Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, trong tháng 1-2017, Việt Nam nhập từ Ấn Độ 1.006 xe ôtô nguyên chiếc với tổng trị giá hơn 3,73 triệu USD.
Như vậy, giá nhập khẩu trung bình một chiếc xe có xuất xứ từ nước này trong tháng có giá khoảng 3.700 USD, chiếu theo tỷ giá hiện hành, ước tính 84 triệu đồng/chiếc.
Theo nhiều đại diện kinh doanh ôtô, đây là mức giá trung bình rẻ nhất trong số những quốc gia mà Việt Nam đang nhập khẩu.
Ảnh minh họa. |
Cụ thể, cũng trong tháng 1-2017, Việt Nam đã nhập về 2.605 xe ôtô nguyên chiếc Thái Lan, tổng trị giá 51,7 triệu USD, bình quân, mỗi xe có giá 19.846 USD (452 triệu đồng).
Đối với thị trường Indonesia, lượng hàng nhập về là 1.823 chiếc, gần bằng kim ngạch của cả năm 2016 với tổng trị giá lên đến 35,4 triệu USD, giá trung bình một chiếc xe khoảng 19.418 USD (442 triệu đồng).
Tuy nhiên đó giá nhập về cảng Việt Nam chưa tính các loại thuế, phí theo quy định của Việt Nam đưa ra như thuế nhập khẩu 70%, thuế tiêu thụ đặc biệt 40% (xe Ấn Độ chủ yếu có dung tích động cơ nhỏ dưới 1.5L)...
Với cách tính mới từ tháng 7-2016, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe nhập khẩu tính trên giá xe bán tới đại lý vì vậy giá xe đến tay người tiêu dùng cao hơn. Chưa kể doanh nghiệp cộng thêm các chi phí cảng, logistics, kho bãi, lợi nhuận…
Vì vậy thực tế giá các loại xe Ấn Độ đến tay người tiêu dùng Việt Nam có giá gấp 4-5 lần so với giá xe nhập về cảng, tức dao động từ 350-450 triệu đồng tùy loại xe.
Ông Duy Khánh, chủ một đại lý ô tô tại TP.HCM cho biết như dòng xe Grand i10 loại rẻ nhất có dung tích động cơ dưới 1.0L giá bán tại các đại lý trên thị trường đều hơn 350 triệu đồng.
Tuy nhiên, từ dòng xe Ấn Độ với dung tích động cơ nhỏ được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (từ 1-1-2018 xe dưới 1.5L thuế tiêu thụ đặc biệt giảm xuống 35%) vẫn tạo ra lợi thế so với các dòng xe nhập từ các nước khác có dung tích động cơ lớn phải chịu thuế cao hơn.
Các doanh nghiệp ô tô nhận định thị trường Việt Nam sẽ được đón một làn sóng ôtô giá rẻ tràn vào của cả Ấn Độ cũng như các nước khác trong khu vực ASEAN – khi mà thuế suất nhập khẩu của các nước này về 0% kể từ 2018.
Đây cũng chính là nguyên nhân mà đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại TP.HCM (Jetro) mới đây thông tin với báo chí một số doanh nghiệp sản xuất ôtô Nhật Bản muốn rút khỏi thị trường Việt Nam.
Nguyên nhân Jetro đưa ra là ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam không phát triển, tỷ lệ nội địa hoá ôtô thấp, phần lớn linh kiện vẫn phải nhập khẩu khiến các nhà sản xuất đành chọn phương án nhập khẩu và bán xe nguyên chiếc để giảm chi phí.
Việc các doanh nghiệp ô tô Nhật Bản có thể rút khỏi Việt Nam có thể diễn ra vào năm 2018 khi ASEAN thực hiện chính sách miễn thuế nhập khẩu ôtô. Khi đó việc bán xe Nhật sản xuất tại Việt Nam dự báo sẽ khó cạnh tranh bởi ô tô giá rẻ này.