Theo số liệu mới nhất của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), lượng hạt tiêu xuất khẩu trong tháng 8/2021 đạt xấp xỉ 17.000 tấn - mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021, trị giá 63,13 triệu USD, giảm 35,8% về lượng và giảm 33,6% về trị giá so với tháng 7/2021.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu ước đạt trên 197.000 tấn, trị giá 654,6 triệu USD, giảm 2,3% về lượng, nhưng tăng 47,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Ảnh minh họa. Ảnh: Trình Nhị
Mặc dù lượng bán hàng giảm tháng thứ 3 liên tiếp nhưng giá tiêu xuất khẩu lại cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Cụ thể, giá tiêu xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong tháng 8/2021 đạt 3.736 USD/tấn - mức cao nhất kể từ tháng 1/2018, tăng 3,4% so với tháng 7/2021 và tăng mạnh 49,4% so với tháng 8/2020.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, giá tiêu xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt 3.321 USD/ tấn, tăng 51,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Giá tiêu xuất khẩu tăng mạnh đã đóng góp rất lớn vào mức tăng chung của toàn ngành hạt tiêu Việt Nam. Đây được coi là tín hiệu rất tích cực trong bối cảnh giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản khác giảm.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn trong thời gian tới.
Theo đó, xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường chính có xu hướng chậm lại hoặc giảm mạnh.
Hiện lượng hạt tiêu còn lại trong dân không nhiều, trong khi doanh nghiệp xuất khẩu cũng không mấy mặn mà do giá cước phí vận chuyển tăng "phi mã" và các biện pháp phòng chống dịch bệnh rất nghiêm ngặt.
Bộ Công Thương cho biết theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), chi phí logistics tăng cao, hồ tiêu Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất đi các thị trường nhập khẩu lớn.
Theo thông tin của VPA, thời gian gần đây, Mỹ và EU đã chuyển hướng qua mua tiêu từ Brazil vì chất lượng tiêu không quá chênh lệch so với tiêu Việt Nam và quan trọng nhất là chi phí vận chuyển từ Brazil tới Mỹ chỉ bằng 1/3 từ Việt Nam và từ Brazil tới EU chỉ bằng 1/10 so với từ Việt Nam.
Với tình hình cước tăng liên tục và không có chiều hướng giảm như hiện nay ngành hàng hồ tiêu Việt Nam sẽ mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh ở các thị trường Mỹ. VPA khẳng định: Nguy cơ đánh mất thị trường trọng điểm vào tay đối thủ cạnh tranh là rất lớn.
Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải chấp nhận tất cả rủi ro nhằm cố gắng giữ chân hai thị trường quan trọng này bằng cách cố gắng hạ tối đa lợi nhuận, thậm chí chấp nhận lỗ để giữ chân khách hàng.
Tuy nhiên, việc tăng giá cước phi mã, không có chiều hướng giảm thế này khiến các doanh nghiệp khó có thể trụ thêm được.
Đặc biệt hai năm vừa qua, tác động của dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã khiến không ít doanh nghiệp kiệt quệ, trong khi đó hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính yếu, nguy cơ phải phá sản, giải thể doanh nghiệp là rất cao.