Vàng nhẫn tiếp tục lao dốc
Giá vàng trong nước tiếp đà giảm mạnh, với vàng miếng giảm 1,9 triệu đồng chiều mua và 1,4 triệu đồng chiều bán. Cùng chiều, giá vàng nhẫn giảm mạnh nhất 2,4 triệu đồng. Hiện tại, giá vàng các thương hiệu đang được niêm yết cụ thể như sau:
Giá vàng miếng được các công ty vàng bạc đá quý bán ra ở mức 85,2 triệu đồng/lượng. Ở chiều mua, giá vàng hầu hết các thương hiệu được niêm yết ở mức 82,7 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, vàng Bảo Tín Minh Châu và Phú Quý SJC đang mua vào và bán ra cao hơn 100.000 đồng so với các thương hiệu khác.
Đối với vàng nhẫn, giá vàng SJC 9999 niêm yết ở mức 82,1 triệu đồng/lượng mua vào và 84,2 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 1,9 triệu đồng chiều mua và 2,3 triệu đồng chiều bán.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
DOJI tại thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh điều chỉnh giảm 2 triệu đồng giá mua và 1,4 triệu đồng giá bán, xuống lần lượt 82,3 triệu đồng/lượng và 84,4 triệu đồng/lượng.
Giá mua và giá bán vàng nhẫn thương hiệu PNJ niêm yết ở mức 82,7 triệu đồng/lượng mua vào và 84,4 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 1,7 triệu đồng chiều mua và 2,4 triệu đồng chiều bán.
Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá nhẫn tròn trơn ở mức 82,23 triệu đồng/lượng mua vào và 84,43 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 2,35 triệu đồng giá mua và 1,55 triệu đồng giá bán so với rạng sáng qua.
Phú Quý SJC đang thu mua vàng nhẫn ở mức 82,2 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 84,5 triệu đồng/lượng, giảm lần lượt 2,1 triệu đồng và 1,2 triệu đồng.
Giá vàng thế giới
Theo Kitco, giá vàng thế giới ghi nhận lúc 5 giờ hôm nay theo giờ Việt Nam giao ngay ở mức 2,633.03 USD/ounce. Giá vàng hôm nay tăng 0,26% so với hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá USD trên thị trường tự do (25,709 VNĐ) , vàng thế giới có giá khoảng 81,6 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Như vậy, giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng quốc tế là 3,6 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới hôm nay đã rơi vào tình trạng giằng co, giảm xuống mức thấp nhất trong một tuần do nhu cầu trú ẩn an toàn giảm xuống khi Israel đồng ý thỏa thuận ngừng bắn với Lebanon, trong khi lo ngại về Ukraine và kế hoạch áp thuế của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump đã hạn chế đà giảm.
Sự kiện này diễn ra sau đợt giảm mạnh 100 USD vào hôm qua, khi vàng giảm từ mức cao nhất trong ba tuần. Đợt bán tháo được thúc đẩy bởi sự lạc quan về lệnh ngừng bắn của Israel và Hezbollah và thêm áp lực từ việc Trump đề cử Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính, điều này đã làm giảm nhu cầu về vàng như một nơi trú ẩn an toàn. Nội các an ninh của Israel đã nhất trí về một thỏa thuận ngừng bắn với Lebanon, Kênh 12 đưa tin vào hôm nay.
Peter Grant, phó chủ tịch kiêm chiến lược gia kim loại cấp cao tại Zaner Metals, cho biết: "Có lẽ mọi người đều nhận ra rằng lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah chỉ làm giảm bớt phần nào những rủi ro địa chính trị nói chung, chắc chắn là có sự lạc quan ở đây".
Tuy nhiên, Grant cho biết mối lo ngại về hậu quả rộng lớn hơn từ cuộc xâm lược Ukraine của Nga vẫn tiếp tục ở mức rất cao và nói thêm rằng giá vàng có thể sẽ trải qua giai đoạn điều chỉnh không ổn định trong thời gian tới, dao động trong khoảng 2.575 - 2.750 USD.
Theo Lukman Otunuga, Giám đốc phân tích thị trường tại FXTM, tâm lý ôn hòa từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và tăng trưởng toàn cầu chậm lại sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng trong thời gian tới. Ông nhận định, khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng tới đã tăng lên mức 55,9%, điều này sẽ làm giảm lợi suất trái phiếu và cải thiện sức hấp dẫn của vàng.
Darin Newsom từ Barchart dự báo rằng, mặc dù giá vàng có thể điều chỉnh giảm trong ngắn hạn, xu hướng tăng giá sẽ tiếp tục trong dài hạn. Các chuyên gia tại CPM Group thậm chí dự đoán giá vàng có thể đạt 2.730 USD/ounce trong hai tuần tới, nhờ vào các yếu tố địa chính trị và kinh tế.
Marc Chandler, Giám đốc Bannockburn Global Forex, nhận định giá vàng có thể chạm mức 3.000 USD/ounce vào năm 2025, đặc biệt nếu các chính sách thuế quan của chính quyền Trump gây ra lạm phát cao hơn.
Dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới cho thấy, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu tiếp tục mua vàng nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Xu hướng này được thúc đẩy bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga, đặc biệt sau năm 2022, khi đồng bạc xanh mất dần sức hấp dẫn trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng.