Giá nông sản ngày 21/11: Cà phê cao nhất đạt 39.500 đồng/kg
Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 39.000 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 38.900 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay ở mức 39.500 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (ĐắkLắk), Buôn Hồ (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 39.400 đồng/kg.
Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 39.400 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 39.300 đồng/kg.
Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê lần lượt đạt mức 39.500 đồng/kg, 39.400 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 39.400 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê hôm nay đang dao động trong khoảng từ 38.900 - 39.500 đồng/kg.
Ảnh minh họa. Ảnh: Đàm Hậu
Trên thị trường thế giới, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 1/2023 ở mức 1.811 USD/tấn, giao tháng 3/2023 ở mức 1.787 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2022 ở mức 151,3 cent/lb, giao tháng 3/2023 ở mức 155,1 cent/lb.
Trong 4 nhóm cà phê chính, xuất khẩu cà phê arabica Brazil và arabica Colombia ghi nhận sự sụt giảm trong khi nhóm arabica khác và robusta lại tăng trong niên vụ 2021-2022.
Theo đó, xuất khẩu nhóm cà phê arabica Brazil đã giảm 4,3% so với vụ trước xuống còn 37,8 triệu bao. Sự sụt giảm này chủ yếu đến từ Brazil, nhà sản xuất và xuất khẩu arabica lớn nhất thế giới đã ghi nhận lượng cà phê nhân xanh xuất khẩu giảm 12,5% trong niên vụ vừa qua.
Brazil đã thu hoạch một vụ mùa nhỏ hơn do “trái vụ” cà phê arabica, trong khi xuất khẩu cũng gặp khó khăn do tình trạng thiếu container vận chuyển và cước phí tăng cao.
Xuất khẩu nhóm arabica Colombia cũng giảm 7,1% so với niên vụ trước xuống còn 12,14 triệu bao, mức thấp nhất kể từ năm 2015.
Colombia - nước xuất khẩu chính của chủng loại cà phê này chỉ xuất khẩu 10,8 triệu bao cà phê nhân xanh trong vụ vừa qua, thấp nhất kể từ năm 2014 do thời tiết bất lợi làm giảm nguồn cung.
Sản lượng cà phê của Colombia trong niên vụ 2021-2022 ước tính chỉ đạt 11,7 triệu bao, giảm tới 13% so với niên vụ trước đó.
Ở chiều ngược lại, khối lượng xuất khẩu của nhóm cà phê arabica khác tăng 1,3% trong niên vụ 2021-2022 lên 23,9 triệu bao. Khối lượng xuất khẩu kỷ lục của Peru và Nicaragua đã bù đắp cho sự sụt giảm của Honduras và Guatemala.
Xuất khẩu cà phê robustas cũng tăng 2,6% so với niên vụ trước lên mức 42,2 triệu bao. Việt Nam và Ấn Độ là hai nước xuất khẩu đạt mức tăng trưởng nổi bật trong niên vụ 2021-2022.
Trong đó, xuất khẩu cà phê nhân xanh của Việt Nam tăng 15,1% so với niên vụ trước lên 26,8 triệu bao, còn Ấn Độ tăng 26,1% lên 5 triệu bao. Ngược lại Burundi và Uganda là hai nước xuất khẩu giảm mạnh nhất, giảm 62,1% và 10% xuống còn 134.000 bao và 5,8 triệu bao.
Giá nông sản ngày 21/11: Tiêu cao nhất đạt 61.500 đồng/kg
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông giá tiêu hôm nay ở mức 59.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức cao nhất toàn miền 61.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 60.500 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Đồng Nai, Gia Lai giá tiêu hôm nay ở mức 58.000 đồng/kg.
Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay dao động trong khoảng 58.000 - 61.500 đồng/kg.
Trong buổi công bố kỷ yếu về sản xuất hồ tiêu bền vững, đánh giá trong thập kỷ qua của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, xuất khẩu tiêu của thế giới đã tăng đều đặn. Trong đó, năm 2017 chứng kiến mức tăng trưởng cao nhất là 31,2%.
Việt Nam vẫn đang là quốc gia đứng đầu về sản lượng hồ tiêu toàn cầu (chiếm 55 - 60%). Tiếp đến là Brazil và Indonesia. Trong đó, Brazil liên tục đóng góp khoảng 15 - 18% cho sản lượng hồ tiêu toàn cầu xuất khẩu trong 5 năm qua.
Trong khi đó, xuất khẩu hồ tiêu của Indonesia và Ấn Độ biến động theo hai chiều hướng trái ngược nhau. Sau khi tăng liên tục từ năm 2017 - 2020, lượng hạt tiêu xuất khẩu của Indonesia đã giảm vào năm 2021 và chiếm 10,5% sản lượng tiêu xuất khẩu toàn cầu.
Ngược lại, mặc dù được biết đến là nước tiêu thụ lớn thứ 3 với phần lớn sản lượng tiêu để đáp ứng nhu cầu trong nước, nhưng lượng tiêu xuất khẩu của Ấn Độ lại có sự gia tăng đáng kể.
Điều này là do một lượng lớn hồ tiêu được nhập khẩu để dùng cho mục đích chế biến và tái xuất. Năm 2021, Ấn Độ đóng góp 4,5% xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu, tăng 54,7% so với năm 2020.
Trong 5 năm trở lại đây, giá tiêu thế giới biến động theo xu hướng giảm. Năm 2015, giá FOB tiêu đạt đỉnh 10.000 USD/tấn đối với tiêu đen và 14.000 USD/tấn đối với tiêu trắng. Điều này đã dẫn đến việc mở rộng diện tích trồng tiêu ở hầu hết các nước.
Do sự bùng nổ về diện tích, ngành gia vị thế giới đã chứng kiến sự sụt giảm về giá tiêu trong giai đoạn 2019 đến đầu năm 2020, với mức giảm 4 - 5 lần so với năm 2016.