“Cơ hội tự thân nó không biến thành lợi ích, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) đòi hỏi Việt Nam cải cách mạnh mẽ khu vực kinh tế Nhà nước, môi trường kinh doanh. Thực tế đây là hai yếu tố yếu nhất của Việt Nam, nó là trở ngại, ngáng đường Việt Nam hội nhập hoàn toàn với thế giới”.
Đây là khẳng định của ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại Việt Nam tại Hội thảo "Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, cơ hội cho doanh nghiệp" do Bộ Công Thương phối hợp với dự án hỗ trợ Thương mại và đầu tư châu Âu (EU-Mutrap) tổ chức vừa qua.
Hiệp định thương mại tự do (FTA) là hiệp định thế hệ mới, toàn diện và cơ chế mở cửa rất nhanh. Bảy năm sau khi tham gia sẽ có 99% hàng hóa Việt Nam vào EU được xóa bỏ thuế quan.
Tham gia FTA vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với Việt Nam |
Theo ông Tuyển, cơ hội của doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong FTA Việt Nam – Eu đang rất lớn và có thể lớn nhất trong các hiệp định FTA gần đây. EU đang là nền kinh tế lớn nhất thế giới với GDP là 18.000 tỷ USD/năm, FTA Việt Nam - EU là 1 hiệp định thế hệ mới, toàn diện và cơ chế mở cửa rất nhanh. Đây là nền kinh tế đa dạng, bên cạnh những nước phát triển cao như Anh, Đức, Pháp… thì có một số nước Đông Âu mới gia nhập trình độ phát triển chưa cao, do đó yêu cầu rất đa dạng. Chính vì thế, đây là cơ hội lớn cho hàng Việt.
Trong khi đó, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết hiện 60% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam phụ thuộc các nước Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và ASEAN. Trong đó nhập khẩu đang trên 70%, đặc biệt nhập khẩu từ Trung Quốc không ngừng tăng cả về lượng và giá trị.
“Sự phụ thuộc thương mại và nhập khẩu như vậy sẽ khó cho Việt Nam cải cách thương mại và đổi mới công nghệ. Nếu các nền kinh tế như Trung Quốc có vấn đề gì thì Việt Nam sẽ chịu tác động ghê gớm. Ví dụ năm 1997 Khủng hoảng tài chính Châu Á đã tác động nặng nề đến nền kinh tế Thái Lan, đây là bài học cho Việt Nam. Do đó, hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam mở rộng thị trường” - ông Khánh nói.
Xung quanh quan ngại về việc Việt Nam đã và đang tham gia quá nhiều FTA song tận dụng được lợi ích thì rất hạn chế, ông Trần Quốc Khánh khẳng định: "Tham gia nhiều FTA, Việt Nam không chỉ muốn gia tăng xuất khẩu cơ học mà về lâu dài FTA giúp kinh tế Việt Nam giảm bớt các rủi ro”.
Về thách thức hội nhập đối với việc cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và môi trường kinh doanh, ông Khánh cho rằng: Có hai thách thức là làm sao để Việt Nam tận dụng cơ hội mà thị trường EU mang lại và tăng cường khả năng cải thiện chất lượng điều hành của Nhà nước về mặt kinh tế.
“Để tận dụng các cơ hội và vượt qua các thách thức hội nhập, các DN việt nên tiếp cận chủ động hơn. Thời gian vừa qua, dường như DN Việt Nam vẫn chờ đợi khách hàng từ EU sang và bán sản phẩm cho họ. Chúng tôi mong các DN, các cá nhân Việt Nam hãy sang Châu Âu để tiếp cận hệ thống phân phối, tiếp cận người dân để hiểu thị trường và thị hiếu của người dân. Đây là lợi ích trực tiếp của DN và hàng Việt Nam”, ông Khánh băn khoăn.
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia khẳng định: FTA mang lại cả cơ hội và thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là mở cửa thị trường và áp đặt các tiêu chuẩn của các nước phát triển vào Việt Nam. Không có một FTA nào cho không cả, có cả cơ hội, cả khó khăn...
Ông Mauro Petriccione, Trưởng Đoàn đàm phán Hiệp định EVFTA của EU cho rằng: "FTA Việt Nam – EU là hiệp định thế hệ mới ràng buộc nhiều điều khoản về DNNN và khu vực Nhà nước. Lo ngại lớn nhất và cũng là tiêu chí mà các nhà đầu tư EU đặt yêu cầu lớn nhất cho Việt Nam đó là Nhà nước sẽ không hỗ trợ DNNN quá mức cần thiết, cho dù có hiệu quả hay không. Các DNNN đặt trong môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn. Đây sẽ là công việc mà Việt Nam cần làm nhiều và thách thức lớn của Việt Nam thời gian tới”.