Giá vàng, thực phẩm, dừa tươi, xăng dầu... đồng loạt tăng; trong khi nhãn rớt giá thê thảm. Ảnh minh họa
Giá vàng tăng mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng trên thị trường quốc tế ở quanh ngưỡng 1.914 USD/ounce, giảm nhẹ 1 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Sáng nay, giá vàng giảm là do đêm qua Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ông Jerome Powell đã có bài phát biểu tại Hội nghị ngân hàng thường niên. Theo ông Jerome Powell, Fed sẽ tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ đến khi đạt được mục tiêu đưa lạm phát về 2%.
Điều này cũng dễ hiểu, bởi chỉ số lạm phát tại Mỹ (CPI) đã tăng từ 3% trong tháng 6 lên 3,2% trong tháng 7. Trong khi đó, thị trường việc làm vẫn ổn định, đây là cơ sở giúp cho Fed thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ của mình.
Dự kiến, trong cuộc họp tháng 11, cơ quan này sẽ tăng 0,25% lãi suất cơ bản đồng USD nhằm tiếp tục tiến trình chống lạm phát. Thông tin này đã giúp đồng USD tiếp tục tăng mạnh trong giỏ thanh toán quốc tế, đẩy giá vàng giảm.
Tuần qua, thị trường vàng quốc tế đã chịu áp lực từ đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ mạnh lên. 2 phiên đầu tuần và cuối tuần giá vàng thế giới giảm, chỉ có 1 phiên tăng vào giữa tuần, nhưng kim loại quý đã có tuần tăng giá.
Trước đó, giá vàng thế giới đã có 2 tuần giảm giá liên tiếp về dưới ngưỡng 1.900 USD/ounce. Chốt tuần, giá vàng thế giới đã tăng mạnh đến 28 USD/ounce so với giá mở cửa tuần.
Trong nước, giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội, mua - bán quanh mức 67,2 - 68,05 triệu đồng/lượng, đi ngang chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước.
Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu 67,37 - 67,95 triệu đồng/lượng, đi ngang chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước.
Tuần qua, giá vàng trong nước biến động mạnh theo thị trường thế giới. Tính chung, cuối tuần giá vàng SJC tại Doji và Bảo Tín Minh Châu tăng lần lượng là 300.000 đồng và tăng 260.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.
Hà Nội: Giá thực phẩm, đồ lễ cúng Rằm tháng 7 tăng nhẹ
Ngày 26/8 (tức 11 tháng Bảy âm lịch) cũng là ngày cuối tuần, không khí mua sắm tại một số chợ như: Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm); Gia Lâm, Gia Thụy (quận Long Biên); Hôm - Đức Viên, Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng); Mai Động (quận Hoàng Mai)… khá nhộn nhịp. Nguồn cung thực phẩm, trái cây, hoa tươi… dồi dào.
Chị Lê Thị Yến (phường Gia Thụy) cho biết, tranh thủ hôm nay là ngày nghỉ, gia đình chị sửa soạn mâm cơm dâng cúng gia tiên. Theo chị Yến, rau, quả, trái cây, thịt cá rất tươi ngon, dồi dào, giá một số mặt hàng tăng nhẹ nhưng nhìn chung không có đột biến.
Chị Nguyễn Thị Nhẫn, kinh doanh gia cầm tại chợ Gia Thụy, quận Long Biên cho hay, hôm nay nhiều người mua gà ngon để cúng Rằm nên chị tăng lượng hàng khoảng 20%.
“Dịp này sức mua tăng trong khi nguồn cung không tăng nên giá gà nhích nhẹ, như gà trống loại ngon ở mức 115.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng so với ngày thường”, chị Nhẫn nói.
Tương tự tại các chợ Hôm - Đức Viên, Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng); Mai Động (quận Hoàng Mai)..., giá gà ta cũng không nhiều biến động, ở mức từ 115.000 đồng đến 125.000 đồng/kg, tùy chợ. Cùng với đó, mặt hàng gà mổ sẵn ngậm bông hoa hồng cũng đắt khách dịp này. Tấp nập nhất phải kể đến khu vực bán gà luộc sẵn ở chợ Hàng Bè, hay chợ Hôm - Đức Viên. Chị Hoàng Dung, chủ cửa hàng trên phố Hàng Bè và chị Minh Nguyệt chủ cửa hàng tại chợ Hôm - Đức Viên cho biết, giá gà luộc sẵn ở mức 230.000 đến 240.000 đồng/kg, tương đương từ 450.000 - 700.000 đồng/con, tùy khối lượng.
