Điều hành chính sách tiền tệ là nội dung lớn đầu tiên được nêu tại báo cáo.
Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định đã điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và ngoại hối chủ động, linh hoạt nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý và đảm bảo an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng.
Khác các năm trước
Thống đốc cho biết cụ thể, tổng phương tiện thanh toán đến cuối năm 2016 tăng 17,65% so với cuối năm 2015. Đến ngày 11/9/2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,03%, huy động vốn tăng 9,39% so với cuối năm 2016 (trong đó huy động vốn bằng VND tăng 10,07%, huy động bằng ngoại tệ tăng 3,41%), thanh khoản VND của hệ thống tổ chức tín dụng được đảm bảo.
Theo Thống đốc, ngay từ đầu năm 2017, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế, lạm phát của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 khoảng 18%. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Triển khai mạnh mẽ các chương trình tín dụng ưu đãi đối với một số ngành, lĩnh vực đặc thù, đặc biệt là đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh đó, trên cơ sở khả năng kiểm soát lạm phát, diễn biến thực tế của kinh tế vĩ mô và hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh tăng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống lên mức khoảng 21%, hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thống đốc cũng nhấn mạnh rằng, khác với các năm trước, tín dụng tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, không còn tình trạng tín dụng tăng thấp vào đầu năm và dồn vào cuối năm như những năm trước.
Cụ thể, đến ngày 11/9/2017, tín dụng tăng 10,6%, cao hơn so với cùng kỳ các năm gần đây, cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất.
Chọn 6 ngân hàng điểm
Xử lý nợ xấu và tăng cường công tác thanh tra, giám sát cũng là nội dung lớn tại báo cáo của Thống đốc.
Tác giả báo cáo cho biết, cùng với việc tích cực hoàn thiện khung pháp lý về xử lý nợ xấu, toàn ngành ngân hàng đẩy mạnh thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu để kiểm soát và duy trì nợ xấu ở mức dưới 3%. Cuối năm 2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống là 2,46%, đến cuối tháng 7/2017 là 2,51% (thấp hơn so với mức 2,55% cuối năm 2015). Tổng số nợ xấu xử lý được trong năm 2016 đạt 118,5 nghìn tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2017 đạt 46,03 nghìn tỷ đồng.
Báo cáo của Thống đốc cũng nhắc tới một số văn bản quan trọng như nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt. Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành một loạt văn bản chỉ đạo chi tiết các nhiệm vụ, giải pháp sẽ triển khai trong thời gian tới.
Theo đó, các tổ chức tín dụng đang chủ động xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu cho giai đoạn 2017-2022. Trong đó, bám sát việc triển khai các cơ chế và biện pháp quy định tại nghị quyết và bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các giải pháp được nêu tại phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Sáu tổ chức tín dụng điểm được lựa chọn gồm các ngân hàng BIDV, Sacombank, ACB, VietinBank, Techcombank, Agribank cùng VAMC cũng đã được quán triệt, chỉ đạo tập trung triển khai một cách toàn diện các giải pháp tại nghị quyết 42 - báo cáo nêu rõ.
Thống đốc cũng cho biết, để nâng cao vai trò, vị thế của VAMC, phát huy tính chủ động góp phần tích cực vào nhiệm vụ xử lý nợ xấu của toàn ngành ngân hàng, hiện Ngân hàng Nhà nước đang tập trung chỉ đạo VAMC khẩn trương hoàn thiện đề án cơ cấu lại và nâng cao năng lực hoạt động của VAMC giai đoạn 2017 – 2020 và hướng tới 2022 theo chỉ đạo của Chính phủ.