Giá cam sành giảm còn 2.000 đồng/kg, nông dân lỗ nặng
Ngày 22/10, ông Huỳnh Bá Nhanh, Tổ trưởng Tổ hợp tác cam sành (ấp Rạch Nghệ, xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) cho biết, giá cam sành đang lao dốc, hiện ở mức 2.000 đồng mỗi ký khiến nông dân gặp nhiều khó khăn, lỗ nặng.
Theo ghi nhận, giá cam sành loại 1 được thương lái cân tại vườn chỉ còn 2.000 đồng/kg. Với giá bán này, nhiều nông dân thu hoạch cầm chừng hoặc không thu hoạch vì sợ lỗ tiền thuê nhân công.
Nông dân Phạm Văn Đăng (xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè) có thâm niên trong nghề trồng cam cho biết: giá thu mua 2.000 đồng/kg như hiện nay thì nhà vườn lỗ luôn tiền vật tư. Nếu thuê nhân công để thu hoạch thì sợ không đủ tiền để trả. Với giả rẻ chưa từng có nhưng hiện rất ít thương lái đến thu mua. “Gia đình tôi chỉ biết hái cam bán lẻ cầm chừng hoặc cân sỉ cho các quán bán nước ép với giá 5.000 đồng/kg”, ông Đăng than.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Cũng như ông Đăng, nhiều nông dân đang trồng cam ở Trà Vinh lao đao vì giá thấp, đầu ra bấp bênh, không có thương lái đến thu mua. Ông Hồ Văn Hải ở xã Thạnh Phú (huyện Cầu Kè) cho hay, ông canh tác 1ha cam sành, chi phí đầu tư hơn 350 triệu đồng. Với giá cam 2.000 đồng/kg, gia đình đang đứng trước nguy cơ lỗ nặng.
Tổ trưởng Tổ hợp tác cam sành ấp Rạch Nghệ, xã Thông Hòa (huyện Cầu Kè) Huỳnh Bá Nhanh cho biết, trước năm 2021, giá cam sành luôn ở mức từ 18.000 - 35.000 đồng/kg, nông dân thu lãi gần 1 tỷ đồng/ha. Nếu như những năm trước, nhiều nông dân là “tỷ phú cam sành” thì khoảng 2 năm trở lại đây nhiều nông dân làm ăn cầm chừng để trả lãi ngân hàng. Đầu ra khó khăn mà giá vật tư đầu vào thì tăng “phi mã”.
Theo ông Nhanh, nguyên nhân giá cam sành giảm sốc là do cam chỉ được tiêu thụ trong nước. Trong khi những tháng gần đây, mưa bão cũng là nguyên nhân khiến việc tiêu thụ cam chậm lại. Ngoài ra, những năm gần đây, diện tích trồng cam ở ĐBSCL và một số tỉnh miền Đông Nam bộ liên tục tăng, sản lượng cũng tăng theo dẫn đến cung vượt cầu.
Giá cau lao dốc
Thời gian gần đây, cau tươi tăng giá liên tục, ghi nhận mức kỷ lục lịch sử, gấp khoảng 8 lần năm ngoái. Người dân ở các vùng trồng cau của Quảng Nam, Quảng Ngãi… thu hoạch quả bán được giá 40.000 đồng/kg thời điểm đầu vụ, sau đó vọt lên 80.000-90.000 đồng/kg. Đáng chú ý, cùng kỳ năm ngoái giá cau tươi có lúc chỉ dao động từ 5.000-7.000 đồng/kg.
Thế nhưng, sau khi lập kỷ lục lịch sử, giá cau tươi bắt đầu lao dốc không phanh. Từ mức 85.000-90.000 đồng/kg, giá loại quả này giảm nhanh về mức 60.000-70.000 đồng/kg. Đáng chú ý, một số lò cau còn ngừng mua hàng.
Theo các thương lái, giá cau giảm mạnh là do phía đối tác Trung Quốc đã nhập đủ số lượng hàng cần để sản xuất nên họ ngừng mua. Thế nên, những ngày tiếp theo khả năng cao đà lao dốc của giá cau vẫn tiếp tục.
