Nhiều người rất mất thời gian khi phải đi rút tiền. |
Một giáo viên ở một quận trung tâm TP.HCM kể câu chuyện phải “thi gan” với mấy trụ ATM của một ngân hàng (NH) có hội sở ở phía Bắc gần nơi làm việc, khi nó liên tục báo đang bảo dưỡng.
Hậu quả là sau ba tuần máy mới hoạt động để rút lương. Vì sao lại mở tài khoản ở NH này? Vị giáo viên trả lời do lãnh đạo đơn vị chọn và họ chỉ việc chấp hành.
Chuyện người lao động không được chọn NH mở tài khoản, làm thẻ để nhận lương là khá phổ biến. Sự áp đặt đó được xem là nguyên nhân dẫn đến rắc rối, phiền toái cho người dùng thẻ. Gần đây là những vụ tiền trong tài khoản “bốc hơi” với số lượng lớn.
Từ đó, NH Nhà nước, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã đưa ra quy định có hiệu lực từ cuối tháng 11-2016, buộc NH phải sòng phẳng hơn với khách hàng trường hợp bỗng dưng mất tiền trong tài khoản.
Tuy nhiên, quy định này chỉ giải quyết chuyện đã rồi, giúp chủ thẻ sớm nhận lại tiền nếu lỗi không thuộc về họ và buộc NH có trách nhiệm hơn trong tiếp nhận thông tin, thời gian xử lý, phương án đền bù... khi tiền bị “bốc hơi” trong tài khoản.
Không chủ thẻ nào muốn rơi vào cảnh tiền bị “bốc hơi”, phải đôi co rồi mong được NH đối xử công bằng, có trách nhiệm.
Tất cả chủ thẻ đều mong muốn tài khoản của họ được an toàn tuyệt đối. Và cách tốt nhất là họ phải được NH hướng dẫn sử dụng tài khoản, thẻ và các giao dịch NH điện tử kỹ lưỡng.
Muốn vậy, người lao động phải được tìm hiểu và tự chọn NH mở tài khoản và thẻ. Đầu vào có xuôi thì đuôi mới lọt, tránh được những rắc rối, phiền toái cho chủ tài khoản.
Vì vậy, không thể chấp nhận tình trạng nhiều người trở thành khách hàng bất đắc dĩ của một NH nào đó mà họ không lựa chọn.
Thực tế phổ biến là nhiều người muốn mở tài khoản ở NH X vì cho rằng dịch vụ tốt, nhưng “sếp” của họ ở nơi làm việc lại muốn chọn và trả lương qua NH Y mà không hỏi ý kiến của người lao động.
Nhiều trường hợp đang giao dịch tốt với NH này thì bất ngờ phải chuyển sang NH khác ít tên tuổi, chỉ vì NH đến sau dù chất lượng dịch vụ “đuối hơn” nhưng lại tiếp thị nghề hơn, tranh thủ được “sếp”.
Giới NH vẫn rỉ tai nhau về những chiêu trò tranh thủ lãnh đạo đơn vị có nhiều lao động, nhất là đơn vị sự nghiệp có thu, để “kéo” tài khoản về NH mình. Cạnh tranh kiểu này khiến người lao động không thể chọn được NH mà họ cho là tốt nhất.
Thực tế rất ít đơn vị trả lương chịu đưa ra danh sách gồm nhiều NH để người nhận lương chọn lựa, lý do là giao dịch với nhiều NH rắc rối lắm...
Với NH, ATM hay các dịch vụ NH điện tử là sản phẩm họ phải cung cấp để phục vụ khách hàng đã mở tài khoản. Cái mà họ nhắm đến là tiền của khách hàng trong tài khoản.
Tài khoản càng nhiều tiền thì NH huy động được nhiều vốn có lãi suất thấp. Nhưng tiền “bốc hơi”, các rắc rối lại bắt đầu từ ATM hay các giao dịch NH điện tử.
Do vậy nếu không chấn chỉnh ngay từ đầu vào, để người lao động được tự chọn NH phục vụ mình, buộc NH cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, bằng sự an toàn cho các tài khoản thay vì dùng chiêu trò, chạy chọt để lôi kéo khách hàng thì sẽ còn nhiều người rơi vào cảnh mòn mỏi chờ nhận lại tiền của mình trong tài khoản đã bị “bốc hơi”.