Cùng với đó giá tôm hôm nay cũng tăng nhẹ. Tôm thẻ loại 30 con/kg có giá 270.000 đồng/kg, loại 25 con/kg có giá 300.000 đồng/kg; tôm sú ở mức từ 450.000 đến 550.000 đồng/kg tùy cỡ, đều tăng 10.000 đến 15.000 đồng/kg. Nguyên nhân, theo các tiểu thương, do sức mua tăng trong khi nguồn cung vẫn như thường ngày.
Trong khi đó giá thịt lợn, bò, trái cây, hoa tươi hầu như không tăng. Ghi nhận tại các chợ trên địa bàn thành phố cho thấy, giá móng giò 90.000 - 110.000 đồng/kg; sườn non, ba chỉ, bắp giò, nạc vai 130.000 - 150.000 đồng/kg; mông sấn 110.000 - 130.000 đồng/kg. Còn giá thịt bò thăn 280.000 - 300.000 đồng/kg, bò diềm 260.000 - 270.000 đồng/kg tùy loại.
Cũng theo các tiểu thương, năm nay thời tiết thuận lợi nên trái cây rất phong phú, giá không tăng so với mọi năm. Nhiều nhất phải kể đến các loại trái cây đang vào vụ thu hoạch như: Dưa hấu 25.000 - 30.000 đồng/kg; na dai 60.000 - 95.000 đồng/kg; na bở loại ngon 140.000 đồng/kg; thanh long đỏ 55.000 đồng/kg; chôm chôm 85.000 đồng/kg…
Ngoài ra, hoa quả nhập khẩu có táo Dazzle 155.000 đồng/kg, lê sữa Hàn 135.000 đồng/kg, kiwi New Zealand 225.000 đồng/kg, nho sữa 350.000 đồng/kg…
Mặt hàng hoa tươi vẫn giữ giá như ngày thường. Như hoa hồng và cúc lưới cùng có giá 5.000 - 8.000 đồng/bông, cúc mai 35.000 - 40.000 đồng/bó, ly 5-7 tai 30.000 - 35.000 đồng/cành tùy loại, ly kép hồng 60 nghìn đồng/cành. Ngoài chọn hoa cắt cành, người mua có thể chọn mẹt hoa được sắp đặt rất đẹp mắt. Chị Nguyễn Thị Nụ kinh doanh mẹt hoa tươi tại chợ Hàng Bè cho biết, mẹt hoa bao gồm hoa cau, ngọc lan, hoàng lan, mẫu đơn, hoa và bát sen, hồng… có giá 150.000 đồng/mẹt
Tương tự hoa tươi, các loại thực phẩm làm sẵn cúng Rằm hầu hết không tăng giá. Cụ thể như: Bánh chưng từ 40.000 đến 60.000 đồng/cái tùy to nhỏ; xôi gấc, xôi hoàng phố 30.000 - 50.000 đồng/đĩa; tôm sú chiên trứng muối 40.000 đồng/con; chim bồ câu quay 140.000 đồng/con; canh bóng thả 130.000 đồng/bát; chim bồ câu hầm 250.000 đồng/bát, nộm rau củ bò khô 50.000 đồng/đĩa; nem thịt, nem hải sản rán 10.000 đồng/chiếc…
Mâm cỗ trọn gói hiện dao động ở mức giá từ 1,4 triệu đến 1,9 triệu đồng/mâm tùy loại. Theo chị Ngọc Bích, chuyên nấu cỗ ở quận Hoàn Kiếm, hầu hết người đặt cỗ chọn mâm cỗ có giá hơn 1,4 triệu đồng. Dịp cuối tuần này, mỗi ngày nhà chị có hàng chục đơn đặt cỗ. Một số nhà hàng nấu cỗ còn giảm 15% cho những người đặt sớm, số lượng lớn.
Bên cạnh cỗ mặn, thị trường cỗ chay cũng đắt khách dịp này. Giá mỗi mâm cỗ chay dao động từ 600.000 đồng đến 2 triệu đồng. Chủ quán cỗ chay An Phúc (quận Hoàng Mai) cho biết, quán nhận đặt cỗ chay quanh năm, nhưng dịp Rằm tháng Bảy, khách đặt nhiều gấp 4-5 lần so với ngày thường.
