Giá vàng, thực phẩm đồng loạt tăng mạnh. Ảnh minh họa
Giá vàng tăng mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới đang giao dịch quanh ngưỡng 1.766 USD/ounce, tăng mạnh hơn 12 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Tuần qua giá vàng thế giới được hỗ trợ mạnh từ các thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất; kinh tế Mỹ suy giảm quý thứ 2 liên tiếp, với mức giảm 1,6% quý 1 và 0,9% trong quý 2.
Cơ quan thống kê châu Âu vừa cho biết, kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu lạm phát vẫn tăng mạnh trong tháng 7, mặc dù GDP tại đây đã có tín hiệu tích cực. Cụ thể, GDP quý 2/2022 của khu vực đồng tiền Euro đã tăng 0,7% so với quý 1, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù vậy, nhưng lạm phát tại khu vực này đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay ở mức 8,9%, cao hơn mức của tháng 6 là 8,6%. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp, khu vực châu Âu có mức lạm phát trên 8%.
Giới đầu tư lo ngại, khi lạm phát chưa có chiều hướng hạ “nhiệt” chắc chắn Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát. Khi các DN khó tiếp cận dòng vốn giá rẻ chắc chắn sản xuất sẽ phải thu hẹp.
Chuyên gia nhận định, các nền kinh tế lớn trên thế giới đang đẩy mạnh thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát. Điều này cũng sẽ khiến các nền kinh tế gặp khó khăn.
Tại Mỹ tăng trưởng GDP đã giảm hai quý liên tiếp, theo lý thuyết nền kinh tế này đã rơi vào suy thoái. Những lo ngại về nền kinh tế suy thoái và lạm phát tăng cao đã khiến cho giới đầu tư vẫn đẩy mạnh mua vàng dự trữ nhằm đề phòng rủi ro cho dòng vốn. Kết tuần, giá vàng thế giới đã tăng 42 USD/ounce so với giá mở cửa tuần.
Trong nước, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 65,8 - 66,8 triệu đồng/lượng.
Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch mua - bán trong khoảng 65,8 - 66,82 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên sáng qua, các thị trường trên đã tăng 600.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán duy trì ở mức 1 triệu đồng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 64,9 - 65,9 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên sáng qua, đơn vị này đã tăng 1,1 triệu đồng/lượng chiều mua vào và chỉ tăng 100.000 đồng/lượng chiều bán ra. Chênh lệch 2 chiều mua - bán từ 2 triệu rút xuống còn 1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý 65,7 - 66,7 triệu đồng/lượng, giữ giá cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên sáng qua, đơn vị này đã tăng 500.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra. Chênh lệch mua - bán là 1 triệu đồng/lượng.
Tuần qua, giá vàng SJC trên thị trường cũng tăng mạnh theo xu hướng thế giới, nhưng một số doanh nghiệp lại đi ngược. Tính chung, trên thị trường tự do, giá vàng SJC đã tăng 600.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.
Trong khi đó, giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji lại giảm 100.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Tại Phú Quý, giá vàng SJC đã tăng 500.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.
Giá thịt heo tiếp tục tăng
Chiều 24/7, khảo sát tại nhiều chợ trong khu vực quận Đống Đa, Hà Nội như chợ Thành Công, chợ Vĩnh Hồ, chợ Văn Chương, chợ Ngô Sỹ Liên…cho thấy, giá các loại rau xanh, thực phẩm không những không giảm mà có loại còn tăng mạnh.
Điển hình nhất là thịt heo. Giá bán lẻ thịt heo dao động trong khoảng 100.000 - 150.000 đồng/kg tùy loại. Ở một số nơi, giá từng loại thịt cụ thể đã tăng thêm 20.000 đồng/kg so với 1 tuần trước đó.
Cụ thể, thịt ba chỉ tại chợ Thành Công hiện được bán với giá 140.000 đồng/kg, đắt hơn 20.000 đồng mỗi kg so với trước
Chị Thu Lan, tiểu thương bán thịt heo tại chợ này nói: “Tôi cũng không thể hiểu tại sao giá thịt heo lại tăng trong khi giá xăng đã giảm khá mạnh”.
Theo chị Lan, trong khoảng 2 tuần trở lại đây, giá thịt heo đã tăng khoảng 10 - 20 giá. Thịt ba chỉ từ 120.000 đồng tăng lên 140.000 đồng/kg, bắp giò tăng từ 110.000 lên 130.000 đồng/kg. Tương tự, thịt nạc vai, mông sấn cũng tăng từ 110.000 đồng lên 120.000 đồng/kg.
Một tiểu thương bán thịt tại chợ Vĩnh Hồ lý giải: “Giá thịt heo bán lẻ tăng là vì gần đây giá heo hơi tăng mạnh. Đây là hệ quả của việc giá thức ăn chăn nuôi tăng. Mất một thời gian dài tỷ lệ tái đàn trong dân giảm dẫn đến hiện nay sản lượng thịt heo giảm. Nguồn cung giảm đã đẩy giá tăng".
