Giá xăng, đường cát trắng, xoài, ớt... đồng loạt tăng mạnh; trong khi cua hoàng đế rớt giá. Ảnh minh họa
Giá xăng, dầu tăng mạnh
Tại kỳ điều chỉnh ngày 21/9, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định điều chỉnh giá xăng dầu như sau: Xăng E5 RON 92 tăng 720 đồng/lít; Xăng RON 95 tăng 870 đồng/lít; Dầu diesel tăng 540 đồng/lít; Dầu hoả tăng 630 đồng/lít; Dầu mazut tăng 140 đồng/kg.
Theo đó: Xăng E5 RON 92 không cao hơn 24.191 đồng/lít; Xăng RON 95 không cao hơn 25.741 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S không cao hơn 23.764 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 23.724 đồng/lít; Dầu mazut không cao hơn 17.844 đồng/kg.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 27 lần điều chỉnh, trong đó 16 lần tăng, 7 lần giảm, và 4 lần giữ nguyên.
Gần 30.000 đồng/kg đường, đắt nhất 12 năm
Tại nhiều chợ truyền thống ở Hà Nội như chợ Khâm Thiên, chợ Láng, chợ Nghĩa Tân, chợ Phùng Khoang...giá đường cát trắng Biên Hòa bán lẻ đang ở mức 28.000 đồng/kg, đường kính trắng Lam Sơn ở mức 25.000 đồng/kg.
Bà Trần Thị Thu, một tiểu thương ở chợ Khâm Thiên cho biết: “Tính từ Tết Nguyên đán đến nay, giá đường cát Biên Hòa đã tăng thêm 7.000 đồng/kg, giá đường kính trắng Lam Sơn tăng 5.500 đồng/kg. Nguyên nhân là nhu cầu tiêu thụ đường trong nước tăng cao trong khi nguồn đường nhập khẩu hạn chế, các nhà máy trong nước cũng đã hết vụ”.
Ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn La thông tin: “Vụ mía vừa rồi, nhà máy đường chịu ảnh hưởng bởi thời tiết nên sản lượng giảm hơn 20%. Hiện sản phẩm của chúng tôi đã tiêu thụ hết và nhà máy đang trong giai đoạn chuẩn bị cho mùa vụ mới”.
Còn ông Lê Văn Tân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Mía đường Lam Sơn cho biết, giá đường thế giới tăng cao kỳ lục đã kéo theo giá đường trong nước tăng tương ứng. Ngoài ra, thời gian qua, đường trong nước bị mất giá do tình trạng đường nhập lậu Thái Lan được bán phá giá. Hiện nay, công tác kiểm soát tốt hơn, lượng đường nhập lậu từ Thái Lan giảm, Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá đối với đường mía từ Thái Lan…nên giá đường tại Việt Nam tăng trở lại.
Một lãnh đạo Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhận xét, dù giá đường trong nước đang tăng mạnh nhưng mức tăng này vẫn thấp hơn mức tăng của giá đường thế giới và thuộc loại thấp nhất khu vực Đông Nam Á.
Theo vị này, đây là thời điểm Việt Nam nên tính tới chuyện khuyến khích phục hồi trồng mía, nhất là tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Hiệp hội Mía đường, ngành mía đường Việt Nam đã trải qua giai đoạn khó khăn trong nhiều năm liền, theo đó từ tháng 2/2011 đến tháng 8/2019, giá đường đã giảm hơn 60% khiến cho ngành mía đường đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Diện tích vùng nguyên liệu liên tục bị thu hẹp, sản lượng đường sản xuất trong nước suy giảm liên tục không những dưới tác động chung của giá đường thế giới thông qua các chính sách trợ cấp, trợ giá từ những quốc gia xuất khẩu mà còn chịu tác động trực tiếp từ đường giá rẻ nhập lậu qua biên giới có nguồn gốc xuất xứ từ Thái Lan.
