Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan thì trong tháng đầu tiên của năm 2017, cả nước chỉ nhập khẩu có 94 chiếc xe Trung Quốc, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2016 (560 chiếc) và thấp hơn rất nhiều so với năm 2015 (1.665 chiếc).
Xe nhanh xuống mã và mất giá rất nhiều
Một đặc điểm của thị trường Việt Nam là giá xe thường rất cao, gấp nhiều lần thu nhập của người dân, do vậy phần lớn mọi người coi xe ô tô là một loại tài sản. Điều này có thể lý giải tại sao hãng xe Toyota được người dân rất ưa chuộng vì sau một thời gian sử dụng, giá trị bán lại của xe vẫn cao ngất ngưởng.
Ô tô Trung Quốc rất mất giá khi bán lại. Ảnh minh họa |
Anh Nguyễn Duy Thức ở Long Biên mua một chiếc xe Baic 7 chỗ của Trung Quốc năm ngoái với giá 450 triệu, cộng cả phí trước bạ và đăng ký ra biển giá là gần 530 triệu đồng. Dáng xe nhìn hao hao giống Captiva, option đầy đủ, giá rẻ bằng một nửa nên anh khá thích khi bỏ tiền mua.
Nhưng dùng gần 1 năm thì anh bắt đầu thấy chán, bởi xe bắt đầu lộ ra những nhược điểm như đi ồn, nhất là đường xóc, bảng taplo bắt đầu kêu lọc xọc; chất lượng nhựa xuống cấp thấy rõ…và một điểm nữa là thấy ít người giống mình. Do đó, anh quyết định bán. Tuy nhiên, khi mang xe ra showroom thì hầu hết trả giá chưa bẳng một nửa giá mua, lỗ quá nên anh để đi và tìm cách bán sau.
Anh Dương Xuân Giao, chủ một showroom bán xe ở Hà Nội nhận xét, cũng giống như xe máy Trung Quốc hồi những năm 90, ào ào vào Việt Nam chiếm thị phần ở phân khúc giá rẻ, nhưng khi người tiêu dùng nhận thấy xe có chất lượng rất kém, nhanh xuống mã, xe cũ bán lại rẻ nên không mua nữa, thì giờ xe ô tô Trung Quốc cũng vậy.
"Người ít tiền thấy xe có mẫu mã đẹp, tùy chọn nhiều thì mua, dùng một thời gian xuống cấp rất nhanh, phụ tùng thay thế chính hãng thường phải chờ lâu, xe cũ khó bán và mất giá rất nhiều nên không bán được nữa thì nhập về làm gì", anh Giao nói. "Xe Trung Quốc chỉ bán được cho người giàu, dùng hơn năm lỗ đến nửa chiếc xe thì chỉ có người giàu mới dám chơi thôi', anh Giao nói thêm.
Hệ thống bảo hành bảo dưỡng và phụ tùng chính hãng khó kiếm
Theo anh Giao, ngoại thất của xe Trung Quốc hao hao giống với các hãng xe nổi tiếng nên cũng bắt mắt, nhưng các chi tiết khác rất nhanh hỏng, như hệ thống cân bằng điện tử, phanh, các chi tiết điện tử…Những người sở hữu xe Trung Quốc rất vất vả để sửa chữa, bảo hành bởi các đại lý, liên doanh hầu hết đã giải tán, chỉ còn một số đơn vị nhập khẩu xe về Việt Nam.
Phụ tùng thay thế rất khó mua cũng là lý do xe ô tô Trung Quốc đang dần biến mất trên thị trường Việt. Ảnh minh họa |
Thêm vào đó, để thay thế những thiết bị hỏng hóc, người dùng phải đặt trước rất lâu mới có chứ không có sẵn. Ở Hà Nội thì có thể đến chợ Trời để lùng đồ thay, nhưng những ai ở tỉnh lẻ thì chịu; hoặc phải lên biên giới như Lạng Sơn, Quảng Ninh đặt mua, việc này rất mất thời gian và công sức, chứ không như các hãng xe khác.
Hệ thống bảo hành, bảo dưỡng của từng hãng xe ô tô Trung Quốc tại Việt Nam không có mà hầu hết là các doanh nghiệp phân phối xe ô tô Trung Quốc phải tự mở cửa hàng bảo hành, bảo dưỡng. Đây cũng là điểm gây khó khăn cho chủ sở hữu xe. Vì có rất nhiều hãng xe, loại xe nhập về nên phụ tùng không thể đầy đủ của từng hãng được, mà khách hàng bỏ vài trăm triệu đồng mua ô tô đều trông chờ chính sách hậu mãi, bảo hành, bảo dưỡng xe của chính hãng.
Xe thì mất giá nhanh, các cơ sở bảo dưỡng, bảo hành chính hãng thì không có, bỏ ra một đống tiền mà 'chuốc' những bất tiện vào người, lại mang danh đi xe Trung Quốc; thêm việc muốn thay thế phụ tùng thì phải đặt mua như các hãng xe sang như vậy, thì xe ô tô Trung Quốc dần 'mất hút' là một điều dễ hiểu, anh Giao kết luận.