Giá nông sản ngày 8/12: Cà phê quay đầu tăng mạnh
Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 60.000 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 59.900 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 60.900 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 60.800 đồng/kg.
Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 60.800 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 60.700 đồng/kg.
Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê lần lượt đạt mức 60.900 đồng/kg, 60.800 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 60.800 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê hôm nay đang dao động trong khoảng từ 59.900 - 60.900 đồng/kg.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 1/2024 tăng 25 USD/tấn, ở mức 2.589 USD/tấn, giao tháng 3/2024 tăng 29 USD/tấn, ở mức 2.541 USD/tấn. Trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 3/2024 tăng 2,25 cent/lb, ở mức 177,5 cent/lb, giao tháng 5/2024 tăng 2,1 cent/lb, ở mức 177,65 cent/lb.
Ảnh minh họa. Ảnh: Phi Đỗ
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN & PTNT), cả nước hiện có khoảng 710.000 ha cà phê, trong đó đang cho thu hoạch 653.000ha. Sản lượng 1,845 triệu tấn, năng suất 2,82 tấn/ha. Riêng tại các tỉnh Tây Nguyên, cà phê là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế các tỉnh khu vực này. Đây cũng là vùng chuyên canh cà phê lớn nhất nước, chiếm trên 95% diện tích với hơn 500.000ha cà phê đang bước vào vụ thu hoạch, thu hái liên tục đến giữa tháng 1/2024.
Thời điểm này, hàng chục nghìn lao động tự do từ khắp các tỉnh cả 3 miền Bắc - Trung - Nam đổ lên Tây Nguyên làm công thu hái cà phê thuê. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng xấu trà trộn vào dòng người đi hái cà phê nhằm tìm kiếm sơ hở của gia chủ để thực hiện hành vi trộm cắp cà phê.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức cảnh giác, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể thành viên, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm và phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc các thành phố, huyện, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực tăng cường lực lượng xuống cơ sở, phối hợp với công an các cấp đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, tập trung ở khu vực rẫy cà phê, rà soát nhân khẩu, đăng ký tạm trú nhằm nắm rõ nhân thân của từng lao động ở nơi khác đến địa phương làm thuê nhằm phòng ngừa tình trạng trộm cắp cà phê và các hành vi trộm cắp khác phát sinh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối tượng, băng nhóm...
Ông Nguyễn Tạ Tào (Di Linh - Lâm Đồng) cho biết, gia đình có 5ha cà phê. Giá cà phê năm nay cao so với những năm trước cũng khiến chúng tôi phải đối diện với nạn trộm cắp. Chính vì điều này mà từ khi cà phê bắt đầu già từ xanh sang chín, gia đình “ăn ngủ không yên”, luôn phải cắt cử người thường xuyên túc trực, ăn ngủ tại chòi để trông coi, bảo vệ rẫy cà phê nhằm ngăn ngừa kẻ xấu đột nhập vào hái trộm.
Cùng với nỗi lo bị trộm cà phê, niềm vui cà phê được mùa, được giá, người trồng cà phê ở Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng triển khai các giải pháp bảo vệ tài sản vụ cà phê năm nay.
Theo chị H’Lô Niê (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar), các vườn cà phê thường ở khu vực vắng vẻ, xa dân cư. Để chống trộm, một số chủ vườn dùng biện pháp “nghi binh”. Họ cho treo những tấm bảng nơi hàng rào với dòng chữ: “Có chó dữ, không được vào vườn”, “Vườn có bẫy sập, cấm vào”, “Vườn có gài điện, không được vào”… Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những biện pháp tình thế, hù dọa bọn trộm cướp chứ hiệu quả chẳng là bao.
“Vườn cà phê rộng mênh mông lấy người đâu mà đi canh giữ suốt ngày đêm. Rút kinh nghiệm những năm trước, năm nay các hộ gia đình có cà phê đã chủ động phối hợp với công an xã thành lập 3 - 4 chốt lưu động, mỗi chốt 3 - 5 người bảo vệ vườn cà phê, cứ tầm tối, gia đình nào có đàn ông, thanh niên phối hợp với mấy anh em công an đi tuần tra xuyên đêm. Bọn trộm cắp thấy vậy sợ không dám vào rẫy ăn cắp ăn trộm nữa, tình trạng mất trộm cà phê giảm hẳn”, chị H’Lô Niê chia sẻ.
Giá nông sản ngày 8/12: Hồ tiêu tiếp tục tăng 500 đồng/kg
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông giá tiêu hôm nay ở mức 75.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay đạt mức 76.000 đồng/kg.
Trong khi đó, tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức cao nhất toàn miền 76.500 đồng/kg.
Tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 74.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Gia Lai giá tiêu hôm nay đạt mức 74.000 đồng/kg.
Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay dao động trong khoảng 74.000 - 76.500 đồng/kg.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) cho biết giá tiêu Indonesia tiếp tục giảm; giá tiêu Brazil, Malaysia duy trì đi ngang.
Cụ thể, giá tiêu đen Lampung (Indonesia) đang giao dịch ở mức 3.973 USD/tấn, giảm 0,2% so với hôm qua; giá tiêu trắng (Indonesia) ở mức 6.170 USD/tấn, giảm 0,19% so với hôm qua.
Giá tiêu đen Brazil ASTA 570 cũng tiếp tục giữ nguyên ở mức 3.000 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn.
Trong khi đó, giá tiêu đen Việt Nam xuất khẩu giao dịch ở mức 3.700 USD/tấn với loại 500 g/l; Với loại 550 g/l mức 3.800 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 5.300 USD/tấn.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 10/2023, Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu đạt 19,4 nghìn tấn, trị giá 73,18 triệu USD, tăng 7,1% về lượng và tăng 8,4% về trị giá so với tháng 9/2023, tăng 11,6% về lượng và tăng 10,6% về trị giá so với tháng 10/2022.
Tính chung 10 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu đạt xấp xỉ 225,44 nghìn tấn, trị giá 755,63 triệu USD, giảm 9,7% về lượng và giảm 23,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Ghi nhận trong tháng 10/2023, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 3.772 USD/tấn, tăng 1,2% so với tháng 9/2023, nhưng giảm 0,8% so với tháng 10/2022.
Trong giai đoạn 10 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 3.352 USD/tấn, giảm 23,1% so với cùng kỳ năm 2022.