Tuy nhiên, bước sang niên vụ 2022 - 2023 đã ghi nhận một số diễn biến tích cực cho ngành mía đường. Theo đó, kể từ mức giá thấp nhất được thiết lập vào vụ 2019/20 thì đến vụ 2022/23 mức giá đường thế giới đã tăng 160% làm giảm số lượng đường giá rẻ nhập khẩu vào Việt Nam từ đó cải thiện giá đường trong nước.
Giá cua hoàng đế giảm gần 1 triệu đồng/kg
Đầu tháng 5 vừa qua, các cửa hàng hải sản đua nhau báo giá cua hoàng đế tăng liên tiếp do nguồn cung khan hiếm. Đỉnh điểm, giá loại cua này được niêm yết ở mức 2,8 triệu đến gần 3 triệu đồng/kg với hàng còn sống.
Mức giá này còn cao hơn cả giai đoạn 2016-2017, khi cua hoàng đế mới xuất hiện tại thị trường Việt Nam.
Thế nhưng, thời gian gần đây, giá cua giảm về mức thấp. So với thời điểm đầu tháng 5 đã giảm gần 1 triệu đồng/kg.
Anh Lê Anh Tú - chủ Siêu thị hải sản ở Giải Phóng (Hà Nội) - thừa nhận, thời điểm tháng 5, giá cua hoàng đế đỏ tăng rất mạnh. Tại cửa hàng anh, loại cua sống size từ 3-5kg có giá gần 2,9 triệu đồng/kg.
Tuy nhiên, 2 tuần nay, cua hoàng đế đỏ tại cửa hàng có giá gần 2 triệu đồng/kg với size 3-5kg/con; size 2-3kg/con có giá gần 1,9 triệu đồng/kg. Giá cua hoàng đế vàng cũng giảm còn 1,85 triệu đồng/kg size 3-4kg/con; size 2-3kg/con có giá 1,75 triệu đồng/kg.
Sau khi tăng dựng đứng lên gần 3 triệu đồng/kg, giá cua hoàng đế bắt đầu hạ nhiệt. Cua nhập về chuyến sau giá thường thấp hơn chuyến trước. Tính đến nay, giá cua đã giảm gần 1 triệu đồng/kg so với tháng 5 vừa qua.
“Dịp này nguồn cung không còn khan hiếm, cua hoàng đế cũng sắp bước vào mùa khai thác nên giá có xu hướng giảm mạnh”, anh Tú nói.
Chị Trần Thị Nhung, chủ cửa hàng hải sản cao cấp ở Long Biên (Hà Nội), cho biết, những ngày gần đây giá cua hoàng đế giảm mạnh, còn chưa đến 1,8 triệu đồng/kg nhưng vẫn ế ẩm.
Chị nhớ, đầu năm nay, giá cua hoàng đế tăng lên hơn 2 - 2,1 triệu đồng/kg, khách vẫn ồ ạt đặt mua để đem biếu tặng Tết Nguyên đán. Cua khi đóng thùng xốp xếp đầu cửa hàng để chờ shipper giao cho khách. Thậm chí, có những đơn hàng chị phải trực tiếp đi giao vì shipper giao không xuể.
“Một ngày khi đó tôi bán tới 40-50 con cua. Giờ lượng cua hoàng đế bán ra chỉ 5-6 con/ngày”, chị nói.
Theo chị Nhung, năm nay kinh tế khó khăn, các gia đình đều cắt giảm chi tiêu. Cua hoàng đế là một trong những loại hải sản nhập khẩu cao cấp. Dù giá dịp này giảm mạnh nhưng so với các loại hải sản khác thì giá cua vẫn tương đối đắt đỏ nên kén khách mua hơn.
Xoài cát Hòa Lộc sốt giá
Chị Oanh ở quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) cho biết vừa mua xoài cát Hòa Lộc cúng đầu tháng, với giá 160.000 đồng/kg. "Đây là mức giá cao nhất từ đầu năm đến nay và gấp đôi so với cách đây hai tháng", chị Oanh nói.
Khảo sát tại các chợ truyền thống cũng cho thấy xoài cát Hòa Lộc loại 1 được bán với giá 150.000 - 160.000 đồng (loại 2 quả một kg), loại 2 khoảng 110.000 đồng và loại 3 là 60.000 - 80.000 đồng.
