Giá nông sản ngày 17/11: Cà phê tiếp tục giảm 300 đồng/kg
Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 39.900 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 39.800 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay ở mức 40.800 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (ĐắkLắk), Buôn Hồ (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.700 đồng/kg.
Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 40.700 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 40.600 đồng/kg.
Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê được thu mua với mức tương ứng 40.700 đồng/kg, 40.600 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.700 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê hôm nay đang dao động trong khoảng từ 39.800 - 40.800 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê đồng loạt giảm trở lại. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 1/2022 được ghi nhận tại mức 2.237 USD/tấn sau khi giảm 1,19% (tương đương 27 USD).
Giá cà phê arabica giao tháng 12/2021 tại New York đạt mức 222,05 US cent/pound, giảm 0,31% (tương đương 0,70 US cent).
Giá nông sản ngày 17/11: Cà phê tiếp tục giảm 300 đồng/kg. Ảnh: Trần Hường
Mới đây, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết, hiện tỉnh này cần tới hơn 13 triệu công lao động trong vụ thu hoạch cà phê năm nay.
Cà phê là cây trồng chủ lực của Đắk Nông với tổng diện tích trên 130.000ha, trong đó diện tích cho thu hoạch vào khoảng 120.000ha, sản lượng năm 2021 ước đạt trên 330.000 tấn. Với giá bán bình quân 40.000 đồng/kg, tổng giá trị ước đạt trên 13.200 tỉ đồng.
Trong 2 tháng cao điểm thu hoạch cuối năm 2021, Đắk Nông cần trên 230.000 lao động. Trong khi lao động tại địa phương chỉ đáp ứng khoảng 50%, số nhân công còn lại phải thuê mướn từ các địa phương khác.
Tuy nhiên, hiện nay do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nên số lao động thu hoạch này rất hạn chế, dự báo sẽ thiếu hụt khoảng 115.000 lao động so với các năm trước.
Tại Đắk Lắk, thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết tỉnh này có hơn 200.000ha cà phê, với sản lượng gần 500.000 tấn. Với số lượng cà phê như trên, tỉnh này cần gần 15 triệu ngày công lao động để thu hái.
Hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum hiện cũng có hơn 114.000ha cà phê. Hằng năm lực lượng lao động tại chỗ cũng chỉ đáp ứng lần lượt khoảng 60% và 40%, còn lại là lao động thời vụ từ các tỉnh miền Trung đến.
Còn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 162.129ha cà phê, cho thu hoạch với năng suất bình quân đạt 3,2 tấn/ha, sản lượng ước đạt 518.603 tấn nhân. Dự kiến, lượng công cần thiết phục vụ cho nhu cầu thu hoạch cà phê niên vụ năm nay khoảng gần 8 triệu ngày công lao động. Hiện lao động tại chỗ chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu thực tế.
Anh Trịnh Văn Thuận (ngụ thôn Đồng Tiến, xã Đắk Nia, TP Gia Nghĩa) có 1,6ha cà phê. Năm nay do không tìm được người hái, anh chỉ tận dụng các thành viên trong nhà hái dần trong 2-3 tháng tới.
"Mọi năm có lao động ở các tỉnh miền Trung, miền Tây lên thì công hái không khó khăn lắm, giá hái khoán cũng chỉ 1.000 đồng/kg. Năm nay, giá hái phải 1.400 đồng/kg nhưng cũng không đủ người", anh Thuận nói.
Giá nông sản ngày 17/11: Tiêu trụ vững ở ngưỡng cao
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông, Đồng Nai giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 83.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai giá tiêu hôm nay đang ở mức 82.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu hôm nay ở mức cao nhất toàn miền 85.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay ở mức 84.000 đồng/kg.
Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay dao động trong khoảng từ 82.500 - 85.000 đồng/kg.
Hồ tiêu là một trong số những mặt hàng ít chịu ảnh hưởng từ tình hình tài chính, tiền tệ, tỷ giá USD, mà chủ yếu thị trường được điều chỉnh bởi yếu tố cung - cầu. Dự báo của Hiệp Hội Hồ tiêu Quốc Tế (IPC), năm 2021 sản lượng của Việt Nam giảm 8%, và dự kiến còn giảm trong năm tới do nhiều năm liền nông dân bỏ bê, không chăm sóc. Cùng với đó, tình hình thời tiết bất lợi giai đoạn vừa qua cũng làm năng suất giảm.
Bên cạnh đó, chi phí sản xuất tăng cao, giá nguyên liệu sản xuất như các loại phân bón tăng chóng mặt đang dẫn đến nhiều thách thức cho người dân trong việc chăm sóc cây tiêu. Điều này tạo cơ hội cho giá tiêu tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm nay cũng như đầu năm 2022.
Còn khoảng 3 tháng nữa là đến kỳ thu hoạch vụ tiêu mới, thông tin giá nguyên vật liệu, phân bón tăng cao khiến người nông dân "đứng ngồi không yên". Một số vùng trồng trọng điểm, người dân đang cắt giảm các đợt bón phân để hạn chế tiền đầu tư. Hy vọng rằng giá tiêu sẽ tăng để người dân yên tâm gắn bó với loại cây trồng này.