Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ đã ra quyết định số 120 ngày 8/9/2016, về việc không khởi tố vụ án hình sự vụ việc 5 sổ tiết kiệm bị sang tên. Lý do "không có sự việc phạm tội".
Cụ thể, sau khi nhận được đơn của ông Lê Đình Trung và bà Tiêu Mỹ Ngọc, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang tố giác cha mẹ ruột mình là ông Lê Hữu Phước và bà Nguyễn Thị Hồng có hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" số tiền là 43,504 tỷ đồng.
Đồng thời, ông Trung khởi kiện Giám đốc ngân hàng Việt Á chi nhánh An Giang và Giám đốc ngân hàng Việt Á chi nhánh Cần Thơ. Ông Trung cho rằng hai nhân viên ngân hàng và bố mẹ ruột đã cấu kết lừa đảo chiếm đoạt tài sản của mình.
Theo phản ánh của ông Trung, trong khoảng thời gian từ 13/1 đến 6/4/2016, vợ chồng ông đã gửi 5 sổ tiết kiệm tại Ngân hàng Việt Á chi nhánh An Giang với tổng trị giá hơn 43,5 tỷ đồng. Trong đó 3 cuốn sổ đứng tên ông, 2 sổ đứng tên vợ, với cùng kỳ hạn 6 tháng.
Từ ngày 1 đến 2/6/2016, vợ chồng ông nhận được điện thoại của ông Lê Hữu Phước, gọi lên ngân hàng Việt Á chi nhánh Cần Thơ để ký giấy dự thưởng. Ông Trung và vợ lên ngân hàng đưa CMND và được giao dịch viên tên Lan Anh đưa rất nhiều tờ giấy trắng (giấy A4) cho vợ chồng ông Trung ký.
Đầu tháng 7, khi gần đáo hạn cuốn đầu tiên, ông Trung phát hiện đã mất cả 5 cuốn. Hỏi ngân hàng, ông được biết toàn bộ số tiền trong 5 quyển sổ nêu trên đã được chuyển cho ông Lê Hữu Phước và bà Nguyễn Thị Hồng.
Đại diện ngân hàng Việt Á cho biết ngày 6/7/2016, ông Trung và bà Ngọc có gửi đơn đến Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh An Giang với nội dung khiếu nại và đề nghị huỷ giao dịch chuyển nhượng sở hữu các sổ tiết kiệm nói trên.
Ngày 25/7/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra TP Cần Thơ có công văn yêu cầu cung cấp thông tin và đề nghị phong toả tài khoản. Đến ngày 15/8/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra TP Cần Thơ gửi công văn đề nghị VietABank An Giang giải toả toàn bộ số tiết kiệm cho ông Lê Hữu Phước và bà Nguyễn Thị Hồng.
VietAbank cho rằng, thông tin ông Phước - cha ruột ông Trung gọi điện thoại kêu lên ngân hàng ký dự thưởng, ông Trung đến ngân hàng và được nhân viên đưa cho tờ giấy trắng bảo ký vào, là hoàn toàn không đúng sự thật. Phía ngân hàng khẳng định: Ngân hàng Việt Á đã thực hiện việc chuyển nhượng sổ tết kiệm đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đúng quy định pháp luật hiện hành.
Trong khi đó, theo đơn giải trình của ông Lê Hữu Phước cùng vợ là bà Nguyễn Thị Hồng, ông Phước khẳng định toàn bộ số tiền được gửi tiết kiệm giao dịch tại Ngân hàng Việt Á chi nhánh An Giang thuộc quyền sở hữu hợp pháp của vợ chồng ông.
Vừa qua vợ chồng ông Phước đi nước ngoài thăm con, cháu, phải đi bằng máy bay, sợ rủi ro nên có sự tính toán nếu gặp chuyện không may nên để Trung đứng tên nhờ 5 sổ tiết kiệm có kỳ hạn để lấy lãi (2 sổ: 10 tỷ, 1 sổ 8 tỷ, 1 sổ 7,979 tỷ và 1 sổ 7,2 tỷ) tổng cộng hơn 43,5 tỷ đồng, các sổ này có kỳ hạn 6 tháng, có sổ gửi từ năm 2015 cứ mỗi 6 tháng tất toán nên lập sổ mới hưởng lãi suất cao hơn.
"Do toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm là của vợ chồng tôi, chúng tôi giữ bản chính, khi đi nước ngoài sẽ gửi sổ cho Trung, nếu cha mẹ có hữu sự anh em sẽ phối hợp với nhau sử dụng khi cần. Vì vậy, vợ chồng Trung đã tự nguyện ký tên chuyển nhượng trả lại 5 sổ tiết kiệm trên cho cha mẹ vào ngày 1/6/2016 là việc bình thường", ông Phước nêu trong đơn giải trình.
Kết quả, Cơ quan điều tra khẳng định không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.