Giá vàng thế giới hôm nay 1/6/2023, tính đến 16 giờ 05 phút (giờ Việt Nam) đang giao dịch quanh ngưỡng 1.957 USD/ounce, giảm 10 USD/ounce so với đầu giờ sáng nay.
Giá vàng thế giới và trong nước chiều 1/6 đồng loạt giảm. Ảnh: SJC
Giá vàng trên thị trường quốc tế tiếp tục giảm trước những tiến triển trong đàm phán nâng trần nợ của Mỹ. Bên cạnh đó, những đồn đoán về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục tăng lãi suất đã củng cố đà tăng cho đồng USD và gây sức ép lên giá kim loại quý này.
Chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát của Fed vẫn đang là một vấn đề gây lo ngại đối với giới đầu tư. Số liệu công bố ngày 30/5 cho thấy, niềm tin tiêu dùng của người Mỹ trong tháng 5 tăng mạnh hơn dự báo, và điều này có thể làm dấy lên đồn đoán rằng, Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất.
Chiến lược gia trưởng Ole Hansen của Saxo Bank nói rằng, việc điều chỉnh kỳ vọng về đường đi lãi suất của Fed đang duy trì áp lực mất giá đối với vàng. Các nhà giao dịch đang đặt cược nghiêng về khả năng Fed tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 6, thay vì giữ nguyên lãi suất như đặt cược trước đó.
Theo Kitco News, khảo sát về dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương năm 2023 của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy, các ngân hàng trung ương vẫn rất quan tâm đến việc tăng dự trữ vàng.
Cụ thể, cuộc khảo sát thăm dò 59 ngân hàng trung ương từ ngày 7/2 đến ngày 7/4 cho thấy sau sức mua đạt kỷ lục vào năm ngoái, sang tới năm nay, vàng vẫn tiếp tục được nhiều quốc gia coi là tài sản dự trữ lý tưởng.
Trong đó, có 24% ngân hàng trung ương có kế hoạch mua thêm kim loại quý trong vòng 12 tháng tới.
Những lo ngại về thị trường tài chính, kế hoạch mua vàng sản xuất trong nước và tái cân bằng danh mục đầu tư đang thúc đẩy việc mua thêm kim loại quý từ các ngân hàng trung ương.
WGC lưu ý, kết quả trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị đang diễn ra khi xung đột quân sự Nga-Ukraine chưa dừng lại, sự sụt giảm kinh tế vĩ mô kéo theo lạm phát kéo dài, chính sách tiền tệ thắt chặt vẫn tiếp diễn tại các quốc gia có nền kinh tế lớn. Thêm vào đó là cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng ở Mỹ và châu Âu xảy ra vào đầu năm 2023.
Cuộc khảo sát cũng chỉ ra hiện có sự khác biệt gia tăng trong cách nắm giữ vàng của thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển (EMDE) so với các nền kinh tế tiên tiến.
Khi được hỏi về tỷ trọng tương lai của vàng trong dự trữ toàn cầu, 68% ngân hàng trung ương thuộc EMDE cho rằng sẽ tăng, nhưng chỉ có 38% số ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế tiên tiến đồng ý với điều này. Thậm chí, tỷ lệ nhỏ các ngân hàng trung ương thuộc EMDE còn dự báo tỷ lệ dự trữ vàng sẽ tăng trên 25%.
Các nước EMDE hiện coi vàng là tài sản đóng vai trò chiến lược trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và bày tỏ sự quan tâm lớn đến kế hoạch mua vàng sản xuất trong nước.
Trên thị trường trong nước, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn chi nhánh Hà Nội hiện tại đang niêm yết vàng SJC ở mức: 66.400 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,020 triệu đồng/lượng (bán ra).
Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,400 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,000 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng SJC giao dịch lẻ của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức giá 66,420 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,980 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty Phú Quý niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 66,400 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,000 triệu đồng/lượng (bán ra).