Tuy nhiên, sự bùng nổ của nhiều phương thức giao dịch TMĐT trong thời gian qua đã đặt ra những thách thức mới, không nhỏ đối với các cơ quan quản lý Nhà nước trong đó có cơ quan thuế. Trước bối cảnh này, đầu tháng 10/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế với hoạt động TMĐT và kinh doanh trên nền tảng số.
Nhiều giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử. Ảnh: Hải Linh
Thu hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế từ nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) Đặng Ngọc Minh cho biết, từ ngày 21/3, Tổng cục Thuế đã mở Cổng kê khai thuế điện tử cho nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài để khai thay, nộp thay cho các cá nhân tại Việt Nam có khoản doanh thu phát sinh từ các nhà cung cấp này. Đến nay, đã có 36 nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đăng ký kê khai và nộp thuế trên cổng thông tin này. Cùng với đó, Tập đoàn Apple cũng đã chính thức thực hiện kê khai và nộp thuế qua cổng thông tin cho nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài này.
Như vậy, sau những khó khăn trong quản lý thuế thương mại điện tử, cơ quan thuế đã bước đầu có những phương pháp khai và thu thuế bước đầu hiệu quả với hình thức kinh doanh mới này.
Thời gian qua, nhiều biện pháp cải cách, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, thực hiện kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, triển khai hóa đơn điện tử đã được thực hiện và mang lại nhiều kết quả tích cực. Việt Nam là 1 trong 4 nước đi đầu trong khu vực ASEAN triển khai thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua cổng thông tin điện tử trực tuyến.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, thực tế, việc quy định trách nhiệm khai thay, nộp thay thuế không phải vấn đề mới. Nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài có trả thu nhập cho cá nhân Việt Nam cũng phải kê khai thay, nộp thay.
“Vì thế, không có lý do gì các DN trong nước không thực hiện. Với số lượng cá nhân, hộ kinh doanh trên sàn rất lớn, nếu yêu cầu các cá nhân, hộ kinh doanh này tự kê khai và nộp thuế sẽ tiêu tốn nguồn lực rất lớn. Do đó, việc các sàn thương mại điện tử (có dịch vụ đặt hàng trực tuyến) thực hiện kê khai thay và nộp thay sẽ tiết kiệm được nguồn lực cho toàn xã hội”- ông Minh nhấn mạnh.
Qua triển khai các giải pháp nêu trên, ngành thuế đã đạt được một số kết quả nhất định. Cơ bản người nộp thuế là cá nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT đã có ý thức tự giác kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật. Một số sàn giao dịch TMĐT đã có sự phối hợp tốt trong việc triển khai cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý thuế. Cơ quan thuế đã tăng cường quản lý thuế và đưa vào diện quản lý thuế đối với rất nhiều các cá nhân, tổ chức có kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT để tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện theo quy định của pháp luật.
Người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa thông qua sàn thương mại điện tử
Còn nhiều thách thức
Dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, công tác quản lý thuế TMĐT vẫn đứng trước rất nhiều thách thức. Theo xu hướng phát triển TMĐT sẽ có sự chuyển dịch doanh thu từ các giao dịch giữa DN đến người tiêu dùng, sang các giao dịch giữa các cá nhân với nhau.
Thực tế hiện nay có nhiều DN đang sử dụng các phương thức giao dịch TMĐT để giảm thiểu các khâu trung gian, giảm chi phí và tăng tốc độ lưu thông hàng hóa, đồng thời cũng ngày càng nhiều cá nhân sử dụng các mạng xã hội, các trang TMĐT để cung cấp hàng hóa, dịch vụ đến người tiêu dùng.
Thông tin từ Tổng cục Thuế, đầu năm 2022 đến nay, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài như: Facebook, Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple... nộp khoảng 1.000 tỷ đồng tiền thuế |
Chính sự phát triển nhanh chóng, bùng nổ cùng nhiều hình thức mới nêu trên của TMĐT trong thời gian qua đã đặt ra những thách thức mới, không nhỏ đối với các cơ quan quản lý Nhà nước trong đó có cơ quan thuế. Đó là những khó khăn trong quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế; khó khăn trong việc xác định được căn cứ tính thuế. Khó phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế. Trong nền kinh tế số rất khó phân biệt một số loại thu nhập, đặc biệt là bản quyền, phí dịch vụ và lợi nhuận kinh doanh.
Ngoài ra, việc khó kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, một đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên 1 sàn giao dịch TMĐT, và cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch TMĐT, cùng lúc trên nhiều trang mạng xã hội cũng là một thách thức. Việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng khi mà hệ thống thanh toán theo hình thức COD (trả tiền mặt khi giao hàng) được áp dụng phổ biến hơn các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số. Thủ tướng yêu cầu, Bộ Tài chính chủ trì, khẩn trương phối hợp với các Bộ, cơ quan triển khai đồng bộ các giải pháp hoàn thiện thể chế quản lý thuế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mới phát sinh trong nền kinh tế, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, sản xuất thông minh, giao dịch xuyên biên giới…
Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế là cá nhân kinh doanh thương mại điện tử kê khai, nộp thuế theo quy định; phối hợp, hướng dẫn các nhà cung cấp nước ngoài tuân thủ pháp luật khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với TMĐT, áp dụng các công nghệ hiện đại, phương pháp quản lý rủi ro đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số. Tiếp tục phối hợp, trao đổi, kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, cơ quan liên quan; hoàn thiện việc sửa đổi chính sách, pháp luật để tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh xuyên biên giới.
Ngoài ra, nhiều yêu cầu khác để nâng cao hiệu quả quản lý thuế cũng được Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đơn vị thực hiện. Với sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo cũng như triển khai, việc tăng thu ngân sách tại các “mỏ vàng” mới như TMĐT, các hình thức kinh doanh số… sẽ ngày càng hiệu quả, góp phần tăng thu ngân sách, phục vụ các hoạt động đầu tư lại phát triển nền kinh tế.
Hiện, Tổng cục Thuế đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Trong đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về thuế để tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu sàn TMĐT trong việc khai thuế, nộp thuế thay cho người bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến và cung cấp thông tin cho cơ quan thuế bằng phương thức điện tử. |