Về câu chuyện cau tăng giá kỷ lục rồi lao dốc không phanh, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho rằng, giá tăng sau đó giảm mạnh đã thành “công thức”.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Ông nhấn mạnh, “công thức” này lặp đi lặp lại với mặt hàng xuất khẩu tiểu ngạch. Theo đó, cau là mặt hàng có thị trường rất hẹp, hiện chỉ mới xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Do đó, vài năm nay câu chuyện cau giá tăng cao và rồi giảm mạnh cũng xảy ra nhiều lần.
Thực tế, cuối năm 2022, giá cau cũng tăng vọt lên 60.000 đồng/kg. Ngay sau đó, loại quả này giảm còn 3.000-4.000 đồng/kg khi Trung Quốc ngừng mua.
Cơ quan chức năng ngành nông nghiệp, địa phương cũng đã đưa ra nhiều khuyến cáo với các loại cây trồng. Thế nhưng, nông dân mình mắc bệnh “hay quên” nên câu chuyện sau tăng giá là giảm mạnh, hay điệp khúc trồng rồi chặt vẫn cứ xảy ra.
Đậu rồng giá từ 20.000 - 50.000 đồng/kg
Ven chân núi Bà Đen thuộc khu phố Ninh Phú, phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh, những ngày này, vợ chồng ông Nguyễn Văn Mạnh, 57 tuổi, đang tất bật thu hoạch đậu rồng.
Với diện tích 0,24 ha trồng đậu rồng, vợ chồng ông Mạnh thu hoạch được từ 50 - 100kg với giá từ 20.000 - 50.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Tất cả đều được thương lái thu mua tại ruộng.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Ông Mạnh cho biết: “Đậu rồng dễ trồng, không mất nhiều công chăm sóc, ít sâu bệnh nên không cần phải phun thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, đậu rồng cho thu hoạch trái chỉ sau hơn 3 tháng trồng với năng suất cao”.
Trái đậu rồng non giòn cùng với các loại rau sống cuốn kèm thịt luộc chấm mắm chua từ lâu đã trở thành món đặc sản trứ danh của người dân Tây Ninh. Cũng nhờ đó, trái đậu rồng luôn có giá trị cao trong các loại nông sản.
Giá xăng giảm nhẹ, RON 95 về ngưỡng 20.894 đồng/lít
Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu, áp dụng từ 15 giờ ngày 24/10.
Cụ thể, mặt hàng xăng E5 RON92 giảm 38 đồng/lít, về ngưỡng 19.692 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 68 đồng/lít, giá mới là 20.894 đồng/lít; dầu diesel giảm 264 đồng/lít, xuống ngưỡng 18.057 đồng/lít; dầu hỏa giảm 57 đồng, giá mới là 18.570 đồng/lít.
Tuy nhiên, trong kỳ điều hành này, mặt hàng dầu mazut tiếp tục cộng thêm 139 đồng, lên ngưỡng 16.229 đồng/kg. Ngoài ra, liên bộ không trích lập và không chi sử dụng Quỹ bình ổn đối với các mặt hàng xăng dầu.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 17 - 24/10 chịu ảnh hưởng của các yếu tố như lo ngại xung đột lan rộng tại khu vực Trung Đông, cơn bão lớn đổ bộ vào Mỹ khiến nhu cầu nhiên liệu tăng đột biến, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn,… Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua có diễn biến tăng, giảm tùy từng mặt hàng, nhưng xu hướng tăng là chủ yếu.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 17 và kỳ điều hành ngày 24/10 là: 81,934 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 5,344 USD/thùng, tương đương tăng 6,98%); 88,272 USD/thùng xăng RON95 (tăng 6,462 USD/thùng, tương đương tăng 7,90%); 89,678 USD/thùng dầu hỏa (tăng 6,174 USD/thùng, tương đương tăng 7,39%); 89,974 USD/thùng dầu diesel 0,05S (tăng 6,156 USD/thùng, tương đương tăng 7,34%); 455,618 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (tăng 22,594 USD/tấn, tương đương tăng 5,22%).
Tính từ đầu năm đến nay, giá các mặt hàng xăng dầu đã qua 41 kỳ điều chỉnh giá, trong đó mặt hàng xăng RON95, E5RON92 có 19 lần tăng và 22 lần giảm, dầu diesel 16 lần tăng, 25 lần giảm và dầu mazut có 23 lần tăng, 18 lần giảm.