Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ NN&PTNT cho biết, trong những năm qua, xuất khẩu mặt hàng rau, hoa quả vươn lên trở thành một ngành hàng mũi nhọn, năm 2021 đạt giá trị xuất khẩu 3,52 tỷ USD. Tuy nhiên, trong bối cảnh các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP đã ký kết thực thi; các quốc gia nhập khẩu đưa ra các quy định ngày càng chặt chẽ về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật; rủi ro thiên tai và dịch bệnh động thực vật và dịch bệnh trên người (Covid-19 bùng phát và lây lan với nhiều biến chủng Delta, Omicron) đang đặt ra yêu cầu, thách thức rất lớn đối với hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản nói chung, thanh long nói riêng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại diễn đàn.
Hiện nay, đối với thị trường Trung Quốc, các loại nông sản đang nhập khẩu với số lượng lớn là xoài, nhãn, vải, thanh long, dưa hấu, chuối, chôm chôm, mít và măng cụt. Trong thời gian tới, thị trường này tiếp tục mở cửa nhập khẩu sầu riêng, chanh leo và khoai lang tím…
Riêng đối với thanh long, vẫn là mặt hàng hoa quả xuất khẩu chính sang thị trường các nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Năm 2021, xuất khẩu thanh long đạt hơn 998 triệu USD, đóng góp tỷ trọng rất lớn trong xuất khẩu. Do đó, trong thời gian tới các địa phương, doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên tận dụng tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, hiện nay cả nước có 17 loại quả có diện tích lớn nhất (trên 20 nghìn ha/loại) chiếm hơn 90% tổng diện tích và 94% tổng sản lượng cây ăn quả cả nước. Trong đó, chuối có diện tích lớn nhất (151,8 nghìn ha), xoài (111,8 nghìn ha), bưởi (105,8 nghìn ha), cam, nhãn, vải, thanh long, sầu riêng, mít (trên 50 - dưới 100 nghìn ha mỗi loại), dứa, chanh, chôm chôm, na/mãng cầu, quýt, ổi, bơ (trên 20 - dưới 50 nghìn ha mỗi loại).
Riêng với thanh long, sản lượng của Việt Nam khoảng gần 1,4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, sản lượng này lại không phân bố đều. Cụ thể, Quý I khoảng 300.000 tấn, Quý II khoảng 150.000 tấn, Quý III khoảng 400.000 tấn, và Quý IV khoảng 500.000 tấn. Như vậy, Quý IV và I tập trung khoảng 60% sản lượng. Thanh long được trồng chủ yếu ở 3 tỉnh Bình Thuận (khoảng 34.000 ha), Long An (khoảng 12.000 ha) và Tiền Giang (khoảng 10.000 ha). Sản lượng của 3 tỉnh này chiếm hơn 80% tổng sản lượng thanh long cả nước.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết, Nhật Bản luôn là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa mang tính chất bổ trợ, không cạnh tranh nhau. Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu cao những sản phẩm nông sản chế biến của Việt Nam.
Thời gian qua, các đơn vị, công ty của Nhật Bản rất mong muốn được kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam để nhập khẩu sản phẩm trái cây tươi cũng như sản phẩm chế biến. Từ năm 2009, Nhật Bản đã cho phép nhập khẩu sản phẩm thanh long ruột trắng của Việt Nam. Năm 2017, quả thanh long ruột đỏ đã được cấp phép xuất khẩu sang Nhật Bản. Ông Minh đưa ra khuyến cáo Việt Nam nên tăng cường xuất khẩu những sản phẩm chế biến sâu sang thị trường Nhật Bản. Đồng thời, ông Minh cũng lưu ý việc Nhật Bản có hệ thống phân phối tại thị trường nội địa phức tạp, trong khi những sản phẩm nông sản của Việt Nam có thời gian bảo quản ngắn.
Thanh long đang được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng
Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho biết thị trường nhập khẩu chỉ cần đáp ứng các yêu cầu cơ bản về kiểm dịch thực vật. Yêu cầu để được cấp mã số vùng trồng (MSVT) bao gồm: diện tích vùng trồng tối thiểu đạt 10 ha trong khu vực gần nhau; thống nhất quy trình sản xuất; kiểm soát sinh vật gây hại và sử dụng thuốc BVTV theo quy định của các nước nhập khẩu; có nhật ký canh tác rõ ràng từng khâu tác động lên cây trồng; và áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP,...)
