Giá thấp chạm đáy
Những ngày qua, người dân tại huyện Cam Lâm cho biết, giá xoài Úc vẫn đang tiếp tục giảm sâu khiến họ đứng ngồi không yên.
Nông dân chờ xoài đi bán - Ảnh: Trung Vũ
Ông Đỗ Đình Chính có hơn 12 sào trồng xoài Úc tại xã Cam Hải Tây cho biết, hồi đầu vụ (nửa đầu tháng 3/2022 - PV), giá xoài Úc loại 1 khoảng 20.000 - 22.000 đồng/kg tương đương với giá năm ngoái. Tuy nhiên hiện nay giá xoài loại 1 giảm chỉ còn 12.000 đồng/kg, bằng giá xoài loại 3 năm 2021.
“Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, giá xoài loại 1 luôn ở mức khoảng 40.000 - 50.000 đồng/kg, có thời điểm giá xoài loại 1 lên đến hơn 120.000 đồng/kg, nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát giá xoài Úc giảm sâu. Như năm ngoái dưới 20.000 đồng/kg được xem là mức thấp kỷ lục. Tuy nhiên, hiện giá xoài loại 1 chỉ 12.000 đồng/kg, giá loại 3 dưới khoảng 3.000 đồng/kg thì xem như chạm đáy” - ông Chính cho biết.
Chở 50 kg xoài Úc vừa thu hoạch vào vựa xoài Trường Lan, ông Sỹ Anh - một nông dân trồng xoài Úc tại xã Cam Hải Tây kể: “Giờ chủ vườn phải tự bỏ công thu hoạch vì công thuê rất cao, giá xoài thấp nên không gánh nổi. 50kg này nếu may mắn thì được hơn 400.000 đồng. Trồng xoài bây giờ quá khó khăn, mấy năm trước còn được, năm nay giá rẻ quá. Trong khi đó, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lại tăng vọt. Năm trước còn thu được khoảng gần 20 triệu/sào mà nay dưới chục triệu. Nông dân giờ chủ yếu lấy công làm lời là chính” - ông Sỹ Anh than thở.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế và Đô thị, ông Diệp Thế Thanh - Chủ tịch Hội Người trồng xoài Cam Lâm cho biết, thị trường xoài Úc chủ yếu xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh nên thương lái Trung Quốc ''không ăn hàng”, khiến giá xoài Úc giảm sâu.
“Hiện xoài loại 1 khoảng 12.000 - 13.000 đồng/kg, loại 2 khoảng 5.000 đồng/kg, loại 3 còn khoảng 2.000 đồng/kg. Với giá xoài như hiện nay, một sào nông dân thu về bình quân 5 - 7 triệu, trong khi tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chi phí khoảng 10 triệu đồng” - ông Thanh nói.
Nông dân buồn rầu khi giá xoài giảm sâu - Ảnh: Trung Vũ
Khó tìm đầu ra
Các chủ vựa xoài tại huyện Cam Lâm cũng cho biết, khi Trung Quốc chưa “đóng biên”, mỗi vựa xoài xuất bán từ 20 - 30 tấn/ngày, cộng với giá hơn 40.000 đồng/kg nên nông dân rất phấn khởi.
“Hiện xoài Úc chủ yếu được đưa đi tiêu thụ ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Do tiêu thụ nội địa nên giá không thể cao như xuất khẩu. Thị trường Trung Quốc đóng cửa khiến người trồng xoài thiệt hại nặng” - ông Ngọc Anh - chủ một vựa xoài tại huyện Cam Lâm cho biết.
Ông Lê Đình Cường - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cam Lâm, cho biết cách đây khoảng 7 năm giá xoài Úc đạt kỷ lục gần 120.000 đồng/kg, sau đó giảm dần còn 60 - 70 ngàn đồng/kg. Do được giá nên nhiều hộ dân chuyển đổi một số cây trồng khác sang trồng xoài khiến diện tích trồng xoài tăng nhanh. Đến nay, toàn huyện có trên 6.000ha diện tích xoài, trong đó xoài Úc 4.000ha.
Theo ông Cường, nông dân còn sản xuất tự phát, chạy theo thị trường và phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, sản phẩm xoài chủ yếu xuất tươi nên giá trị gia tăng chưa cao… Thời gian qua Phòng NN&PTNT thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo người dân trong việc đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Huyện cũng triển khai nhiều mô hình, biện pháp ứng dụng khoa học công nghệ để giảm chi phí đầu tư, tăng cao năng suất, mở rộng thị trường để người nông dân có thu nhập ổn định hơn.
Xoài Úc được đóng gói để đưa đi bán ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội - Ảnh: Trung Vũ
Trao đổi với phóng viên Kinh tế và Đô thị, ông Ngô Văn Bảo - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho biết, chuyện cây xoài được mùa mất giá, được giá mất mùa đã diễn ra từ những năm trước. Không chỉ có riêng cây xoài mà nhiều loại cây trồng, nông sản khác cũng rơi vào tình trạng tương tự.
“Trái xoài của nông dân địa phương chủ yếu xuất tươi nên giá trị gia tăng chưa cao, các rào cản kỹ thuật công nghệ, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, quy định về nhập khẩu... còn là trở ngại lớn đối với việc tiếp cận những thị trường xuất khẩu mới khó tính” - ông Bảo cho biết.
Theo ông Bảo, trước mắt huyện đã đề nghị nông dân phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, doanh nghiệp để nghiên cứu thị trường nội địa; sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng VietGap, GlobalGap để nâng cao giá thành; đa dạng hóa sản phẩm từ xoài như mứt, kẹo, xoài sấy; đẩy mạnh du lịch kết hợp trải nghiệm… để từng bước đưa xoài Cam Lâm đi vào ổn định.