong tháng 12-2020. Tuy nhiên, nguy cơ hạn, mặn vẫn có khả năng xảy ra, đề nghị các địa phương và bà con không chủ quan. Theo đó, tập trung tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý nhất. Đồng thời, chuẩn bị điều kiện phương tiện để ứng phó hạn, mặn có thể xảy ra, đặc biệt là thời điểm từ giữa vụ đến cuối vụ Đông - Xuân.
Được biết, hiện nay giá lúa OM, giống IR50404 được các thương lái đặt mua tại ruộng với giá từ 6,8 đến 7000 đồng/kg; giống Jasmine 85 có giá trên 8000 đồng/kg.