Hoạt động nghiệp vụ tại chi nhánh Vietcombank Hà Nội. Ảnh: Hải Linh |
Lấy lợi nhuận bù đắp dự phòng
Qua hơn 3 năm kể từ khi hoạt động, VAMC đã mua gần 300.000 tỷ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, phần bán lại nợ của công ty này chỉ được vài phần trăm dù đã được hỗ trợ khá nhiều về chính sách. Chính vì thế, từ năm 2016, có một số ngân hàng đã mua lại nợ đã bán cho VAMC trước đó về tự xử lý. Đơn cử trường hợp của Vietcombank đã mua lại toàn bộ nợ của VAMC và là ngân hàng đầu tiên sạch nợ tại công ty này. Tiếp đó là trường hợp VIB khi trong năm vừa qua, ngân hàng này cũng đã mua lại 30% số nợ đã bán cho VAMC để về tự xử lý. Tại BIDV, tỷ lệ nợ xấu đến hết năm 2016 là 1,47%. Tính cả năm 2016, BIDV trích lập dự phòng gần 9.274 tỷ đồng, tăng tới 63,4% so với năm 2015.
Thời gian qua, nợ xấu chủ yếu là do các các tổ chức tín dụng tự xử lý là 57,2%, còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức cá nhân khác) chiếm 42,8%. Hầu hết các khoản nợ đã mua của VAMC đều có tài sản bảo đảm là bất động sản hoặc tài sản hình thành từ vốn vay.
Trước thực tế trên, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) Khúc Văn Họa nhận định, năm 2017 sẽ có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nền kinh tế và ngành ngân hàng, nên các ngân hàng thương mại vẫn phải tự trích lập dự phòng rủi ro, chủ yếu tự xử lý thông qua các Công ty quản lý tài sản (AMC).
Lợi nhuận bị ăn mòn
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 30/11/2016, tỷ lệ nợ xấu ước tính còn khoảng 2,46%. Cả năm 2016, nợ xấu được giữ ổn định ở mức dưới 3%. Báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2016 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, hệ thống đã xử lý khoảng 95.000 tỷ đồng nợ xấu. Năm qua, tỷ lệ nợ xấu ghi nhận mức giảm nhưng theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nợ chờ xử lý (bán cho VAMC) và nợ xấu tiềm ẩn vẫn lớn. Tổng số nợ bán cho VAMC chưa xử lý là 224.000 tỷ đồng.
Thống kê của VAMC qua hơn 3 năm hoạt động, tính đến thời điểm cuối năm 2016, Công ty đã mua được 24.556 khoản nợ, tổng dư nợ gốc là 244.082 tỷ đồng. Tuy vậy, số lượng thu hồi nợ lại khá khiêm tốn, việc bán nợ bao gồm phát mại tài sản bảo đảm, thi hành án chỉ đạt khoảng 15% trong tổng số nợ VAMC đang giữ. Với khối lượng nợ xấu khá lớn này, các ngân hàng cũng kỳ vọng thời gian tới, dù muốn hay không thì VAMC cũng phải tìm đầu ra cho nợ xấu.
Đơn cử như BIDV tăng mạnh tỷ lệ trích lập dự phòng 63% so với cùng kỳ lên trên 9.000 tỷ đồng, chiếm già nửa số lợi nhuận thuần. Sacombank dù nợ xấu giảm nhưng cùng với số nợ đã bán trong năm 2016 thì tổng cộng hiện đang sở hữu 37.300 tỷ đồng trái phiếu phát hành bởi VAMC, giá trị này tăng 23.158 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2015. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá, chi phí dự phòng rủi ro tại các tổ chức tín dụng Việt Nam đang chiếm tới 65% lợi nhuận.
“Mặc dù nhiều ngân hàng công bố tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, cách xa mốc an toàn 3%, nhưng con số tuyệt đối lại không hề giảm” - TS Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright nhận xét. Ông Thành cho rằng, năm 2017, các ngân hàng vẫn phải đối mặt nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro tăng và đây vẫn là một năm khó khăn, đầy biến động với các ngân hàng. “Nếu phải quyết liệt xử lý nợ xấu theo cách buộc các ngân hàng phải trích dự phòng rủi ro đủ cho số nợ xấu, thì với các ngân hàng nhỏ, lợi nhuận bị ăn mòn, nhiều ngân hàng sẽ mất vốn chủ sở hữu. Thậm chí, còn đẩy vốn chủ sở hữu tại một số ngân hàng xuống thấp hơn mức quy định là 3.000 tỷ đồng, hoặc âm vốn.
Bộ Tài chính cũng cho biết, năm 2016, thu ngân sách từ khối ngân hàng giảm 20%, do các ngân hàng trích lập dự phòng cho xử lý nợ xấu. Xử lý nợ xấu cũng có tác động mạnh đến dòng tín dụng và việc đảm bảo chất lượng tín dụng. Năm 2017, bài toán khó khăn đối với ngân hàng là làm sao đáp ứng được yêu cầu vốn cho DN mà lại đảm bảo rằng nợ xấu không tăng.