Triển lãm Saigon Autotech & Accessories năm nay được tổ chức trên quy mô 10.000 m2, với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp và hơn 300 gian hàng trong lĩnh vực ô tô, xe máy, xe đạp điện và linh kiện phụ tùng trong và ngoài nước. Với quy mô quốc tế, Triển lãm không chỉ có doanh nghiệp trong nước (chiếm gần 40%), mà còn quy tụ nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Indonesia...
Doanh nghiệp tham quan xem sản phẩm phụ tùng ô tô, xe máy tại triển lãm trong ngày khai mạc. Ảnh: Lê Hoàng |
Năm 2018, thị trường và ngành công nghiệp ô tô xe máy, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có những biến động mạnh dưới tác động của 2 Nghị định quan trọng là Nghị định 116 về xe nhập khẩu và Nghị định 125 về ưu đãi thuế linh kiện cho xe lắp ráp trong nước. Đáng chú ý, theo Nghị định 125, ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô tiếp tục được khuyến khích đầu tư với nhiều ưu tiên và cơ hội để phát triển.
Trong mục tiêu chung về thúc đẩy phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô - xe máy trở thành ngành công nghiệp chủ lực, Saigon Autotech & Accessories 2018 được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, góp phần hiện thực hóa yêu cầu nói trên.
Một trong những hoạt động trọng điểm của Saigon Autotech & Accessories 2018 là Hội thảo chuyên ngành với chủ đề: “Công nghiệp phụ trợ - Chìa khóa vàng phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam”, với mục tiêu cập nhật những thông tin về chủ trương, chính sách của Chính phủ liên quan đến công nghiệp hỗ trợ nói riêng và công nghiệp ô tô nói chung. Hội thảo do Ban Tổ chức Triển lãm phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) và VINFAST tổ chức.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chỉ mới sản xuất được một số chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy... Do đó, ngay từ bây giờ,các doanh nghiệp, nhà quản lý cần phải nghĩ đến việc đưa ra các giải pháp để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo động lực, tiền đề cho ngành công nghiệp ô tô phát triển.
Hoạt động giới thiệu và trưng bày sản phẩm tại triển lãm |
Các chuyên gia nhận định, dù công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô Việt Nam còn yếu, nhưng công nghiệp hỗ trợ trong ngành xe máy của Việt Nam đã phát triển với tỷ lệ nội địa hóa rất cao trên 90%. Do đó, một số ý kiến cho rằng Chính phủ cần tạo điều kiện để các nhà sản xuất linh phụ kiện xe máy chuyển dịch sang sản xuất cả linh phụ kiện cho ô tô. Việc đồng thời phát triển cả hai ngành là xe máy và ô tô sẽ thuận lợi hơn nếu doanh nghiệp mới bắt đầu tham gia cho sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô.
Không chỉ trưng bày, giới thiệu sản phẩm của nhiều ngành hàng đa dạng, Saigon Autotech & Accessories 2018 còn là một diễn đàn hữu ích cho các doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài nước gặp gỡ, hợp tác, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và quảng bá sản phẩm ngay tại sự kiện thông qua sự kiện “Kết nối giao thương”. Tại sự kiện này, Ban Tổ chức sẽ hỗ trợ về địa điểm và tùy theo yêu cầu của các đơn vị trưng bày có nhu cầu tổ chức các hội nghị, hoạt động riêng trong thời gian diễn ra.