Giá rau xanh tăng phi mã
Sau ảnh hưởng của cơn bão số 3, giá các mặt hàng thực phẩm tại các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội đã có biến động tăng giá nhất là các loại rau ăn lá.
Ghi nhận của phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị tại một số chợ truyền thống ở Hà Nội như: Thành Công (Ba Đình), Kim Liên (Đống Đa) cho thấy một số loại rau xanh, củ, quả, đặc biệt là rau ăn lá, rau gia vị "leo giá" từng ngày.
Cụ thể, rau muống tăng gấp đôi lên 30.000 đồng/mớ, rau ngót, rau dền có giá từ 15.000-20.000 đồng/mớ, rau mồng tơi 20.000 đồng/mớ; cải xanh từ 28.000-30.000đồng/kg... Giá các loại củ, quả như cà rốt, bí xanh, bí đỏ... cũng tăng thêm từ 5.000 - 15.000 đồng/kg, hiện cà rốt có giá 25.000 đồng/kg, khoai tây 20.000 đồng/kg, bầu 25.000 đồng/kg; bí xanh 35.000-40.000 đồng/kg...
Giá rau xanh tại chợ truyền thống tăng giá đột biến. Ảnh: Hoài Nam
Lý giải nguyên nhân khiến giá rau xanh tăng mạnh các tiểu thương kinh doanh mặt hàng này có chung ý kiến, giá rau xanh tăng từng ngày do những vựa rau cung cấp cho thị trường Hà Nội ở Bắc Giang, Hà Nam, Hưng Yên... đều bị ngập lụt sau bão.
"Sau bão, trời mưa to gây ra ngập úng ở nhiều địa phương nên việc vận chuyển và nhập hàng gặp nhiều khó khăn. Trong mấy ngày tới, giá rau nhập ở chợ đầu mối sẽ tăng vì nhà vườn bị thiệt hại hoa màu” - bà Hiền, tiểu thương tại chợ Kim Liên chia sẻ.
Trái ngược với hiện tượng rau xanh tăng giá tại chợ truyền thống, tại hệ thống siêu thị trên địa bàn TP Hà Nội vẫn giữ nguyên giá bán, một số loại rau xanh như rau muống, rau cải đang có giá dao động khoảng 15.000-25.000 đồng/mớ.
Người dân mua rau xanh tại siêu thị Winmart. Ảnh: Hoài Nam
Thông tin từ các siêu thị cho thấy sau bão người dân có nhu cầu cao về thực phẩm tươi sống, rau củ quả. Để không tăng giá bán các siêu thị đã lên phương án dự trữ, vận chuyển rau xanh, thực phẩm từ những địa phương không ảnh hưởng bão lũ cung ứng cho Hà Nội.
Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, Saigon Co.op (sở hữu chuỗi Co.opmart, Co.op Food…) đã đặt hơn 200 tấn rau củ từ các nhà vườn, hợp tác xã, hộ kinh doanh của Lâm Đồng, Đồng Nai…vận chuyển liên tục từ Nam ra Bắc.
Tương tự, các hệ thống siêu thị khác như BigC, GO!, WinMart, WinMart+, WIN… cũng tăng cường vận chuyển rau xanh từ các tỉnh thành khu vực phía Nam ra miền Bắc. Phó Tổng Giám đốc Chuỗi WinMart Nguyễn Tiến Dũng thông tin để đáp ứng nhu cầu rau xanh, thực phẩm tươi sống như rau củ quả, thịt cá, nước uống, hệ thống siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+/WiN đã chuẩn bị lượng hàng hóa lớn đảm bảo cung ứng đầy nhu cầu mua sắm của khách hàng.
Riêng đối với các mặt hàng rau lá, WinMart đã nhanh chóng điều phối bổ sung 100 tấn rau củ sạch từ nông trại WinEco, cùng với nhà cung cấp từ Lâm Đồng và các tỉnh phía Nam cho thị trường các tỉnh phía Bắc.
Hệ thống MM Mega Market tăng lên 2 chuyến xe vận chuyển rau củ quả từ Bình Dương và Lâm Đồng đến Hà Nội mỗi ngày (tương đương 16 tấn rau củ quả).
Tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho rằng, mặc dù các siêu thị đang tăng cường dự trữ, vận chuyển rau xanh và giữ nguyên giá bán nhưng tại hệ thống chợ truyền thống mặt hàng này vẫn tăng giá nên rất có thể đây là hiện tượng tiểu thương lợi dụng nhu cầu tăng cao để găm hàng, tăng giá.
Đồng tình với phân tích này Giám đốc Đối Ngoại MM Mega Market Việt Nam Trần Kim Nga phản ánh, những ngày qua đã có hiện tượng một số tiểu thương lợi dụng việc siêu thị giữ nguyên giá bán rau củ đã tràn vào siêu thị mua một số lượng lớn để đưa ra hệ thống chợ tăng giá bán kiểm lời bất chính. “Để ngăn chặn hiện tượng này đòi hỏi ngành công thương và lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường” - bà Nga kiến nghị.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra việc cung ứng và giá bán mặt hàng rau xanh tại hệ thống siêu thị. Ảnh: Hoài Nam
Để ngăn chặn hiện tượng đầu cơ găm hàng tăng giá sản phẩm rau xanh, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn tăng cường kết nối, tìm kiếm thêm các nguồn hàng (đặc biệt là mặt hàng rau xanh) từ các tỉnh, thành phố không bị ảnh hưởng của bão số 3 để hoạt động cung ứng của đơn vị không bị gián đoạn.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, đơn vị đã yêu cầu doanh nghiệp quản lý chợ đầu mối tăng cường kiểm tra, tuyền truyền tới các tiểu thương tuyệt đối không đầu cơ, găm hàng, đẩy giá bán tăng cao. Cùng với đó là theo dõi thường xuyên tình hình luân chuyển và giá cả hàng hóa thiết yếu của các hộ kinh doanh tại chợ để kịp thời triển khai biện pháp bảo đảm cung cầu hàng hóa không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến.
Quản lý thị trường kiểm tra việc cung ứng thực phẩm, rau xanh tại hệ thống chợ truyền thống. Ảnh: Hoài Nam
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên thông tin, nhằm ngăn chặn hiện tượng tiểu thương găm hàng, tăng giá đột biến, ngày 11/9 Cục Quản lý thị trường đã có công văn yêu cầu các đội quản lý thị trường phụ trách địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát giá cả thị trường hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Đồng thời xử lý nghiêm đối với tất cả các hành vi vi phạm theo thẩm quyền để bảo vệ quyền, lợi ích của người tiêu dùng, thương nhân kinh doanh hợp pháp.
“Hiện các Đội quản lý thị trường Hà Nội đã đồng loạt ra quân, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường quản lý địa bàn qua đó ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực giá, đầu cơ, găm hàng tạo khan hiếm hàng hóa nhằm nâng giá, trục lợi bất hợp pháp, đảm bảo ổn định giá cả, đảm bảo cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho người dân” - ông Kiên nêu rõ.