Giá hồ tiêu ngày 9/3 giảm mạnh
Theo khảo sát, giá hồ tiêu hôm nay biến động mạnh tất cả các địa phương. Cụ thể giá hồ tiêu hôm nay giảm tới 3.000 đồng ở tỉnh Gia Lai (Chư Sê) xuống 59.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Đồng Nai, giá hồ tiêu cũng giảm 2.000 đồng/kg từ 62.000 đồng xuống 60.000 đồng/kg.
Giá hồ tiêu hôm nay tại các tỉnh Đăk Lăk (Ea H'leo), Đăk Nông (Gia Nghĩa), Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước đồng loạt giảm 1.000 đồng/kg.
Như vậy, giá tiêu vẫn được thu mua trong khoảng 59.000 – 62.000 đồng/kg.
Trên thế giới, giá tiêu giao kỳ hạn trên sàn Kochi - Ấn Độ giảm 550 Rupee (tức giảm 1,38% – 1,40%). Lúc 09:25:13 theo giờ Việt Nam, giá tiêu các kỳ hạn 3,4,5 và 6/2018 giảm xuống còn 39.220 – 39.925 Rupee/tạ. Thị trường hồ tiêu chịu áp lực lớn vì hàng nhập khẩu từ Việt Nam và Sri Lanka đang ồ ạt về với giá chỉ 360 – 365 rupee/kg, trong đó, giá hồ tiêu Sri Lanka được giao bán với mức giá phổ biến 360 rupee/kg.
Giá cà phê hôm nay 9/3 quay đầu giảm 500 đồng/kg
Theo khảo sát, sau 2 phiên giao dịch tăng vọt, giá cà phê nguyên liệu hôm nay 9/3 bất ngờ quay đầu giảm mạnh. Cụ thể, tại các tỉnh như Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông giá cà phê hôm nay đều giảm mạnh 500 đồng/kg.
Còn tại Gia Lai giá cà phê hôm nay cũng báo giảm 300 đồng từ 37.500 đồng xuống 37.200 đồng/kg. Tại Kon Tum giá cà phê hôm nay giảm nhẹ 200 đồng xuống 37.000 đồng/kg.
Hiện giá cà phê Tây Nguyên được giao dịch ở mức 36.600 – 37.200 đồng/kg.
Nhiều nông hộ sau khi thấy giá tăng cũng rục rịch chuẩn bị bán ra nhưng giá cà phê giảm ngay lập tức khiến họ trở tay không kịp. Với mức giá như hiện nay, sau khi trừ công cán và phân bón, chẳng còn lãi đồng nào.
Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đánh giá: Việt Nam chủ yếu sản xuất, XK cà phê nhân, không đem lại giá trị gia tăng cao. Thế giới biết Việt Nam xuất khẩu cà phê, song thực tế không biết cà phê Việt Nam như thế nào. Một số nhãn hàng như Trung Nguyên, Nguyên Trang… đã tự đem cà phê xuất khẩu tới các thị trường quốc tế, song hầu hết thị trường cũng không mang tầm cạnh tranh đẳng cấp toàn cầu, thậm chí cà phê Việt Nam còn chưa tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo ông Lang, trong bối cảnh hiện tại, Chính phủ quan tâm hơn đến đẩy mạnh xuất khẩu hàng có thương hiệu, nâng giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu cũng như khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Trong năm 2018, Bộ Công Thương sẽ xây dựng chiến lược thương hiệu cà phê trong chiến lược xây dựng thương hiệu thực phẩm nói chung. Đây là giải pháp tốt cho phát triển ngành cà phê, giúp khắc phục tình trạng chủ yếu XK cà phê nhân.
Tại hội thảo “Tăng cường hợp tác cà phê Indonesia – Việt Nam” mới đây, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia nêu quan điểm: Ngoài Brazil, hiện nay Việt Nam, Indonesia, Colombia là những nước XK cà phê lớn hàng đầu thế giới. Để nâng cao giá trị cà phê, Việt Nam và Indonesia có thể đẩy mạnh kết hợp. Việt Nam có khả năng cung cấp một lượng cà phê lớn với chi phí sản xuất tương đối tốt. Hai bên có thể hỗ trợ, hợp tác thông qua việc, các nhà sản xuất của Việt Nam đầu tư vào Indonesia và ngược lại. Từ đó, hai bên bổ sung, hợp tác trong cả sản xuất cũng như đưa sản phẩm ra tiếp thị trên thị trường thế giới. Khi cùng nhau chia sẻ chi phí, đến một thời điểm nào đó, chi phí sản xuất sẽ thấp hơn.
Ngoài ra, hai nước cũng có thể hỗ trợ nhau trong quá trình thử cà phê nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu thụ cũng như chuẩn mực quốc tế. Mục tiêu cao nhất là cùng nhau đưa sản phẩm cà phê của hai nước thâm nhập thị trường thế giới tốt hơn với một mức giá cạnh tranh.