Giá vàng giảm; trong khi giá nhiều hàng hóa thiết yếu, bánh trung thu, mít Thái... đồng loạt tăng mạnh. Ảnh minh họa
Giá vàng giảm mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng trên thị trường quốc tế ở quanh ngưỡng 1.888 USD/ounce, giảm hơn 5 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Giá vàng giảm là do đồng USD tăng mạnh trong giỏ thanh toán quốc tế, khiến giới đầu tư phải bán kim loại quý nhằm cắt lỗ và chuyển hướng đầu tư.
Cùng với đó, theo Tập đoàn tài chính nhà ở Freddie Mac (Mỹ), lãi suất cho vay thế chấp trung bình của khoản vay cố định 30 năm đã tăng chạm mốc 7,09% trong tuần này, mức cao nhất kể từ tháng 4/2002. Lãi suất cao khiến các tài sản mang tính dự trữ vốn như vàng bị bán ra chuyển sang gửi tiết kiệm, đầu tư sản phẩm tài chính sinh lời.
Tuần qua, giá vàng thế giới chỉ 1 phiên tăng nhẹ, còn lại có đến 5 phiên giảm. Do mức giảm mỗi phiên không quá mạnh, nên chốt tuần giá vàng thế giới giảm xuống 1.988 USD/ounce, mất 22 USD/ounce.
Đặc biệt, trong tuần chứng kiến Quỹ ủy thác vàng lớn nhất thế giới (SPDR) đã có đến 4 phiên bán ròng. Tổng khối lượng bán ròng của quỹ này trong tuần lên gần 16 tấn vàng. Chỉ có 1 phiên tăng vào ngày 18/8, với 2,6 tấn vàng.
Chuyên gia nhận định, nếu lãi suất còn giữ ở mức cao, đồng USD vẫn sẽ được hỗ trợ. Do đó vàng chưa thể có cơ hội đi lên.
Trong nước, giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội, mua - bán quanh mức 66,95 - 67,75 triệu đồng/lượng, đi ngang chiều mua vào và tăng 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước.
Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu 67 - 67,65 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước.
Bất chấp giá vàng thế giới 2 tuần qua giảm mạnh, nhưng giá vàng trong nước vẫn giữ ở mức cao và có những phiên đi ngược xu hướng thế giới.
Kết tuần, giá vàng SJC tại Doji tăng 250.000 đồng/lượng; tại Bảo Tín Minh Châu 150.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.
Theo nhận định của một số doanh nghiệp và nhà đầu tư, tuần qua thị trường vàng trong nước ảm đạm, thiếu vắng nhà đầu tư. Lợi suất trái phiếu tăng và đồng USD mạnh lên đã đẩy giá vàng chìm sâu, khiến nhà đầu tư xa lánh thị trường.
Nhiều hàng hóa, thực phẩm thiết yếu tăng theo giá gạo
Trong những ngày qua, giá gạo liên tục tăng mạnh khiến giá cả các mặt hàng thực phẩm trên thị trường tại Hà Nội cũng tăng lên.
Ghi nhận tại một số đại lý, cửa hàng bán gạo và chợ dân sinh truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội, hầu hết các loại gạo và bột đều tăng giá.
Cụ thể, gạo Bắc Thơm tăng giá từ 15.000 đồng/kg lên 17.000 đồng/kg, gạo dẻo 64 tăng từ 14.000 đồng/kg lên 17.000 đồng/kg, gạo ST25 tăng giá từ 25.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg; gạo tám Điện Biên tăng giá từ 14.600 đồng/kg lên 16.000 đồng/kg; gạo Hương Lài tăng giá từ 17.000 đồng/kg lên 19.500 đồng/kg…
Giá gạo tăng cao khiến các mặt hàng được chế biến từ gạo như bún, miến, phở, mì,...chịu ảnh hưởng trực tiếp. Tại các cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini, mặt hàng này cũng “nương theo” giá gạo.
Theo đó, bánh phở tươi tăng giá từ 11.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg; miến tăng giá thêm 2.000 đồng/kg, lên 25.000 đồng/kg với sợi nhỏ và 26.000 đồng/kg với sợi lớn; bún tươi tăng giá từ 10.000 đồng/kg lên 13.000-14.000 đồng/kg; bún khô tăng giá từ 30.000 đồng/kg lên 33.000 đồng/kg…
Các thương hiệu mì phổ biến như Hảo Hảo, Omachi, Kokomi,... đều nhích 5.000 - 10.000 đồng/thùng, giá bán lẻ theo gói cao lên từ 500 đồng - 1.000 đồng/gói.