Chị Phương - chủ sạp trái cây trên đường Hai Bà Trưng (quận 1) - cho biết gần đây số lượng xoài cát Hòa Lộc về cửa hàng thấp. Các đầu mối bán hàng đều thông báo giá rất cao.
"Mỗi ngày, tôi chỉ lấy được thùng 10 kg vì hàng nhập về chợ đầu mối khá hạn chế", chị Phương cho hay.
Tương tự, chị Lan Anh, chủ cửa hàng trái cây ở chợ Xóm Mới (Gò Vấp), cho biết chỉ dám nhập hàng loại 3, vì hàng loại 1 và 2 giá quá cao. "Mỗi kg xoài cát Hòa Lộc giá cao hơn cả nho nhập khẩu. Trong khi đó, khu vực tôi sống chủ yếu là người chi tiêu tiết kiệm nên sức mua yếu", chị Anh nói.
Ghi nhận tại các nhà vườn cho thấy giá xoài mua xô (gồm cả trái lớn lẫn nhỏ) tại vườn đang ở mức 55.000 - 65.000 đồng/kg. Riêng với hàng tuyển chọn, giá sẽ cao hơn 10.000-15.000 đồng.
Nguyên nhân khiến xoài cát Hòa Lộc "sốt giá" được các chủ vườn cho biết do mặt hàng này đang nghịch mùa, sản lượng thấp nên giá tăng cao. Theo Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc Đồng Tháp, hiện chỉ còn vài hộ có hàng bán. Đa phần vườn xoài của các xã viên mới cho trái non nên sản lượng bán ra thị trường thấp.
Ngoài ra năm nay, có khoảng thời gian mưa nhiều khiến cây ra hoa bị rụng nên đậu trái thấp, sản lượng giảm 30% so với mọi năm. 8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu xoài có nhiều thuận lợi trong khi nguồn cung thấp khiến giá leo thang.
Thêm vào đó, thời điểm này, các loại trái cây nhiệt đới như vải, măng cụt, sầu riêng, cũng gần hết hoặc đã hết vụ nên xoài ít bị cạnh tranh, càng đội giá lên cao.
Giá ớt tăng cao
Khoảng vài ngày gần đây, giá ớt tại nhiều vùng trồng trên cả nước đang tăng mạnh từ 2.000 - 3.000 đồng/kg so với tuần trước. Giá ớt chỉ thiên đều trái mua bán sỉ ở vựa tại một số tỉnh có vùng trồng lớn cụ thể gồm: Lạng Sơn, giá từ 18.000 - 22.000 đồng/kg; Thái Bình từ 19.000 - 23.000 đồng/kg; tại Hải Dương từ 20.000 - 23.000 đồng/kg. Ngoài ra, tại Hà Nội từ 20.000 - 23.000 đồng/kg; tại Thanh Hóa từ 23.000 - 29.000 đồng/kg; tại Quảng Nam từ 24.000 - 29.000 đồng/kg.
Giá ớt chỉ thiên tại khu vực miền Trung vượt trội và chênh lệch khá lớn: Tại Gia Lai giá từ 35.000 - 42.000 đồng/kg; tại Lâm Đồng từ 29.000 - 33.000 đồng/kg; tại Bình Định từ 37.000 - 42.000 đồng/kg...
Ở các tỉnh phía nam, giá ớt đang được thương lái tìm mua và nâng giá mỗi ngày. Tại Tây Ninh giá từ 38.000 - 44.000 đồng/kg, tại TP Hồ Chí Minh từ 38.000 - 40.000 đồng/kg. Một số vùng trồng ớt ở Đồng bằng sông Cửu Long như Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh... giá ớt liên tục tăng, hiện nay đã trên 40.000 đồng/kg.
Theo một số chủ vườn, hiện nay đang là thời điểm mùa mưa bão, sản lượng thấp và chi phí sản xuất tăng cao, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn khá nhiều, do đó giá ớt tăng cũng là điều dễ lý giải.