Hoạt động nghiệp vụ tại Ngân hàng VietcomBank - Ảnh: Thanh Hải. |
Không nới lỏng thêm tín dụng
Ông Phạm Thanh Hà - Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra là 17%, tổng phương tiện thanh toán là 16% nhưng cũng sẽ điều chỉnh sao cho phù hợp với thực tế. Trong 4 tháng đầu năm, tín dụng đã tăng 5%, tương đương so với cùng kỳ năm trước. “NHNN tiếp tục theo dõi và chưa thấy có yếu tố nào để điều chỉnh chỉ tiêu này” - ông Hà nói.
Ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc chương trình Fulbright cho rằng, nhà điều hành cần có sự thận trọng nhất định với lượng vốn bơm ra. “Lạm phát tiềm ẩn, giá dầu mỏ có rủi ro gia tăng, xung đột thương mại giữa các nước lớn, xu hướng bảo hộ thương mại, chính sách tiền tệ thay đổi từ các nước… do đó dư địa sử dụng chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng là hạn hẹp, cần thận trọng tránh tăng quá nóng đặc biệt là thị trường tài sản” - ông Thành phân tích.
TS Cấn Văn Lực đồng tình, không tạo ra sức ép quá lớn cho hệ thống tín dụng khi tỷ lệ tín dụng/GDP hiện khá cao (130%). Đặc biệt, Quỹ Tiền tệ quốc tế-IMF cũng đã đưa ra kiến nghị yêu cầu thận trọng hơn trong tăng trưởng tín dụng nhất là khi hoạt động tăng vốn của các ngân hàng vẫn còn hạn chế. “Tín dụng đã tăng liên tục nhưng vốn không được tăng tương ứng, đáp ứng chuẩn Basell 2 là cực kỳ khó khăn” - ông nói.
Vẫn có những giải pháp tốt hơn việc tăng phí ATM
Cũng tại Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng 2018, chia sẻ về việc gần đây các ngân hàng lớn đồng loạt tăng phí dịch vụ, Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam (Phó Tổng Giám đốc Vietcombank) Đào Minh Tuấn cho biết, chi phí duy trì ATM hiện vẫn cao hơn rất nhiều mức phí mà các ngân hàng đang thu.
Cụ thể, hiện nay mỗi giao dịch ATM tốn 7.000 đồng, thậm chí lên tới 10.000 đồng, cao hơn rất nhiều so với mức thu 3.300 đồng hiện nay. Cũng theo ông Tuấn, 97% các giao dịch với thẻ ghi nợ nội địa vẫn là để rút tiền thay vì thanh toán các hàng hoá dịch vụ. Chính thực tế này dẫn đến việc các ATM ở Việt Nam đang quá tải và xuống cấp nhanh hơn các quốc gia.
Bên cạnh đó có một thực tế nhiều ngân hàng nhỏ thời gian qua chỉ phát hành thẻ nhưng không đầu tư máy, dẫn đến hệ thống ATM của ngân hàng lớn phải gánh chịu lỗ do phải đầu tư nhiều cho hạ tầng (như chi phí thuê chỗ đặt máy ATM, đường truyền, bảo trì, điện, tiếp quỹ...). Đại diện Agribank chia sẻ, nếu tính đầy đủ, mức thu phí hiện nay không bù đắp được chi phí. Chưa kể, hệ thống Agribank ở vùng sâu vùng xa rất nhiều, chi phí còn lớn hơn nữa nếu phải chuyển tiền mặt đi khắp các mạng lưới.
Tuy nhiên, chuyên gia thẻ Trần Quang Thoại cho rằng, vẫn có giải pháp cho vấn đề này như các ngân hàng nên ngồi lại, tự giải quyết với nhau, chẳng hạn như thu phí hạ tầng, không nên đổ lên người tiêu dùng. Thực tế, ngân hàng phát hành thẻ cũng hưởng được nhiều lợi ích khi khách hàng mở thẻ như hưởng số tiền gửi không kỳ hạn trên tài khoản, chưa kể bán được dịch vụ khác… Chính vì thế ngân hàng cần chia sẻ phí với ngân hàng có máy ATM.
Trong khi chuyên gia Bùi Quang Tín cũng cho rằng, Hội Thẻ nên đưa ra một mức thu phí hài hoà lợi ích của các ngân hàng nhưng cũng đáp ứng nhu cầu mong muốn của người tiêu dùng hơn. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo mật. NHNN nên có quy định cụ thể về các khoản phí này, đồng thời rà soát các khoản phát sinh tăng thêm. Hoặc NHNN nên đưa ra chỉ tiêu về lượng thẻ phát hành tương ứng với số máy ATM phải đầu tư, tránh tình trạng cứ ào ạt phát hành thẻ mà không chịu đầu tư máy.
Trong khi khách hàng phản ứng với mức phí tăng cao, báo cáo tài chính của nhiều NH thương mại trong năm 2017 và quý I/2018 cho thấy doanh thu, lợi nhuận từ phí dịch vụ ngày càng lớn. Việc cải thiện thu nhập ngoài lãi cho vay, tín dụng đang được nhiều ngân hàng lựa chọn. |
Hiện các NHTM Nhà nước chưa được sử dụng lợi nhuận giữ lại để tăng vốn, trong khi tăng vốn theo hình thức bán cổ phần bị hạn chế bởi quy định về tỷ lệ nắm giữ cổ phần tối thiểu của Nhà nước... Ông Phạm Huyền Anh - Phó Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) |