Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An nhấn mạnh: Năm 2018 tình hình thị trường, giá cả khu vực ĐBSCL nhìn chung không có biến động lớn, chỉ số giá tiêu dùng CPI 10 tháng đầu năm 2018 bình quân tăng 4,30% so với cùng kỳ năm 2017, tăng hơn mức tăng CPI của cả nước là 3,60%. Đồng thời, ông Được cũng đề nghị Sở Công Thương các tỉnh/thành khu vực ĐBSCL và TP. HCM tập trung thảo luận, bàn bạc các giải pháp để liên kết chặt chẽ hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia Chương trình kết nối cung cầu hàng hóa để hỗ trợ ổn định thị trường, không để mất cân đối cung cầu, gây sốt giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Sở Công thương các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL và Tp. Hồ Chí Minh ký kết Biên bản thỏa thuận về kết nối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường giữa các tỉnh, thành phố năm 2019. |
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, thời gian qua, công tác bình ổn thị trường giữa các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL và TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp liên kết đầu tư, phát triển sản xuất, phát triển hệ thống phân phối, tiêu thụ hàng hóa cũng như đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường nhất là trong các dịp lễ, Tết với khoảng 70 doanh nghiệp tham gia.
Riêng TP.HCM có 90 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM, trong đó có 17 doanh nghiệp của các tỉnh, thành chủ yếu cung ứng các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Bên cạnh đó, đến nay, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 100 siêu thị, 19 trung tâm thương mại, hàng trăm cửa hàng tiện ích và trên 1.700 chợ.
Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển đa dạng mạng lưới phân phối thông qua các chương trình hợp tác đầu tư, kết nối cung cầu, bình ổn thị trường, phát triển hệ thống điểm bán hàng bình ổn.
Khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện chương trình kích cầu tiêu dùng hàng Việt. Tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời xử lý khi xảy ra biến động. Trong năm 2018, nhiều địa phương đã chủ động, nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp, phát huy tiềm năng, thế mạnh, quyết tâm tạo chuyển biến rõ nét trong phát triển kinh tế xã hội; trong đó, lĩnh vực thương mại của TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL năm 2018 đạt kết quả tích cực. Theo đánh giá của Sở Công Thương TP.HCM, 80% nguồn cung cho thị trường TP.HCM đến từ các tỉnh ĐBSCL đã tác động tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển và ổn định thị trường.
Thị trường hàng hóa và cung cấp dịch vụ của khu vực ĐBSCL cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ các tỉnh, thành phố ĐBSCL 11 tháng năm 2018 đạt hơn 829.000 tỷ đồng, tăng bình quân 12,28%, cao hơn mức tăng bình quân của cả nước.
Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất đưa ra nhiều giải pháp bình ổn thị trường cuối năm 2018, dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 và thời gian tới. Theo đó, các cơ quan quản lý các tỉnh, thành tiếp tục hợp tác kết nối giao thương, đưa hàng hóa đến người tiêu dùng nhanh chóng, thuận lợi. Từ đó, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, nhất là các mặt hàng thiết yếu.
Đồng thời, tăng cường mời gọi các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có năng lực, có uy tín tham gia chương trình bình ổn thị trường. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư tạo nguồn hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, hạ giá thành, mở rộng mạng lưới phân phối cung ứng cho thị trường.
Cũng tại hội nghị, Sở Công thương các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL và TP.HCM đã ký kết Biên bản thỏa thuận về kết nối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường giữa các tỉnh, thành phố năm 2019.
Theo biên bản thỏa thuận, các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL và Tp. Hồ Chí Minh thống nhất tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý của các tỉnh, thành phố trong các hoạt động kết nối giao thương. Đồng thời, đưa hàng hóa đến người tiêu dùng nhanh chóng, thuận lợi; mở rộng nhóm hàng bình ổn, phát triển mối liên kết giữa các doanh nghiệp để chủ động nguồn hàng.