Dừa tươi tăng giá hơn gấp đôi
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá dừa tươi đã tăng nhanh trở lại sau thời gian giảm mạnh. Ông Hòa, người trồng dừa ở Bến Tre cho biết 2 năm qua, giá mặt hàng này rất bấp bênh. Đầu năm, giá xuống thấp khiến 1,5 ha dừa của gia đình không có lãi. Tháng này, nhờ giá tăng lên hơn 60.000 đồng một chục, với khoảng 700 trái dừa thu hoạch đợt đầu, ông bán được hơn 4 triệu đồng.
Tương tự, ông Thành ở Tiền Giang cho hay nửa tháng nay, giá dừa tăng giúp ông và nông dân trong vùng có thu nhập ổn định hơn. Nếu giá duy trì mức này đến cuối năm, 500 cây dừa của ông có thể cho thu hoạch vài trăm triệu đồng.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T, cho biết nửa đầu năm, mỗi tháng công ty ông xuất khoảng 15 container dừa đã gọt trọc vỏ, đi Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản. Mới đây, Mỹ vừa cho phép nhập trở lại dừa tươi (chỉ gọt hết vỏ xanh và để vỏ trắng) của Việt Nam nên ông kỳ vọng doanh thu xuất khẩu dừa sẽ tăng mạnh nửa cuối năm.
Trước năm 2022, dừa của Việt Nam chỉ cần gọt hết vỏ xanh và để vỏ trắng là được xuất sang Mỹ. Nhưng sau đó, cơ quan quản lý tại nước này đã thay đổi quy định, yêu cầu dừa tươi phải gọt tới phần sọ mới được xuất khẩu khiến doanh nghiệp Việt gặp khó. Bởi việc này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dừa xuất khẩu do thời gian vận chuyển kéo dài, trái dễ hư hỏng và bảo quản tươi không được lâu.
Vì vậy, Cục Bảo vệ thực vật đã đề nghị Mỹ cấp phép xuất khẩu quả dừa tươi có vỏ của Việt Nam. Đầu tháng 2, Cơ quan Kiểm dịch Động thực vật Mỹ (APHIS) đã hoàn tất dự thảo báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại đối với sản phẩm dừa tươi của Việt Nam.
Tháng 8, cơ quan này đã hoàn tất việc cập nhật cơ sở dữ liệu trực tuyến yêu cầu nhập khẩu hàng hóa nông nghiệp (ACIR) để phê duyệt việc nhập khẩu dừa tươi từ Việt Nam. Theo đó, ngoài dừa sọ, dừa tươi (được gọt bỏ toàn bộ phần vỏ xanh và ít nhất 75% phần xơ dừa) đã được nhập khẩu trở lại qua nước này.
Nhãn được mùa giá rớt thảm
Hai tuần nay, chị Bùi Thị Mai - đầu mối bán trái cây ở Cầu Giấy (Hà Nội)- tiếp tục bán nhãn cùi Sông Mã với giá chỉ 75.000 đồng/túi 5kg (15.000 đồng/kg). Trước đó, giá nhãn đầu mùa cũng chỉ 20.000 đồng/kg, rẻ bằng nửa vụ trước.
Theo chị, nhãn năm nay giá rẻ hiếm thấy. Ngay cả những năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giá nhãn cũng không rẻ như vậy.
Bán nhãn đã hơn chục năm nay, chị Mai cho hay mức giá tùy thuộc vào từng thời điểm và nguồn cung từ các nhà vườn. Những năm trước, giá 15.000 đồng/kg phần lớn là nhãn quê cùi mỏng, trái nhỏ hoặc là nhãn hàng loại 2-3. Còn năm nay, hàng loại 1 quả to, vỏ mỏng, cùi dày và ngọt giá vẫn rẻ bèo.
"Nhưng hàng bán khá ế ẩm", chị than thở. Cửa hàng chị bán nhãn theo set 5kg, một ngày tiêu thụ trung bình 2-3 tạ nhãn, bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại chợ truyền thống, nhãn cũng được bày bán la liệt. Xe hàng rong đồng loạt treo biển "nhãn ngọt Sơn La 15.000 đồng/kg".
Bên chiếc xe thồ chất đầy nhãn bán ở vỉa hè trên đường Nghiêm Xuân Yêm (Hoàng Mai, Hà Nội), chị Vương Ngọc Ánh chia sẻ: "Nay tôi nhập 1,5 tạ nhãn, ít hơn hôm qua 50kg nên hy vọng hết hàng sớm".
