Doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đang gặp khó
Hiện một số doanh nghiệp nhập khẩu ôtô đang đối mặt với Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương về điều kiện nhập khẩu ôtô, doanh nghiệp phải có 2 loại giấy, gồm: Giấy ủy quyền nhập khẩu chính hãng của nhà sản xuất và Giấy chứng nhận bảo hành, bảo dưỡng đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cấp.
Cán bộ Hải quan kiểm tra ôtô chờ thông quan. |
Từ 1/7/2016, Thông tư 19/2012 quy định về bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô của cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu đã hết hiệu lực nên Bộ GTVT không có cơ sở pháp lý cấp giấy chứng nhận này. Song, khi làm thủ tục nhập khẩu, cơ quan Hải quan vẫn đòi các giây tờ theo quy định, khiến các doanh nghiệp “kêu than” khi xin giấy thông quan.
Trong lúc doanh nghiệp đang loay hoay chưa tìm được lối thoát cho thông quan ôtô theo thông tư 20/2011 thì Bộ tài chính lại yêu cầu cơ quan Hải quan, thuế siết chặt ôtô nhập khẩu, đòi hỏi giấy tờ chứng minh xuất xứ hàng hóa (C/O) tại thời điểm làm thủ tục hải quan theo quy định của Điều 13, Nghị định 19/2006/NĐ-CP và hồ sơ hải quan theo quy định tại Khoản 2, Điều 16 Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Động thái mới này của Bộ tài chính, càng khiến các doanh nghiệp trở nên lúng túng, lo ngại quá trình siết chặt nhập khẩu ôtô sẽ tác động tiêu cực tới kết quả kinh doanh, khi mà Thông tư 20/2011 của Bộ công thương chưa giải quyết xong, khiến các lô ôtô nhập khẩu “nằm dài” chờ thông quan.
Chạy vạy giấy chứng nhận
Ông Vũ Huy Chỉnh, Công ty TNHH ôtô Đông Hải trò chuyện với phóng viên trang tin BizLIVE (Nhịp sống kinh doanh): Trong tháng 8/2016, công ty ông khốn khổ khi nhập 3 chiếc ôtô 5 chỗ ngồi thương hiệu Samsung từ Hàn Quốc về, bị ách lại tại cảng Hải Phòng, không được thông quan do giấy chứng nhận về bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô của cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu theo Quy định của Thông tư 19/2012 hết hiệu lực.
Còn ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Kylin cho biết: Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đủ điều kiện trước đây được Bộ GTVT cấp có thời hạn 3 năm. Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ôtô được cấp đúng thời điểm nên tới tháng 12/2016 này sẽ hết hạn.
Còn những doanh nghiệp được cấp không đúng thời điểm thì giấy chứng nhận có thể hết hạn trước tháng 12. Trong số các công ty đó, có Công ty ôtô Đông Hải và Công ty Kylin của ông Chỉnh và ông Hùng.
Cơ quan chức năng thanh tra xe ôtô nhập khẩu. |
Để được thông quan các lô ôtô nhập khẩu buộc ông Chỉnh cũng như ông Hùng phải chạy vạy khắp nơi để mượn, thuê giấy chứng nhận của các công ty còn thời hạn. Việc mượn, thuê giấy để thông quan rất tốn kém và mất thời gian, khiến doanh nghiệp bị thua lỗ.
Còn theo ông Đỗ Minh Thế, Giám đốc Công ty cổ phần ô tô Hoàng Gia: Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện của công ty ông sẽ hết hạn vào 31/12 tới, nếu không có giấy này mà Hải quan vẫn đòi đủ thủ tục thì chỉ có cách dừng hẳn nhập khẩu ô tô.
Một số doanh nghiệp khác bày tỏ quan ngại, họ không biết “nhờ cậy” vào cơ quan nào để giải quyết vướng mắc. Bởi giữa tháng 8/2016, đã có công ty phản ánh khó khăn họ gặp phải tới cơ quan chức năng nhưng cho tới nay vẫn không được giải quyết.
Nếu như phải đợi các cơ quan có thẩm quyền ban hành một văn bản mới về ôtô nhập khẩu thay quy định cũ, thì có lẽ còn đợi một thời gian khá dài. Trong khi đó, mới đây Bộ tài chính lại có thêm yêu cầu Hải quan siết chặt ôtô nhập khẩu, đòi hỏi phải có giấy chứng minh xuất xứ hàng hóa. Như vậy, khó khăn này chưa giải quyết xong thì khó khăn khác đã tới, khiến các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô thở dài ngao ngán.
Điều đáng nói hơn, Quốc hội vừa thông qua bổ sung ngành nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô vào danh mục những ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, có hiệu lực từ 1/1/2017. Như vậy, nhiều doanh nghiệp không thể nhập khẩu ôtô trong thời gian tới vì đợi ban hành các cơ chế mới, nếu thời gian kéo dài thị trường ôtô Việt có nguy cơ rối loạn, tăng giá, người tiêu dùng lại chịu thêm nhiều thiệt thòi.