Sáng 5-1, Bộ Tài chính đã họp báo chuyên đề giới thiệu 10 nghị định về ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực từ 1-1-2018. Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt áp dụng đến giai đoạn 2022-2023.
Việt Nam đang thực hiện cam kết về thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ 10 FTA: ASEAN, ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), ASEAN – Hàn Quốc, ASEAN – Nhật Bản, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN – Australia – NewZealand, Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), Việt Nam – Chile và Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á – Âu (VN-EAEU FTA).
Đáng chú ý ở Nghị định ban hành biểu thuế VN-EAEU FTA, tính đến năm 2018 có 5.535 dòng thuế cắt giảm về 0% và năm 2018 có 3.720 dòng thuế đang tiếp tục về 0% gồm: sữa và sản phẩm từ sữa, ô tô và phụ tùng linh kiện ô tô, sắt thép và sản phẩm sản thép…
Với Nghị định ACFTA, số dòng thuế giảm từ mức 5%, 10% xuống 0% năm 2018 gồm: thịt gà, cà phê, chè nguyên liệu, chế biến thực phẩm, vải may mặc, quần áo, máy móc thiết bị điện và điện tử…
Với VKFTA, năm 2018 có 704 dòng có thuế suất cắt giảm 0% tập trung ở các mặt hàng: thủy sản, bột mỳ, chế phẩm bánh kẹo, nhiên liệu diesel, máy móc thiết bị điện và điện tử…
Với VJEPA, có 456 dòng thuế suất 0%, chủ yếu ở các nhóm chất béo, đường, máy móc thiết bị, bộ phận xe cộ…
Với Hiệp định thương mại tự do (AFT) của các nước trong ASEAN, thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực này về Việt Nam giảm theo lộ trình từ 40% xuống 30% từ năm 2017 và về 0% vào năm nay.
Hàng ngàn sản phẩm nhập khẩu, trong đó có nhiều mặt hàng nông sản thực phẩm vốn là thế mạnh của Việt Nam sẽ về 0% gây áp lực cho nhà sản xuất trong nước về giá thành chất lượng nhưng đem lại cơ hội lớn cho người tiêu dùng, chắc chắn sẽ tạo ra những sự thay đổi tích cực.