Giá nông sản ngày 24/8: Cà phê tiếp tục tăng
Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 64.300 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 64.200 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay ở mức 65.000 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (ĐắkLắk), Buôn Hồ (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 64.900 đồng/kg.
Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 64.400 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 64.300 đồng/kg.
Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê lần lượt đạt mức 65.200 đồng/kg, 65.100 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 64.400 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê hôm nay đang dao động trong khoảng từ 64.200 - 65.200 đồng/kg.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 9/2023 tăng 55 USD/tấn ở mức 2.628 USD/tấn, giao tháng 11/2023 tăng 28 USD/tấn, ở mức 2.402 USD/tấn.
Trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2023 tăng 3,85 cent/lb, ở mức 153,9 cent/lb, giao tháng 3/2024 tăng 3,55 cent/lb, ở mức 155,1 cent/lb.
Ảnh minh họa. Ảnh: Đàm Dưỡng
Hiện tại, giá cà phê trong nước và quốc tế đặc biệt giá cà phê Robusta đang tăng cao. Nguồn cung cà phê trên thế giới đang bị thu hẹp và sự dịch chuyển xu hướng tiêu dùng sang Robusta thay thế cho Arabica đang mở rộng triển vọng tăng trưởng về nhu cầu và kim ngạch xuất khẩu cà phê Robusta Việt Nam trên toàn cầu.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, Việt Nam sẽ tiếp tục là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới trong giai đoạn 2023 - 2033.
Nhìn lại tiến trình 10 năm qua (2012-2022), theo thống kê của Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA), sản lượng cà phê năm 2022 đạt 1,84 triệu tấn, tăng gần 21% so với 10 năm trước.
Năng suất sản xuất cà phê năm 2022 đạt mức cao nhất với 28,2 tạ/ha. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu cà phê Việt Nam tăng mạnh mẽ, từ hơn 3 tỷ USD vào năm 2012 lên mức 4,06 tỷ USD vào năm 2022, tăng hơn 35% sau 10 năm và dự kiến tiếp tục trong năm 2023.
Đáng chú ý, trong hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu cà phê Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ tại những quốc gia vốn là cường quốc cà phê thế giới như Italy, Đức, Pháp, Mỹ…
Không chỉ gia tăng giá trị xuất khẩu, lượng tiêu thụ cà phê nội địa Việt Nam cũng tăng trưởng tích cực, từ 0.5kg/người vào năm 2012 đã tăng gấp 4 lần lên trên 2kg/người vào năm 2022, chiếm >13% tổng sản lượng cà phê cả nước.
Giá nông sản ngày 24/8: Hồ tiêu cao nhất đạt 71.000 đồng/kg
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông giá tiêu hôm nay ở mức 69.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức cao nhất toàn miền 71.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 70.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Đồng Nai, Gia Lai giá tiêu hôm nay ở mức 68.000 đồng/kg.
Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay dao động trong khoảng 68.000 - 71.000 đồng/kg.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 4.252 USD/tấn; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 3.350 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn.
Giá tiêu trắng Muntok 6.621 USD/tấn; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn.
Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 3.500 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550 g/l mức 3.600 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 5.100 USD/tấn.
Tại thị trường Ấn Độ, cộng đồng nông dân trồng tiêu đang lo ngại rằng việc giá tiêu cao hơn ở thị trường nội địa có thể mở đường cho việc nhập khẩu nhiều hơn từ Sri Lanka. Cụ thể, giá tiêu trong nước hiện đang cao hơn giá nhập khẩu tối thiểu là 500 rupee/kg.
Theo ông Kishore Shamji, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hạt tiêu và Gia vị Ấn Độ (IPSTA), hiện tại đang có những lo ngại rằng hạt tiêu từ Brazil và Việt Nam có thể được nhập khẩu vào thị trường Ấn Độ thông qua thị trường Sri Lanka bằng cách trả mức thuế 8% do nhu cầu trong nước tăng cao, ước tính khoảng 85.000 tấn.
Ông Kishore Shamji cũng cho biết, nhu cầu đối với hạt tiêu đen trên các thị trường nước ngoài ghi nhận giảm, đặc biệt là ở Trung Quốc, Mỹ và Anh do tình hình suy thoái kinh tế.
Đồng thời, nền kinh tế Ấn Độ đang bùng nổ với nhu cầu ngày càng tăng, đặc biệt là từ các nhà sản xuất masala.
Đề cập đến việc sản xuất, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hạt tiêu và Gia vị Ấn Độ (IPSTA) cho rằng sự biến đổi khí hậu sẽ có tác động đến việc trồng tiêu ở các nước sản xuất bao gồm cả Ấn Độ, nơi đang được báo cáo có một vụ mùa thấp hơn trong mùa hiện tại. Ví dụ cụ thể là việc Brazil đã giảm số liệu sản xuất trong mùa này.
Song song đó, ông Mahesh Shashidhar, Chủ tịch Hiệp hội những người trồng cà phê tại Karnataka (KPA), nhận định rằng, mô hình mưa thất thường trong giai đoạn trước gió mùa và đầu gió mùa đã ảnh hưởng đến quá trình ra hoa của hồ tiêu và vụ mùa bị chậm lại trong vài tuần.
Ngoài ra, ông KK Vishwanath, Chủ tịch Hiệp hội các nhà trồng tiêu, cho biết: “Do nguồn cung khan hiếm, lượng tiêu nhập khẩu vào nước này có khả năng tăng lên. Nếu giá tiếp tục tăng, rất nhiều hạt tiêu từ các quốc gia sẽ tràn vào Ấn Độ, điển hình như Việt Nam, nhưng người trồng tiêu sẽ không được hưởng lợi từ việc này”.