Những điểm tựa cho tăng trưởng
Báo cáo của Tổng Cục Thống kê, trong 8 tháng năm 2024, nền kinh tế đạt được nhiều kết quả quan trọng. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,04%, trong mức kiểm soát theo mục tiêu của Quốc hội; thu ngân sách ước đạt 78,5% dự toán, tăng 17,8%.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của cả nước 8 tháng đã đạt 511,11 tỷ USD, tăng gần 17% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu gần 19,07 tỷ USD. Thu hút vốn FDI tiếp tục là điểm sáng, tổng vốn FDI đăng ký 8 tháng khoảng 20,5 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ. Trong đó vốn FDI đăng ký mới gần 12 tỷ USD, tăng 27%; vốn FDI thực hiện khoảng 14,15 tỷ USD, tăng 8%.
Kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước. Ảnh minh hoạ
Chính phủ đang kỳ vọng mục tiêu tăng trưởng GDP trên 7% cho năm nay, thay vì mức 6-6,5% đặt ra trước đó. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phấn đấu đạt kết quả tháng 9 tốt hơn tháng 8, quý sau tốt hơn quý trước... Đẩy mạnh, tạo đột phá giải ngân vốn đầu tư công; cải thiện môi trường, tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, huy động mọi nguồn lực xã hội. Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cần có giải pháp nâng cao hơn; Về xuất khẩu, duy trì, khai thác hiệu quả các thị trường lớn, truyền thống và xúc tiến mạnh mẽ các thị trường mới, giàu tiềm năng, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu…
Về mục tiêu tăng trưởng, các chuyên gia đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam. Ông Paulo Medas - Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) phân tích: Kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước (tăng trưởng từ 5,66% trong quý I, lên 6,93% trong quý II/2024), đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nền kinh được hỗ trợ bởi tăng trưởng trong xuất khẩu, du lịch và đầu tư trực tiếp nước ngoài”- ông Paulo Medas phân tích.
“Chúng tôi cho rằng, việc tăng trưởng trên 6% đã là rất tích cực vì nền kinh tế trong nước và hệ thống tài chính vẫn đang phục hồi sau những cú sốc lớn và triển vọng tăng trưởng toàn cầu còn khiêm tốn”- ông Paulo Medas nhận định.
Về mục tiêu tăng trưởng, các chuyên gia đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam. Ông Paulo Medas - Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) phân tích: Kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước (tăng trưởng từ 5,66% trong quý I, lên 6,93% trong quý II/2024), đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nền kinh được hỗ trợ bởi tăng trưởng trong xuất khẩu, du lịch và đầu tư trực tiếp nước ngoài”- ông Paulo Medas phân tích.
Thực tế, xuất khẩu hàng hóa tiếp tục giữ vững vai trò dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu mấy tháng gần đây đều đạt tháng sau cao hơn tháng trước, cả năm nay có thể lập mốc lịch sử 400 tỷ USD.
Nếu như mọi năm, tháng 4 đến tháng 8 là mùa thấp điểm sản xuất đồ gỗ thì năm nay, nhiều nhà máy hoạt động vẫn không ngừng nghỉ để sẵn sàng cung ứng lượng lớn hàng đồ gỗ nội thất phục vụ mùa lễ hội cuối năm các thị trường châu Âu, châu Mỹ. Không chỉ có ngành gỗ đang về đích xuất khẩu 14,2 tỷ USD. Dệt may cũng đang tiến dần tới mục tiêu 44 tỷ USD giá trị kim ngạch xuất khẩu. Nhiều ngành hàng khác như phần cứng, điện tử, máy móc cũng đều tăng trưởng ấn tượng.
Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song trong bối cảnh "ấm dần" của thị trường quốc tế, xuất nhập khẩu được dự báo sẽ tiếp tục là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.
Cùng với xuất khẩu, thị trường nội địa được coi là một trong 3 động lực tăng trưởng kinh tế. TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) phân tích, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước phục hồi, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ từ đầu năm đến nay. Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt trên 4,148 triệu tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước...
So với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam có lợi thế vô cùng lớn trong thu hút khách du lịch quốc tế. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm nay nhiều khả năng vượt qua kỷ lục của năm 2019 (trên 18 triệu lượt người).