Cho đến nay 3.636 MSVT đã được cấp, tương ứng 196.472 ha tại 50/63 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó MSVT cho thị trường Trung Quốc đạt 1.991, chiếm 55,4%. Các địa phương đã thu hồi 49 mã số do vi phạm hoặc không sản xuất và hoạt động kinh doanh. Riêng về MSVT thanh long, tổng số MSVT đạt 640, diện tích đạt hơn 40.000 ha (61,9% diện tích trồng cả nước), chủ yếu xuất sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand. Thị trường Trung Quốc có 247 mã số, chiếm 39,2 % tổng mã số được cấp. Thị trường Hoa Kỳ có 147 mã số, chiếm 23,3%.
Về việc quản lý MSVT và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu, các thị trường khó tính có chuyên gia tại Việt Nam nên mọi vi phạm đều được xử lý triệt để, kịp thời. Tuy nhiên, việc xuất hàng phục vụ thị trường Trung Quốc có rất nhiều vi phạm, chủ yếu về dịch hại và kiểm dịch thực vật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, và hồ sơ kèm theo lô hàng, nên Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đã nhiều lần cảnh báo.
Cục Bảo vệ thực vật và các đơn vị liên quan đã tích cực làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để cùng thảo luận các biện pháp phối hợp trao đổi thông tin mở cửa thị trường, quản lý MSVT và nhà đóng gói, xây dựng cơ sở dữ liệu và tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN).
Trong năm 2021, xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc đạt hơn 1,7 triệu tấn, riêng đường biển tại cảng TP Hồ Chí Minh đạt gần 520.000 tấn, chiếm 30,3%. Ông Lê Văn Thiệt đề nghị các đơn vị kiểm dịch thực vật tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa các thủ tục cho doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản qua Trung Quốc bằng đường biển.
Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận cho biết, giai đoạn 3 tháng đầu năm luôn là lúc tỉnh tập trung nhân lực, nguồn lực để sản xuất, tiêu thụ, vận chuyển, chế biến thanh long. Dự kiến, trong Quý I/2022, tỉnh có hơn 100.000 tấn thanh long cần tiêu thụ.
Trên địa bàn tỉnh, các thương lái đang thu mua chậm thậm chí một số nơi ngừng thu mua thanh long. Sau khi việc thông quan ở các cửa khẩu phía Bắc bị đình trệ, giá thanh long giảm khá sâu, có nơi còn 2.000-4.000 đ/kg.
Ông Tấn kiến nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, và các Bộ, ban, ngành liên quan có chính sách hỗ trợ tiêu thụ, vận chuyển thanh long cho Bình Thuận. Trước mắt, Sở NN&PTNT tỉnh định hướng doanh nghiệp chuyển hướng xuất khẩu sang Ấn Độ, đẩy mạnh chế biến sâu, bảo quản đông lạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An, cho biết tỉnh đang chuẩn bị thu hoạch thanh long từ bây giờ đến Tết Nguyên đán, ước lượng 26.000 tấn, giá thành khoảng 15.000 đồng/kg. Chủ yếu thanh long được bán cho thị trường Trung Quốc, tuy nhiên do dịch bệnh nên các đường biên gần như đóng cửa hoàn toàn.
Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An đưa ra một số kiến nghị: Thứ nhất, đề nghị Bộ Ngoại giao trao đổi với cơ quan chức năng bên phía Trung Quốc đảm bảo thực hiện đúng hiệp định thương mại biên giới giữa hai nước để các hoạt động được diễn ra liên tục và ổn định. Nếu có thay đổi về chính sách cần được thông báo ít nhất trước 15 ngày để phía Việt Nam có thời gian chuẩn bị...
Đồng thời ông Trịnh cũng kiến nghị xúc tiến mạnh hơn ở các thị trường khác như Ấn Độ đồng thời xúc tiến thị trường trong nước thông qua các hệ thống siêu thị. Hiện nay, Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An phân ra 3 loại hàng thanh long: loại xuất khẩu giá 15.000 đồng/kg; loại nội địa giá 10.000 đồng/kg; loại dùng cho chế biến giá 5.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit, bên phía Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo Việt Nam về việc nên xuất khẩu thanh long theo đường chính ngạch. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam không nghe theo khuyến cáo và chỉ xuất đi đường bộ chứ không xuất theo đường biển. Từ đó dẫn tới việc khó khăn trong xuất khẩu thanh long hiện nay do Trung Quốc thực hiện “Zero Covid”.
