Vàng trong nước bật tăng
Giá vàng miếng hôm nay bật tăng. Các thương hiệu DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu đồng loạt niêm yết giá vàng miếng ở mức 120 - 121,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 500 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều so với rạng sáng qua.
Giá vàng miếng SJC giao dịch ở ngưỡng 120 - 121,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 300 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.
Phú Quý SJC niêm yết giá vàng miếng ở mức 119,2 - 121,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 500 nghìn đồng/lượng ở chiều mua và tăng 200 nghìn đồng/lượng ở chiều bán.
Cùng chiều diễn biến với vàng miếng, giá vàng nhẫn hôm nay cũng khởi sắc.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Cụ thể, SJC niêm yết giá vàng nhẫn ở ngưỡng 114,5 - 117 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 300 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.
DOJI giao dịch vàng nhẫn ở mức 116,1 - 118,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 200 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.
PNJ niêm yết vàng nhẫn ở ngưỡng 115,1 - 118 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 400 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.
Vàng nhẫn Bảo Tín Minh Châu tăng 200 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều, hiện giao dịch ở mức 116,3 - 119,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Vàng nhẫn thương hiệu Phú Quý cũng tăng 200 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều, hiện niêm yết ở mức 115 - 118 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng thế giới
Theo Kitco, giá vàng thế giới ghi nhận lúc 5 giờ ngày 22/7 theo giờ Việt Nam giao ngay ở mức 3394,89 USD/ounce. Giá vàng hôm nay tăng 43,92 USD/Ounce so với hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá USD tại ngân hàng Vietcombank (26.340 VND/USD), vàng thế giới có giá khoảng 111,31 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Như vậy, giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng quốc tế 10,19 triệu đồng/lượng.
Nguồn tin từ Reuters cho biết, chỉ số USD (Dollar Index – DXY) giảm 0,4%, khiến vàng vốn được định giá bằng USD trở nên rẻ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tuần qua.
“Với thời hạn ngày 1/8 đang đến gần, mức độ bất ổn trên thị trường ngày càng tăng và điều này rõ ràng hỗ trợ giá vàng”, ông David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures nhận định.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Liên minh châu Âu (EU) hiện đang cân nhắc một loạt biện pháp trả đũa rộng hơn nhằm vào Mỹ, trong bối cảnh triển vọng đạt được một thỏa thuận thương mại với Washington ngày càng mờ nhạt, theo các nhà ngoại giao EU. Về mặt chính sách lãi suất, các nhà đầu tư hiện đang định giá khoảng 63% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9 tới, theo công cụ CME FedWatch.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết toàn bộ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cần được xem xét lại với tư cách một thể chế và đặt câu hỏi về mức độ hiệu quả của tổ chức này.
Ông Meger cho rằng những đồn đoán về khả năng cắt giảm lãi suất sớm hơn dự kiến, cùng với những suy đoán xung quanh việc thay thế Chủ tịch Fed Jerome Powell và cải tổ cơ cấu Fed, đang góp phần khiến thị trường bất ổn hơn.
Vàng thường được coi là tài sản trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn và có xu hướng tăng giá khi lãi suất thấp.
Dữ liệu cho thấy Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới đã nhập khẩu 63 tấn vàng trong tháng trước, mức thấp nhất kể từ tháng 1. Lượng nhập khẩu bạch kim của nước này trong tháng 6 cũng giảm 6,1% so với tháng trước.
Ở các thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 1,8% lên 38,86 USD/ounce; giá bạch kim tăng 2,2% lên 1.453,17 USD/ounce; còn giá palladium tăng 3,5%, đạt 1.284,46 USD/ounce.
Một chuyên gia từ Hiệp hội Kinh doanh vàng cho biết, chính sách hạn chế nhập khẩu là nguyên nhân then chốt khiến giá vàng nội địa luôn cao hơn đáng kể so với giá quốc tế. Việc cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu nếu được triển khai trong thời gian tới có thể giúp thu hẹp chênh lệch, đặc biệt khi kết hợp với những cải cách như thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia.
Trên bình diện rộng hơn, chuyên gia thị trường Julian Cruz thuộc AInvest phân tích, diễn biến hiện nay đang phản ánh một chuỗi tác động lặp lại: đồng VND mất giá khiến vàng tăng mạnh, kéo theo dòng tiền đổ vào vàng để giữ giá trị, từ đó làm tăng nhu cầu và đẩy giá tiếp tục leo thang. Với mức chênh quá lớn, nhà đầu tư trong nước cũng ít có cơ hội tiếp cận nguồn vàng quốc tế, và rủi ro điều chỉnh giá có thể xảy ra nếu bối cảnh thay đổi đột ngột.
Tuy nhiên, nhiều kỳ vọng đã được đặt vào việc nới lỏng các rào cản chính sách trong quý tới. Bên cạnh đó, tiến trình xây dựng sàn vàng quốc gia – nơi giá cả sẽ được hình thành minh bạch hơn – được cho là công cụ hữu hiệu để điều tiết thị trường và tạo sự ổn định.