Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng ngày 7-7 đã ban hành các văn bản điều chỉnh giảm lãi suất. Đáng chú ý đây là lần đầu tiên kể từ tháng 3-2014, NHNN mới điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành.
Tín hiệu tốt với doanh nghiệp
Cụ thể, từ hôm nay (10-7) sẽ giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành gồm: Lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng.
Như vậy, từ hôm nay, lãi suất tái cấp vốn sẽ giảm từ 6,5%/năm xuống 6,25%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,5%/năm xuống 4,25%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,5%/năm xuống còn 7,25%/năm.
Bên cạnh đó, NHNN cũng quyết định giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Đó là các cá nhân, doanh nghiệp (DN) vay tiền để phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ; DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao...
Điều này cũng đồng nghĩa những khách hàng thuộc diện trên khi vay sẽ được giảm từ mức lãi suất hiện hành là 7%/năm xuống còn 6,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng Việt Nam đồng của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với nhu cầu vốn này giảm từ 8%/năm xuống còn 7,5%/năm.
Giảm lãi suất sẽ kích hoạt nhu cầu vay mượn của các cá nhân, doanh nghiệp. Ảnh: TL
Nhiều chuyên gia, DN cho rằng việc NHNN giảm lãi suất điều hành lần này là một tín hiệu tốt đối với DN, nền kinh tế. Đặc biệt là trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn, trong khi gánh nặng chi phí, nhất là chi phí vốn vay ngân hàng còn cao như hiện nay.
TS Trần Hoàng Ngân, chuyên gia tài chính ngân hàng, bình luận: “Việc NHNN cắt giảm lãi suất điều hành cho thấy chính sách đã đi là đúng. Tín hiệu giảm lãi suất lần này cũng chỉ ra thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện và ổn định sau những sóng gió về nợ xấu, hậu sáp nhập, tình hình tái cơ cấu ngân hàng… Điều này sẽ mang lại niềm tin cho thị trường và đó là điều quan trọng nhất”.
Cũng theo ông Ngân, việc hạ lãi suất sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa các DN nhà nước thuận lợi hơn. Bởi lãi suất giảm sẽ hỗ trợ cho thị trường chứng khoán, tài chính đi lên, qua đó giúp cổ phần hóa nhanh hơn và sớm hoàn thành mục tiêu đề ra.
Tán đồng với quan điểm này, một số chuyên gia khác cũng nhìn nhận động thái giảm lãi suất điều hành sẽ giúp hỗ trợ giảm chi phí cho các ngân hàng, DN liên quan. Đơn giản là khi nguồn cung vốn từ NHNN với giá rẻ hơn so với trước đây thì các ngân hàng thương mại sẽ có cơ hội để đẩy mạnh cho vay với lãi suất cho vay thấp hơn, tức giảm gánh nặng cho người vay.
Sẽ giảm lãi suất cho vay
Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB Võ Tấn Hoàng Văn nói một khi lãi suất đầu vào (lãi suất điều hành) giảm thì lãi suất đầu ra cũng sẽ giảm theo. Cụ thể, trong khoảng hai tuần tới SCB sẽ giảm lãi suất cho vay tối đa là 0,5%/năm đối với các hợp đồng cho vay mới thuộc các lĩnh vực ưu tiên cũng như các DN vừa và nhỏ.
“Với mức lãi suất cho vay hiện ở mức khoảng 10%/năm, tới đây khi giảm thêm 0,5%/năm thì cũng đem lại cho khách hàng một khoản tiết kiệm đáng kể” - ông Văn nói thêm.
Một số ngân hàng khác cho hay sẽ giảm lãi suất cho vay trong những ngày tới nhằm chia sẻ khó khăn đối với khách hàng. Tuy nhiên, giảm cụ thể bao nhiêu còn phụ thuộc vào việc cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản; phụ thuộc vào các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có cơ sở giảm lãi suất cho vay.
Dưới góc độ DN, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, nhận xét mức giảm lãi suất 0,5%/năm tuy chưa phải là nhiều nhưng đây là dấu hiệu tích cực cho thị trường, tác động đáng kể đến doanh thu, lợi nhuận của các DN. Bởi thực tế cho thấy phần lớn DN đều phải đi vay, lớn thì vay nhiều và gánh nặng trả lãi lớn; DN nhỏ vay ít nhưng áp lực trả lãi cũng không nhỏ.
Ví dụ, nếu một đại gia đang vay các ngân hàng cả chục ngàn tỉ đồng, khi lãi suất vay giảm 0,5%/năm thì chi phí lãi vay sẽ bớt đi hàng chục tỉ đồng.
Tuy đánh giá động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN là tích cực bởi nếu lãi suất cao như hiện nay thì nhiều người dân, DN dù có nhu cầu cũng không dám vay. Nhưng nhiều DN, chuyên gia cũng đề nghị ngoài biện pháp trên, NHNN cần điều chỉnh tỉ giá VND/USD một cách hài hòa để hỗ trợ xuất khẩu và giảm nhập khẩu. Đặc biệt cần kiểm soát để tránh tình trạng tín dụng tăng trưởng nóng, kéo theo nhiều hệ lụy như lạm phát gia tăng.
Giảm lãi suất chưa đủ
Ông Lý Thành Sinh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May thêu Minh Long Hưng, cho rằng đối với những DN lớn, vay hàng trăm tỉ đồng để đầu tư thì giảm lãi suất 0,5%/năm là một mức giảm đáng kể, tiết kiệm được khoản tiền lớn. Đối với các đơn vị, cá nhân vay ít thì mức giảm trên “chẳng thấm tháp gì”. Chẳng hạn, với khoản vay 10 tỉ đồng thì tiền lãi chỉ giảm được 36 triệu đồng/năm.
Mặt khác, vấn đề không chỉ là giảm lãi suất mà quan trọng là làm sao để DN có thể tiếp cận vốn ngân hàng. Bởi có một thực tế là vay tiền mua nhà, đất, ô tô thì dễ nhưng vay tiền mua cái máy để in, thêu… không đơn giản. Trong khi đó máy móc mới là phương tiện để DN giải quyết bài toán về giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh. Đó là chưa kể thời gian cho vay để sản xuất, kinh doanh rất nghiệt ngã, dài lắm thì được vay chín tháng, còn bình thường thì chỉ được sáu tháng. Nhiều khi khoản vốn vay chưa tạo ra hàng hóa sản phẩm đã phải lo đáo hạn.
“Nhiều lúc không thể vay được từ ngân hàng nên chúng tôi phải vay bên ngoài với mức lãi suất lên đến 3%/tháng, có khi phải vay nóng 4%-5%/tháng. Mà phải có uy tín mới vay được, chứ không thì đừng nằm mơ. Do vậy cái mà DN nhỏ như chúng tôi cần ở các ngân hàng là tạo điều kiện vay dễ dàng hơn” - ông Sinh chia sẻ.
Theo NHNN, hiện nay mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 6%-7%/năm; vay trung dài hạn 9%-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ở mức 6,8%-9%/năm đối với ngắn hạn; 9%-11%/năm đối với trung và dài hạn.