Tiểu thương này cũng cho rằng, mức giảm của giá xăng, dầu chưa đủ thời gian để tác động đến giá thịt heo ngoài chợ, vì giá thịt heo chịu ảnh hưởng lớn từ nguồn cung, giá heo hơi ở từng thời điểm.
Trong khi thịt heo tăng giá mạnh, các loại thịt khác vẫn giữ nguyên mức giá so với lúc xăng chưa giảm. Thịt bò dao động từ khoảng 240.000 - 300.000 đồng tùy loại. Thịt gà công nghiệp vẫn giữ nguyên ở mức 60.000 - 80.000 đồng tùy loại, gà ta nguyên lông khoảng 120.000 - 150.000 đồng/kg. Cá điêu hồng vẫn giữ giá 60.000 - 70.000 đồng/kg...
Hầu hết các loại rau xanh cũng đứng giá, duy chỉ có rau cải xanh là chợ nào cũng tăng giá mạnh. Cô Hoa, chủ sạp rau tại chợ Văn Chương nói: “Xăng giảm như thế mà rau có giảm đâu. Như rau cải xanh chẳng hạn, mới sáng nay vừa tăng 10 giá, từ 15.000 đồng lên 25.000 đồng/kg”.
Cô Hoa cho biết thêm: “Giá rau xanh chúng tôi nhập thay đổi từng ngày. Từ sau Tết Nguyên đán, xăng dầu tăng giá liên tục, rau xanh cũng tăng theo gấp 2 - 3 lần. Ấy thế mà bây giờ, sau khi xăng dầu đã giảm mạnh, giá rau xanh vẫn chẳng thấy giảm chút nào”.
Các loại rau khác như bắp cải đang có giá từ 20.000 - 22.000 đồng/kg. Ở một số chợ, loại rau này còn tăng nhẹ 1.000 - 2.000 đồng/kg.
Rau muống vẫn khoảng 12.000 - 15.000 đồng/mớ, cải ngọt giá vẫn khoảng 15.000 đồng/kg, dưa chuột giữ nguyên giá 25.000 đồng/kg.
Khan hiếm nguồn cung, giá tôm hùm tăng 100.000 - 150.000 đồng/kg
Theo thông tin từ các nhà nuôi tôm hùm ở Cam Ranh (Khánh Hòa) cho biết, khoảng 1 tháng trở lại đây, giá bán tôm hùm đã tăng trở lại. Tuy nhiên, lượng tôm hùm thịt thương phẩm lại không còn nhiều nên dù giá tôm hùm tăng nhưng nhiều nhà không có để bán do lượng tôm thịt của người dân không còn nhiều.
Tại vùng nuôi tôm hùm ở TP Cam Ranh, hiện nay, giá tôm hùm xanh loại 3-4 con/kg xuất bán tại bè khoảng 750 - 800.000 đồng/kg, tăng hơn 100.000 đồng so với 1 tháng trước; tôm hùm bông loại 1 khoảng 1,4 triệu đồng/kg, tăng khoảng 150.000 đồng so với 1 tháng trước.
Người dân nuôi tôm cho biết, nguyên nhân là do hiện thị trường Trung Quốc đã mở cửa trở lại nên nhu cầu xuất khẩu tôm hùm thịt sang thị trường này khá lớn. Hơn nữa, hiện nay đang là cao điểm mùa du lịch nên nhu cầu tiêu thụ nội địa cũng tăng so với hồi đầu năm.
Thuận lợi thế nhưng hiện tại, lượng tôm thịt tại các vùng nuôi không còn nhiều nhiều thương lái thu mua tôm hùm gặp khó khi giá tôm hùm tăng lên nhưng không thu mua được nhiều, lượng thu mua chỉ được khoảng 60% lúc bình thường.
Theo thống kê, TP Cam Ranh có khoảng 45.000 lồng nuôi tôm hùm, trong đó khoảng 95% nuôi tôm hùm xanh; khoảng 80% sản lượng tôm thịt trên địa bàn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, 20% còn lại tiêu thụ nội địa.
Tại huyện Vạn Ninh, trước khi chưa xảy ra dịch Covid-19 thì cả huyện có khoảng 34.000 lồng nuôi tôm hùm. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, do dịch Covid-19 khiến đầu ra khó khăn nên người dân chỉ thả nuôi khoảng 11.000 lồng, trong đó có 70% nuôi tôm hùm bông.
Nhiều nhà nuôi tôm hùm cho hay, tôm hùm nuôi thời gian dài, phải 12-13 tháng mới xuất bán được, trong khi số lồng nuôi giảm nên sản lượng tôm thịt hiện nay không nhiều.
Thống kê của Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho thấy, tôm hùm là đối tượng nuôi biển trọng điểm của tỉnh, được nuôi trên 4 vùng nuôi: huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, thành phố Nha Trang và thành phố Cam Ranh. Hiện nay, toàn tỉnh có 63.421 ô lồng nuôi tôm hùm, chủ yếu là tôm hùm bông và tôm hùm xanh; sản lượng đạt 1.087 tấn/năm.