Các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB và OECD nhận định tăng trưởng của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất khu vực.
Tăng sức “đề kháng” cho doanh nghiệp
Dù khả quan song một số tồn tại, hạn chế trong bức tranh kinh tế 8 tháng như giải ngân vốn đầu tư công của nhiều bộ, ngành, địa phương còn chậm, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 8 giảm 12,8 % và doanh nghiệp giải thể tăng 26% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với áp lực cạnh tranh tăng cao ở cả thị trường thế giới và trong nước, rủi ro bị kiện phòng vệ thương mại, áp thuế chống bán phá giá và các tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu.
Để doanh nghiệp phát huy các động lực tăng trưởng, theo Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - TS. Trần Thị Hồng Minh, bên cạnh việc tạo mọi điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút vốn FDI chất lượng cao, Chính phủ và các địa phương cần tập trung phục hồi và thúc đẩy đầu tư của khu vực ngoài nhà nước bằng các cơ chế, chính sách và giải pháp đặc thù. Kích hoạt lại và khơi thông nguồn lực đầu tư tư nhân trở thành động lực tăng trưởng quan trọng trong dài hạn.
Chính phủ cần quyết liệt hơn trong cải cách thể chế, bởi thể chế cũng chính là một nguồn lực. Mấu chốt là các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thực chất các thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, chi phí tuân thủ.
Viện trưởng CIEM cũng kiến nghị thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...; đẩy mạnh liên kết vùng…
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, Bộ KH&ĐT đề xuất các bộ, ngành phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện, cụ thể hóa các nhóm chính sách lớn được Chính phủ thông qua đề xuất xây dựng như Luật Đầu tư công (sửa đổi), các luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP)... Bên cạnh đó, tiếp tục ưu tiên nguồn lực để hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, thu hút được các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao; xây dựng, thu hút và sử dụng nhân tài cả trong và ngoài nước.
Kể từ đầu tháng 8, giá USD liên tục hạ nhiệt. So với mức đỉnh giữa tháng 4, giá bán USD tại ngân hàng đã giảm khoảng 427 đồng/USD, tương đương 1,68%, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, đến nay, dư nợ tín dụng tăng 7,15%, trong khi mục tiêu đặt ra là 15% trong năm nay.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, tăng trưởng tín dụng sẽ mở rộng đầu tư, từ đó góp phần tăng trưởng nền kinh tế. Vì vậy, NHNN đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung hạ lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay những khoản mới trung bình hiện nay là 6,23%, giảm 0,86% so với cuối năm 2023; trong khi lãi suất huy động là 3,84%, tăng 0,23%. Lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay giảm, điều này cho thấy các ngân hàng thương mại đã chia sẻ với doanh nghiệp từ nguồn lợi nhuận của mình.
NHNN sẽ tiếp tục tăng quy mô các gói vay ưu đãi, như gói tín dụng cho ngành lâm sản, thủy sản dự kiến tăng lên 50.000 - 60.000 tỷ đồng (thay vì 30.000 tỷ đồng như ban đầu). Với gói tín dụng cho nhà ở xã hội 140.000 tỷ đồng, lãi suất sẽ thấp hơn 3% so với lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường (thay vì 2%).
Việt Nam sẽ cần những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế để có thể đạt được tham vọng trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 và đổi mới sáng tạo sẽ là nền tảng cơ bản trong việc nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng tăng trưởng. Động lực này không chỉ khơi dậy nguồn lực trong nước mà còn chờ đón các dòng đầu tư nước ngoài, các nguồn lực tài chính xanh từ bên ngoài vào quá trình chuyển đổi này. (Bà Dorsati Madani - chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam) Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ như giảm thuế giá trị gia tăng, thúc đẩy giảm lãi suất. Nhưng quan trọng nhất là cần phải tăng tốc đẩy nhanh hơn nữa giải ngân đầu tư công sẽ tạo ra công ăn việc làm, lan tỏa ở nhiều lĩnh vực liên quan và sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng trong nước, giúp nhiều doanh nghiệp tăng cường đầu ra. Từ đó doanh nghiệp mới có nhu cầu vay vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. (TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính) |