Theo đó, ông Huy khuyến cáo các doanh nghiệp cần giải quyết vấn đề thiếu vỏ container để chuyển qua hình thức xuất khẩu qua đường biển. Bên cạnh đó, các đơn vị cần khắc phục vấn đề có virus SARS-CoV-2 trên quả thanh long và các thùng hàng.
Ngoài ra, hiện nay việc xuất khẩu trái cây sang các thị trường khó tính như Nhật Bản hay Hàn Quốc có quy định rất nghiêm ngặt về vấn đề dư lượng thuốc BVTV. Thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn chưa có những quy định này nhưng Việt Nam cần lưu ý, để đến lúc Trung Quốc đưa ra yêu cầu vẫn sẵn sàng đáp ứng được.
Bên cạnh việc xuất khẩu thì cần phải đẩy mạnh khâu chế biến và tiêu thụ trong nước
Ông Như Nguyễn, Giám đốc Công ty VIEC - Đại diện thương mại Xuất nhập khẩu Hà Lan và Việt Nam cho biết, nông sản từ châu Á được coi là “siêu thực phẩm” ở châu Âu. Thanh long đang dần trở thành một mặt hàng như vậy, đặc biệt tại Hà Lan. Theo ông Nguyễn, mua thanh long ở Hà Lan không dễ, nhất là với người bản địa tại châu Âu. Giá thanh long ở siêu thị vào khoảng 260.000 đồng với quả 400g. Sở dĩ giá thanh long cao như vậy, là bởi chi phí vận chuyển, logistics từ các vùng trồng.
Hà Lan được xem là cửa ngõ trung chuyển hàng hóa nông sản vào châu Âu. Ngoài Việt Nam, Hà Lan còn nhập khẩu thanh long từ Trung Quốc, Nam Phi, Ecuador và một số thị trường khác. Để đưa được thanh long vào Hà Lan, sản phẩm phải đạt chứng nhận GlobalGAP và khoảng 150 tiêu chuẩn dư lượng thuốc BVTV. Ngoài ra, màu đỏ của trái phải chiếm hơn 70%, cuống phải cắt hoàn toàn, và tai không dài quá 1,5cm.
Một số đề nghị của ông Nguyễn, là cần quảng bá, xúc tiến thương mại hình ảnh thanh long hơn nữa, bởi nhiều người châu Âu chưa biết mua tại đâu. Nhằm nâng cao sức tiêu thụ thanh long, đại diện VIEC gợi ý một số cách chế biến thanh long như sấy khô, chế biến thành tinh bột, hoặc cấp đông hoàn toàn.
Tại Hà Lan, các doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường cần tham gia nhiều hội chợ quốc tế, hoặc kết nối trực tiếp với các điểm thu mua. VIEC cam kết có thể hoàn thành những thủ tục như vậy. Ngoài thanh long, công ty hứa xúc tiến đưa nhiều trái cây khác vào thị trường Hà Lan thời gian tới.
Bà Trần Kim Nga, Giám đốc đối ngoại MM Mega Market, khi nhận thông tin hàng hóa dồn ứ trên cửa khẩu rất nhiều ngay giữa tháng 12, MM Market đã chủ động liên lạc với Bộ Công thương với ý định tổ chức chương trình chung tay hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp tiêu thụ nông sản. Đầu tháng 1/2022, MM đã tổ chức chương trình "Mùa này thức đấy“, dành riêng một khu vực để trưng bày các sản phẩm, bố trí nông sản tại nơi có lưu lượng khách hàng nhiều nhất để tiêu thụ.
Về thanh long, bắt đầu từ ngày 7/1 đến Tết Nguyên đán, MM Megar Market sẽ triển khai chương trình tiêu thụ sản phẩm thanh long từ các tỉnh miền Tây tại 21 trung tâm của MM trên toàn quốc với mức giá bán không lợi nhuận.
Kết luận Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhắc lại, thị trường Trung Quốc là thị trường lớn, quy định cao. Chính vì vậy bên phía Việt Nam cần xác định nâng cao năng lực đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn là vấn đề quan trọng số 1 hiện nay. Đồng thời, chúng ta cần thay đổi tư duy “quá phụ thuộc vào một thị trường” sang tư duy “đa dạng thị trường”.
Thứ trưởng đề nghị ngành nông nghiệp 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang cũng cần chủ động tham mưu cho lãnh đạo tỉnh có những phương án, giải pháp phối hợp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn ngay tại địa phương cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, doanh nghiệp các vùng, địa phương khác cũng đẩy mạnh hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản cho người nông dân.