Khác với taxi Xanh SM, các hãng taxi truyền thống hầu hết không được hậu thuẫn bởi một tập đoàn lớn với tiềm lực kinh tế mạnh mẽ. Nên việc đầu tư thay thế phương tiện khiến nhiều DN rất đắn đo, dù có mong muốn cũng không đủ sức thực hiện ngay tại thời điểm này.
Có một thực tế là không ít DN taxi truyền thống hoạt động theo hình thức liên kết, cá nhân góp vốn và ăn chia lợi tức với hãng. Cách thức đó mang đến cho DN sự an toàn nhất định nhưng đồng thời cũng gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản trị.
Những người góp tiền mua xe với DN hoặc góp xe thường có tâm lý cố gắng kiếm được càng nhiều càng tốt, chỉ tập trung vào doanh thu, xao nhãng chất lượng phục vụ. Mặt khác họ không làm thuê cho DN, mà ngược lại lợi tức của DN còn có phần phụ thuộc vào họ nên sự tuân thủ nội quy, quy chế, nguyên tắc kinh doanh có nơi còn chưa được chỉn chu, chặt chẽ.
Taxi xăng vốn đã thua kém taxi điện ở chất lượng phương tiện, chi phí thường xuyên cho đầu vào là nhiên liệu cũng lớn hơn rất nhiều, chất lượng dịch vụ lại chưa thực sự tốt, nên việc mất dần thị phần trước taxi điện là khó tránh khỏi.
Muốn tồn tại và phát triển, DN taxi truyền thống cần bứt phá khỏi tư duy cũ, vượt thoát ra khỏi vòng tròn an toàn của mình, mạnh dạn đầu tư, cải thiện phương tiện cũng như chất lượng dịch vụ của mình. Từ việc ứng dụng công nghệ đặt xe, cung cách giao tiếp với hành khách, phương thức thanh toán, cho đến hình ảnh DN trong mắt người dân cần được đổi mới hoàn toàn.
Nếu chỉ thận trọng quan sát xem taxi điện diễn biến như thế nào, sợ rằng các DN taxi truyền thống sẽ đánh mất cơ hội trong những thời điểm quyết định, để rồi khi muốn gia nhập đội ngũ taxi xanh thì thị trường đã quá chật chội.
Cần nhớ rằng số lượng taxi của Hà Nội được khống chế ở ngưỡng cố định chứ không phải muốn bao nhiêu có bấy nhiêu. Nếu lợi nhuận mang lại hấp dẫn, nhiều nhà đầu tư sẽ ồ ạt tham gia vào thị trường taxi điện, cơ hội cho taxi truyền thống sẽ nhỏ hơn rất nhiều.
Hà Nội đang là một trong những đô thị dẫn đầu cả nước về xu thế xanh hoá phương tiện giao thông. Tàu điện, xe buýt điện, taxi điện, xe cá nhân chạy điện đang dần bao phủ toàn TP. Điều đó cũng hình thành nên một quan điểm mới chi phối văn hoá giao thông, thói quen đi lại của người dân theo hướng chuộng xe điện. Hiện Thủ đô mới có vài trăm xe taxi điện, vài chục xe buýt điện. Nhưng khi có vài nghìn taxi điện, đủ sức đáp ứng thị trường với chất lượng dịch vụ tốt hơn, taxi truyền thống dù rẻ hơn cũng sẽ ngày càng lép vế, trở thành lựa chọn thứ cấp đối với hành khách.
Sự xuất hiện và thành công bước đầu của taxi điện báo hiệu thời điểm quyết định, đòi hỏi các hãng taxi truyền thống phải chuyển mình mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm, đầu tư đúng mức cho phương tiện cũng như chất lượng dịch vụ.
Không thể phủ nhận việc chuyển đổi sang xe điện còn vô vàn khó khăn nhưng nếu không mạnh mẽ bứt phá, taxi truyền thống sẽ nhanh chóng trở nên lạc hậu, ngày càng đuối sức trong cuộc cạnh tranh khốc liệt nhất mà họ từng phải đối đầu sau sự xuất hiện của taxi công nghệ.