Ngoài ra, trứng gà cũng đã tăng giá do tác động bởi giá gạo. Trong đó, trứng gà công nghiệp đã ở mức 37.000 đồng/chục, trứng vịt 40.000 đồng/chục, trứng gà ta cũng lên 40.000 đồng/ chục, tăng hẳn 20% so với cùng kì năm ngoái.
Các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu khác như dầu ăn, nước mắm, bột mì “ăn theo” giá gạo. So với đầu năm, các mặt hàng này đã tăng 15%-20%.
Cụ thể, dầu ăn Simply tăng 55.000 đồng, lên mức 76.000 đồng/chai 1 lít; dầu Neptune có giá 50.000 đồng thì nay tăng lên 60.000 đồng/chai 1 lít; dầu Cái Lân từ 50.000 đồng lên 56.000 đồng/lít; nước mắm Nam Ngư tăng 5.000 đồng, lên mức 44.000 đồng/chai 750ml; nước mắm Đệ Nhị từ 17.000 đồng/chai tăng lên 20.000 đồng/chai…
Trước biến động của giá gạo và thực phẩm, một số quán ăn đã rục rịch tăng giá nhẹ. Bà Đặng Thị Thuần - chủ quán cơm trên đường Tô Hiệu (Cầu Giấy, Hà Nội) đã treo bảng tăng giá bán trước cửa hàng để khách hàng có thể chủ động.
Theo đó, mỗi phần cơm, giá bán sẽ tăng khoảng 5.000 đồng/suất. Bà Thuần cho biết, giá nguyên liệu đầu vào đều đồng loạt tăng từ gas, xăng, dầu ăn, gạo, nước mắm,...nên buộc cửa hàng phải điều chỉnh giá bán.
Bà Thuần cũng cam kết, lần điều chỉnh này chỉ là tạm thời. Sau khi giá gạo giảm, cửa hàng sẽ quay trở về giá ban đầu.
Mặt hàng gạo liên tục tăng giá gây biến động thị trường và gây ra nhiều áp lực chi tiêu cho các gia đình hiện nay trong thời điểm mà các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cũng được đà tăng giá.
Giá bánh Trung thu tăng nhẹ
Còn một tháng rưỡi nữa mới đến Tết Trung thu nhưng thị trường bánh trung thu năm 2023 đã bắt đầu rục rịch. Trên quầy kệ tại các siêu thị, trung tâm thương mại hay các cửa hàng đã bày bán đủ các loại bánh nướng, bánh dẻo từ bình dân đến cao cấp.
Bất chấp những khó khăn từ thị trường, nhiều doanh nghiệp ngành bánh vẫn tăng sản lượng bánh trung thu cũng như nâng cấp chất lượng, mẫu mã. Ngoài các dòng bánh trung thu truyền thống, năm nay các doanh nghiệp còn trình làng các dòng bánh cao cấp khác.
Theo đó, tại một số tuyến phố ở Hà Nội như Bà Triệu, Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng), Phan Đình Phùng, Kim Mã, Văn Cao (quận Ba Đình), Thụy Khuê, Võ Chí Công, Lạc Long Quân (quận Tây Hồ), Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy),… đã có nhiều kiot bán bánh trung thu xuất hiện với các thương hiệu quen thuộc như Kinh Đô, Hữu Nghị, Maison,…
Theo chia sẻ của nhân viên tại một số kiot bán bánh trung thu, các loại bánh có giá dao động từ 55.000 đồng đến 185.000 đồng/cái tùy loại 1-2 trứng. Ngoài các dòng bánh như nướng, dẻo, chay truyền thống với các loại nhân đậu xanh, hạt sen, sữa dừa, thập cẩm,… còn có các dòng bánh nhân 5 loại hạt, nhân bào ngư, gà quay, cua bát bửu, cốm dừa, đậu đỏ kiểu Nhật, việt quất.