Chị Ánh cho hay, cả 1kg nhãn to giá cũng chỉ 15.000 đồng, bằng tiền mua mới rau muống ở chợ. Vậy nhưng, không nhiều khách mua hàng. Hôm trước, chị nhập 2 tạ nhãn, đứng từ sáng đến hơn 8h tối mới bán hết. Nay sợ ế, chị nhập ít hơn.
"Bình thường giá rẻ sẽ đắt khách mua ăn. Song, thời điểm này, giá rẻ vẫn khó bán. Nhãn lại đang rộ mùa với nguồn cung lớn, giá còn rẻ hơn", chị nói.
Trên các chợ buôn bán online, các tiểu thương đang bán nhãn với giá siêu rẻ. Một số đầu mối rao bán 45.000 đồng/5kg nhãn (9.000 đồng/kg), một số nơi bán từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Mức giá này thường được áp dụng cho khách mua theo set từ 3-5kg.
Anh Trần Như Kiên, chủ vườn nhãn 6ha ở Yên Châu (Sơn La), thừa nhận, 24 năm trồng loại cây ăn quả này, chưa bao giờ anh thấy giá nhãn rẻ như năm nay.
Năng suất nhãn năm nay tại vườn nhà anh đạt 15 tấn/ha, sản lượng ước khoảng 90 tấn. Đầu mùa, nhãn được cân buôn tại vườn giá từ 11.000 - 16.000 đồng/kg, nay rớt xuống còn 7.000 - 12.000 đồng/kg.
"Nhãn năm nay được mùa nhưng mất giá, song không ai nghĩ giá mỗi ký nhãn có thể xuống dưới 10.000 đồng", anh Kiên chia sẻ.
Theo anh Kiên, những năm gần đây, nhiều địa phương mở rộng diện tích trồng nhãn, nguồn cung ngày càng nhiều, giá dần hạ nhiệt. Năm nay kinh tế khó khăn, thu nhập giảm nên người dân thắt chặt chi tiêu, buôn bán gì cũng ế ẩm.
Giá cua biển tăng mạnh
Gần tuần nay, giá cua biển thương phẩm ở thị trường tỉnh Trà Vinh đã tăng trở lại ở mức 200.000 - 250.000 đồng/kg (loại 4 - 5 con/kg), tăng 40.000 đồng/kg so tuần trước đó. Với giá cua thịt này, nông dân nuôi cua đạt lợi nhuận bình quân hơn 150 triệu đồng/ha/vụ.
Ông Nguyễn Văn Tòng, ở xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải cho biết, gia đình có 0,3 ha mặt nước ao nuôi cua biển được nuôi thâm canh 2 - 3 vụ/năm. Năm nay, nhờ môi trường nước thích hợp, giá cua thương phẩm ở mức cao nên gia đình tranh thủ thả cua giống sớm và nuôi 3 vụ trong năm.
Ông Nguyễn Văn Tòng cho biết thêm, với 0,3 ha mặt nước ao nuôi, mỗi vụ nuôi gia đình ông thu hoạch sản lượng hơn 250 kg cua thương phẩm. Gia đình ông vừa mới thu hoạch vụ cua thứ 2, bán với giá 200.000 đồng/kg, thu nhuận hơn 35 triệu đồng.
Từ nhiều năm nay, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh luôn khuyến khích nông dân không có đủ diện tích đất bố trí quy trình kỹ thuật an toàn hệ thống ao để nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh mật độ cao nên chuyển sang nuôi cua biển chuyên canh hoặc thay cho 1 hoặc 2 vụ nuôi tôm để tránh rủi ro, vừa đảm bảo về nguồn thu nhập.
Xăng dầu đồng loạt tăng giá
Tại kỳ điều hành gần đây nhất (ngày 21/8), liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định điều chỉnh giá xăng dầu như sau: Xăng E5 RON 92 tăng 510 đồng/lít; Xăng RON 95 tăng 610 đồng/lít; Dầu diesel giảm 70 đồng/lít; Dầu hoả tăng 420 đồng/lít; Dầu mazut tăng 320 đồng/kg.
Theo đó, sau điều chỉnh, giá xăng dầu trên thị trường như sau: Xăng E5 RON 92 không cao hơn 23.319 đồng/lít; Xăng RON 95 không cao hơn 24.577 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S không cao hơn 20.099 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 20.690 đồng/lít; Dầu mazut không cao hơn 16.858 đồng/kg.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 23 lần điều chỉnh, trong đó 13 lần tăng, 7 lần giảm, và 3 lần giữ nguyên.