CTCP Thế Giới Di Động (MWG) khởi đầu năm 2018 với báo cáo tăng trưởng âm của chuỗi Thegioididong.com trong quý I. Cổ phiếu MWG của ông lớn bán lẻ này đã giảm 20% từ đầu năm song song với việc tuyên bố đóng một số cửa hàng bán lẻ điện thoại, chuỗi Bách Hóa Xanh với kế hoạch phát triển 1.000 điểm bán bị rút xuống còn 500.
Trước đây, thị trường từng nghe đến kế hoạch MWG sẽ tăng độ phủ lên 1.000 cửa hàng ngay trong năm nay, từ con số 283 cửa hàng cuối năm 2017. Tính ra trung bình mỗi quý, MWG phải mở mới khoảng 200 cửa hàng. MWG còn đặt mục tiêu mỗi cửa hàng phải đạt doanh thu trên 1 tỉ đồng/tháng.
Nhưng thực tế, MWG đã phải đóng 3 cửa hàng và chỉ mở thêm 72 cửa hàng trong quý I năm nay. Mảng Bách Hóa Xanh của MWG cũng chưa đem về doanh thu như mong đợi khi doanh số trung bình mỗi cửa hàng chỉ đạt khoảng 700 triệu đồng/tháng. Không những vậy, MWG còn bị lỗ ở Bách Hóa Xanh, với lỗ lũy kế 60 tỉ đồng.
Kết thúc quý I/2018, Bách Hóa Xanh lỗ trước thuế, lãi vay, khấu hao khoảng 60 tỷ đồng, phải đóng 3 cửa hàng. Chuỗi thực phẩm, tiêu dùng này là nguyên nhân chính khiến giá cổ phiếu của TGDĐ giảm hơn 20% kể từ đầu năm đến nay.
Năm 2018, khi nhận ra chiến lược đưa Bách Hóa Xanh thâm nhập sâu vào các khu dân cư có phần “hơi vội vàng”, MWG đã thay đổi về mặt chiến lược. Theo đó, các nhà lãnh đạo ở MWG quyết định rằng, với những cửa hàng Bách Hóa Xanh mở mới sau này, MWG sẽ ưu tiên đặt tại các trục đường dẫn vào khu dân cư, nơi có vị trí thuận tiện, đạt độ nhận biết cao...
Một cửa hàng thực phẩm bán lẻ Bách Hóa Xanh |
Với những cửa hàng cũ, MWG tìm cách phân loại cửa hàng và điều chỉnh bằng cách sử dụng hệ thống quản lý, tổ chức lại quầy kệ, cách thức sắp xếp để thúc đẩy tăng trưởng doanh thu. Nhờ đó, theo thông tin MWG, dù giữ nguyên không gian trưng bày mỗi cửa hàng trung bình khoảng 160m2 nhưng số lượng hàng hóa và mã hàng mỗi cửa hàng đã tăng thêm hơn 30%. Doanh thu Bách Hóa Xanh cũng tăng dều ở mức 20-25%/tháng, ước đạt tới 300 tỉ đồng trong tháng 5 này, thay vì chỉ ở mức 220-240 tỉ đồng/tháng như trước đó.
Một thực tế khác mà TGDĐ phải đối mặt hiện nay là chuỗi thegioididong đã bão hòa, chuỗi Điện Máy Xanh cũng sẽ đạt đỉnh trong vài năm tới, nên việc đưa mục tiêu lấy Bách Hóa Xanh làm động lực tăng trưởng trong trung hạn là dễ hiểu. Nhưng nếu kế hoạch mở rộng đầy tham vọng ở Bách Hóa Xanh “sai” thì doanh nghiệp sẽ như thế nào?
Khó khăn nhất cho Bách Hóa Xanh hiện nay còn là vấn đề cạnh tranh gia tăng. Hiện nay, nhiều tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ thực phẩm như Vinmart+, Satra, Saigon Co.op đều tăng tốc trên đường đua. Năm 2018, Satra đặt mục tiêu sẽ mở thêm 60 cửa hàng SatraFoods, Saigon Co.op cũng muốn mở thêm 170 Co.op Food, 150 cửa hàng Co.op Smile và 50 cửa hàng tiện lợi Cheers. Liệu Bách Hóa Xanh có trụ vững trước áp lực cạnh tranh?
Không chỉ Bách Hóa Xanh bị hụt chân trong năm 2018, mũi nhọn của TGDĐ là chuỗi Thegioididong.com cũng đã bước vào giai đoạn thoái trào lần đầu tiên trong lịch sử thành lập. Doanh nghiệp này không còn gia tăng số lượng cửa hàng như nhiều năm trước, mà bắt đầu thu hẹp quy mô.
Doanh thu chủ lực của TGDĐ đang tập trung vào mảng Điện Máy Xanh và đây cũng là chuỗi mang lại tăng trưởng bền vững nhất cho doanh nghiệp.
Trong báo cáo mới nhất, doanh thu tháng 4 của chuỗi điện máy đạt 3.776 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ. So với tháng 4 năm ngoái, Điện Máy Xanh đã có thêm 326 cửa hàng, cùng với 35 siêu thị Trần Anh sau thương vụ thâu tóm năm ngoái. Tổng số cửa hàng Điện Máy Xanh hiện là 719 cửa hàng (bao gồm Trần Anh).
Việc tìm kiếm tăng trưởng bằng mở chuỗi đang là thách thức lớn đối với TGDĐ. Có thể thấy, sự hoài nghi từ phía các nhà đầu tư không phải là không có cơ sở. Trong khi các mảng kinh doanh cốt lõi đã chững lại, tiềm năng phát triển trong những lĩnh vực kinh doanh mới của MWG vẫn còn là dấu hỏi lớn.