Giá đắt đỏ, xe sang bán chậm
Số liệu từ các DN cho thấy, năm 2017 doanh số bán xe sang đạt 8.670 chiếc các loại, giảm khoảng 15% so với năm 2016. Trong khi nhiều hãng bị sụt giảm doanh số thì ngược lại, có những đơn vị tăng trưởng ấn tượng.
Doanh số bán cao nhất thuộc về Mercedes-Benz Việt Nam, với tổng số xe bán ra đạt 6.028 chiếc, tăng trưởng gần 40% so với năm 2016. Mẫu xe bán chạy nhất của hãng cũng như của cả thị trường xe sang là GLC, với gần 2.500 chiếc; tiếp đến là C-Class, hơn 1.300 chiếc. Mẫu E-Class bán được hơn 1.000 chiếc, GLS là 200 chiếc và mẫu xe sang cao cấp Maybach gần 150 chiếc.
Số còn lại thuộc về các DN xe sang khác. Trong đó, Audi có doanh số bán hơn 700 chiếc (không tính số xe nhập khẩu phục vụ Hội nghị APEC), Lexus bán được 1.052 chiếc (phân phối chính hãng là 948 chiếc), Range Rover 210 chiếc, Porsche 200 chiếc, Maserati 66 chiếc, BMW chỉ có 11 chiếc,...
Với dòng siêu sang Rolls Roy có 5 chiếc, Bentley có 16 chiếc, còn dòng siêu xe Lamborghini có 3 chiếc và Ferrari có 3 chiếc về nước, giảm mạnh so với năm 2016.
Nguyên nhân khiến tiêu thụ xe sang giảm so với năm 2016, là do thế tiêu thụ đặc biệt tăng cao từ 90%-150%, với những xe có dung tích xi lanh lớn từ 3.0L trở lên. Bên cạnh đó, giá tính thuế với xe sang đã qua sử dụng nhập khẩu cũng tăng mạnh, khiến khách hàng ngoảnh mặt. Còn xe nhập dưới dạng quà tặng quà biếu, bị kiểm soát chặt, chi phí tăng, khó về.
Ngoài ra, theo các DN, xe sang mất đà tăng trưởng còn do tác động dây chuyền từ việc xe bình dân giảm giá mạnh và khách hàng có ý chờ đợi sang 2018, khi thuế phí giảm mới mua xe.
Mặc dù vậy, phân khúc xe sang hạng trung vẫn có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Những mẫu xe có giá bán từ 1,5 tỷ đồng - dưới 3 tỷ đồng vẫn tiêu thụ mạnh. Cụ thể như các mẫu xe GLC, C-Class, E-Class của Mercedes Benz Việt Nam, A4, Q5 của Audi hay ES 250, NX 200T của Lexus,... thu hút rất nhiều khách hàng chuyển từ các phân khúc phổ thông lên.
Giá xe trong nước 2018 sẽ giảm mạnh?
Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2018 sẽ tính đến những giải pháp hỗ trợ cho sản xuất trong nước. Cụ thể là đề xuất xử lý các vấn đề về điều chỉnh thuế nhập khẩu linh kiện và phụ tùng, trên nguyên tắc thấp hơn mức thuế nhập khẩu ô tô thành phẩm, theo cam kết đã ký.
Hiện tại, với quy định mới, từ 1/1/2018, các DN sản xuất láp ráp ô tô có quy mô sản lượng lớn sẽ được giảm thuế nhập khẩu tất cả các linh kiện về mức 0%. Điều này, đã giúp cho các DN, giảm giá bán lẻ sản phẩm sản xuất lắp ráp từ 12-15%.
Nếu các DN sản xuất lắp ráp ô tô được hưởng thêm ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt mức 0% với phần linh kiện mua trong nước; các DN sản xuất linh kiện được giảm thuế nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào xuống mức 0% thì giá thành xe sản xuất lắp ráp trong nước sẽ giảm thấp. Giá xe trong nước sẽ rẻ hơn xe nhập khẩu và người tiêu dùng được hưởng lợi.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính mới đây có ý kiến không đồng tình với đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, do lo ngại vi phạm cam kết trong WTO.
Mặc dù vậy, đề xuất này đã được đưa vào Dự thảo sửa đổi các luật thuế, sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua trong năm 2018. Nếu được thông qua, từ 2019, xe trong nước sẽ được ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt và giá xe sẽ giảm mạnh so với hiện nay.