Vào ngày 11/11, anh Minh (sống tại Hà Nội) đã đặt mua một chiếc iPhone 7 32GB tại trang thương mại điện tử Lazada.vn. Chiếc máy này được Lazada mô tả là "Hãng phân phối chính thức", do chính Lazada bán và giao hàng chứ không qua một đơn vị thứ ba nào. Mức giá của nó là 17.49 triệu đồng và sau khi trừ khuyến mãi là 17 triệu đồng. So sánh với các nhà phân phối lớn như FPT Shop, Thế Giới Di Động... mức giá này rẻ hơn khoảng 1.5-1.8 triệu đồng.
Chiếc iPhone 7 "Hàng phân phối chính thức" được mua trên Lazada với giá 17 triệu đồng |
Đây là máy do chính tay Lazada bán và giao hàng. |
Tưởng rằng mua được món hời với giá rẻ, thế nhưng vào ngày hôm nay 14/11, khi nhận hàng thì anh này mới tá hỏa thấy chiếc iPhone 7 mình đặt mua không phải là hàng chính hãng VN/A, mà có mã ZP/A (Hong Kong/Singapore). Điểm khác biệt duy nhất giữa chiếc máy này với hàng xách tay là sự xuất hiện của tem ICT, với đơn vị nhập khẩu là Công ty TNHH iPad Shop Việt Nam, có địa chỉ nằm tại Thái Hà, Hà Nội.
Chiếc iPhone 7 mà anh Minh nhận được |
Máy có mã ZP/A, do "Công ty TNHH iPad Shop Việt Nam" nhập khẩu. |
Trong khi đơn hàng ghi rõ đây là Hàng phân phối chính thức. |
Ngay lập tức, anh Minh đã liên lạc với Lazada để được giải quyết. Tuy nhiên, Lazada vẫn chưa đưa ra câu trả lời cụ thể, mà chỉ hứa sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất. Mặc dù vậy, Lazada đã khẳng định khách hàng có quyền hoàn trả lại máy và nhận lại tiền nếu thấy không hài lòng.
Trong khi đó, khi liên lạc với iPad Shop, đại diện đơn vị này nói rằng đây là máy nhập khẩu chính hãng, nghĩa là đã qua khai báo với hải quan và nộp đầy đủ thuế. Trong trường hợp muốn bảo hành, khách hàng sẽ cần phải đến trực tiếp trụ sở tại Thái Hà mới được tiếp nhận. Điều này khiến anh Minh rất lo lắng do chiếc máy này anh mua tặng người thân, vốn không sinh sống tại Hà Nội.
"Mình đã mua rất nhiều máy iPhone 6 và 6s chính hãng trên Lazada cho gia đình, bạn bè. Lần nào cũng là máy VN/A được phân phối FPT, không có gì phải phàn nàn. Không hiểu sao lần này lại thế." - anh Minh chia sẻ.
Nếu xét về lý, chiếc máy của anh Minh có thể gọi là chính hãng do được Apple trực tiếp sản xuất và được nhập khẩu một cách hợp pháp vào Việt Nam. Xét về chất lượng, máy ZP/A gần như không khác gì so với VN/A ngoài những tiểu tiết như củ sạc, sách hướng dẫn sử dụng và vỏ hộp. Thậm chí, gần đây đã có một số thông tin cho biết một số mã iPhone 7 xách tay sẽ được bảo hành 1 đổi 1 như máy chính hãng.
iPhone 7 chính hãng (hình trên) không có nhiều khác biệt so với hàng xách tay, ngoài vỏ hộp, sách HDSD được Việt hóa và củ sạc hai chân. Thế nhưng, không ít người vẫn sẵn sàng bỏ ra thêm 2-3 triệu để có được cảm giác yên tâm tuyệt đối. |
Thế nhưng, khi nói đến cụm từ "hàng phân phối chính thức" như những gì Lazada đề cập, không ai nghĩ rằng họ sẽ nhận được một chiếc máy "xách tay đội lốt" thế này. Hiện máy iPhone 7 32GB xách tay trên thị trường có giá chỉ khoảng 16 triệu đồng, trong khi vẫn có thể nhận chế độ bảo hành 1 đổi 1. Như vậy, chiếc máy iPhone 7 của anh Minh tưởng rằng mua được với giá rẻ, hóa ra lại thành đắt.
"Máy này bóc seal ra, mất tem ICT là không còn bằng chứng gì chứng minh đây là hàng chính hãng. Sau này nếu có bán đi thì cũng chỉ bằng máy xách tay, trong khi giá lúc mua thì đắt hơn hẳn". Sau vụ việc này, anh Minh đã yêu cầu hoàn tiền và quyết định ra trực tiếp cửa hàng để mua máy.
Chính vì sự sai lệch trong định nghĩa "hàng chính hãng" và "hàng phân phối chính thức" của mỗi đơn vị bán lẻ, người mua cần hết sức cẩn trọng khi mua iPhone, đặc biệt là qua các giao dịch trực tuyến. Trước khi mua hàng, cần xác định rõ xem chiếc máy mình định mua có mã là gì, do ai nhập khẩu, chế độ bảo hành ra sao để tránh những hiểu lầm không đáng có.