Theo một số đại lý bán hàng cho biết, do Tết Trung thu năm nay rơi vào cuối tháng 9 dương lịch nên các đơn vị đã triển khai kế hoạch bán sớm, vừa để nhận diện thương hiệu đối với khách đồng thời phục vụ nhu cầu biếu, tặng cho người dân trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 sắp tới.
Năm 2023, hầu hết các nhãn hàng bánh trung thu đều tăng giá so với mùa bánh năm trước. Đơn cử, với nhãn hàng Kinh Đô, bánh nướng gà quay sốt XO 4 trứng (800gr) tăng từ 390.000 đồng/hộp lên 410.000 đồng; loại 2 trứng tăng từ 137.000 đồng lên 139.000 đồng/chiếc; dăm bông xá xíu từ 122.000 đồng lên 124.000 đồng/chiếc... Để kích cầu sức mua, đơn vị này cũng có thêm các chương trình ưu đãi đặt hàng sớm, chiết khấu lên đến 30%...
Thông tin với báo chí, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO cho biết đơn vị này đặt mục tiêu mang đến 450 tấn bánh trong mùa trung thu 2023, tăng 50% so với 2022.
Đại diện truyền thông Công ty CP Bibica cũng cho hay, mặc dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng Bibica tăng 20% sản lượng bánh so với năm 2022, với 600 tấn bánh các loại. Giá bánh dao động từ 44.000 - 140.000 đồng/cái cho dòng phổ thông, dòng cao cấp; hộp bánh cao cấp có giá từ 300.000 - 2.600.000 đồng/hộp.
Lý giải nguyên nhân khiến bánh Trung thu năm nay tăng giá, các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này có chung ý kiến, trong mùa Trung Thu năm 2023, do giá nguyên liệu đầu vào gia tăng từ 10-20% như bột mì tăng 33%, hộp giấy tăng 11%... nên giá bánh cũng được điều chỉnh tăng nhẹ từ 5-10% so với giá bán năm ngoái.
Nguồn cung khan hiếm, giá mít tăng cao
Hiện nay, giá mít tại Tiền Giang đang “sốt," nhưng nguồn cung rất hạn chế bởi các vườn mít tại địa phương đã hết vụ và nông dân đang chuẩn bị chăm sóc cho vụ thu hoạch mới cuối năm 2023.
Theo ông Nguyễn Văn Sang, thương lái thu mua mít Thái tại thị xã Cai Lậy, mít Thái cắt tại vườn giá 47.000 đồng/kg loại 1, 43.000 đồng/kg loại 2, loại 3 gần 40.000 đồng/kg. Nếu so với tháng trước, giá mít Thái tăng bình quân từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, tùy theo loại. Trong trường hợp nhà vườn chở mít đến bán trực tiếp tại các vựa thu mua trái cây, giá còn cao hơn.
Chị Dương Thúy Vân, nhà vườn trồng mít tại xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, phấn khởi bởi vừa bán được 3 trái mít trọng lượng gần 40kg, thu gần 2 triệu đồng.
Chị Vân chia sẻ thời điểm này đã qua vụ thu hoạch chính trong năm nên rất ít nhà vườn có mít. Nguồn cung không nhiều nên không ít vựa mít tại địa phương phải tạm ngưng hoạt động.
Còn anh Nguyễn Văn Trí, canh tác 6.000m2 mít Thái tại thị xã Cai Lậy, cho biết lúc mít có giá thì vườn không còn trái trong khi trước đây, vào vụ thu hoạch rộ giá mít giảm xuống tận đáy, có lúc chỉ còn từ 9.000 - 10.000 đồng/kg loại tốt mà không có thương lái thu mua.
Anh Trí cho biết anh đang tích cực xử lý vườn mít cho trái rải vụ với hy vọng khi có sản phẩm sẽ được mùa, trúng giá, thu nhập cao từ vườn chuyên canh.
Còn chị Nguyễn Thị Phương Ngọc, thương lái thu mua mít ở thị xã Cai Lậy, dự báo từ nay đến cuối năm giá mít Thái có thể vẫn giữ ở mức cao do lượng cung ít nhưng nhu cầu cao. Do vậy, nông dân nên tích cực thâm canh, xử lý rải vụ để có nhiều sản phẩm cung ứng cho thị trường vừa tránh được tình trạng “trúng mùa, mất giá” như thời gian vừa qua.