Dây chuyền giết mổ thịt bò |
Việt Nam sẽ tạm ngừng nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm của 21 nhà máy giết mổ, chế biến thịt của Brazil đang bị điều tra do nghi ngờ sử dụng chất có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày hôm nay 23-3-2017.
Bộ trưởng giao Cục Thú y kiểm soát chặt chẽ các lô hàng thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm đã được chuyển lên tàu, máy bay để vận chuyển từ Brazil về Việt Nam trước ngày 23-3-2017. Nếu phát hiện thịt và sản phẩm thịt của 21 nhà máy thì tạm ngừng kiểm dịch nhập khẩu và báo cáo Bộ NNPTNT để xem xét, xử lý theo quy định. Đồng thời thông báo chính thức cho cơ quan có thẩm quyền của Brazil biết để phối hợp thực hiện; Tổ chức kiểm tra, xác nhận việc Brazil kiểm soát được thịt và sản phẩm thịt đảm bảo an toàn thực phẩm và báo cáo Bộ NNPTNT.
Trước đó, Cục Thú y, Bộ NNPTNT cho hay, từ đầu năm 2017 đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 3.000 tấn thịt và sản phẩm thịt từ Brazil. Như vậy, lượng thịt nhập khẩu từ nước này vào Việt Nam là khá nhỏ so với tổng số gần 6 triệu tấn thịt từ Brazil xuất khẩu hằng năm tới các nước trên thế giới.
Quyết định tạm ngừng nhập khẩu các sản phẩm thịt của Brazil trong bối cảnh vụ bê bối thịt bẩn đang làm chao đảo ngành công nghiệp thịt của Brazil, quốc gia có sản lượng xuất khẩu thịt bò và gà thuộc nhóm lớn nhất thế giới.
Thịt bò Brazil vẫn được rao bán tại các cửa hàng online |
Mặc dù, các hệ thống lớn đã chọn phương án "tạm dừng kinh doanh" thịt nhập khẩu từ Brazil. Tuy nhiên, các shop online cá nhân trên mạng xã hội Facebook hay Zalo vẫn quảng cáo rầm rộ cho mặt hàng này.
Tại một số cửa hàng online, mặt hàng bắp bò Brazil vẫn được rao bán bất chấp vụ bê bối thịt bẩn từ nước này. Mặc dù, không công khai giá bán của loại thực phẩm này, song theo tìm hiểu của PV BizLIVE, thịt bò Brazil thường có giá rẻ hơn mặt hàng cùng loại nhập khẩu từ các quốc gia khác như Mỹ hay Úc.
Đặc biệt, các mặt hàng thịt bò được bán trên mạng, thông qua các tài khoản cá nhân trên Facebook thường không có các giấy tờ đảm bảo về nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm,..
Đó là còn chưa kể đến các vấn đề về ngày sản xuất, ngày hết hạn, thực phẩm đến tay người tiêu dùng liệu có phải là hàng tồn kho,...
Dẫu có nhiều mối nguy hại về thực phẩm bẩn, song do giá cả rẻ "giật mình" của một số mặt hàng, nhiều người tiêu dùng vẫn mua và sử dụng.
Tình trạng này làm gia tăng nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm do các mặt hàng được trao đổi giữa người bán và người mua thông qua mạng xã hội nên các cơ quan chức năng khó kiểm soát, quản lý.
Vì vậy, người tiêu dùng nên chọn các cơ sở cung cấp thực phẩm uy tín, kiếm tra kỹ thông tin về xuất xứ, hạn sử dụng để tránh mua phải thực phẩm không rõ nguồn gốc, hay thậm chí là "thịt bẩn" từ Brazil.