Giá heo hơi miền Bắc
Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc có xu hướng tăng nhẹ ở một số tỉnh thành. Cụ thể, giá heo hơi tại Bắc Giang và Thái Nguyên đồng loạt tăng 1.000 đồng/kg, lên mức 67.000 đồng/kg.
Tương tự, Phú Thọ và Vĩnh Phúc cũng ghi nhận mức tăng 1.000 đồng/kg, đạt 67.000 đồng/kg và 66.000 đồng/kg.
Đáng chú ý, Thái Bình và Hà Nội có mức tăng cao nhất khu vực, với 2.000 đồng/kg, đưa giá heo hơi tại hai địa phương này lên lần lượt 68.000 đồng/kg.
Trong khi đó, nhiều địa phương khác như Yên Bái (65.000 đồng/kg), Lào Cai (66.000 đồng/kg), Hưng Yên (66.000 đồng/kg), Nam Định (66.000 đồng/kg), Hà Nam (65.000 đồng/kg), Tuyên Quang (66.000 đồng/kg), và Ninh Bình (66.000 đồng/kg) giữ nguyên mức giá so với ngày trước đó.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Giá heo hơi miền Trung - Tây Nguyên
So với miền Bắc, tình hình giá heo hơi hôm nay tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên có phần ổn định hơn, tuy nhiên vẫn có những điểm đáng lưu ý.
Thanh Hóa và Nghệ An cùng ghi nhận mức tăng 1.000 đồng/kg, đưa giá lên 67.000 đồng/kg và 66.000 đồng/kg. Quảng Trị cũng có mức tăng tương tự, đạt 67.000 đồng/kg.
Ngược lại, Ninh Thuận ghi nhận mức giảm nhẹ 1.000 đồng/kg, xuống còn 71.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại như Hà Tĩnh (65.000 đồng/kg), Quảng Bình (67.000 đồng/kg), Huế (68.000 đồng/kg), Quảng Nam (67.000 đồng/kg), Quảng Ngãi (67.000 đồng/kg), Bình Định (67.000 đồng/kg), Khánh Hòa (67.000 đồng/kg), Lâm Đồng (72.000 đồng/kg), Đắk Lắk (69.000 đồng/kg), và Bình Thuận (72.000 đồng/kg) không có sự thay đổi về giá.
Giá heo hơi miền Nam
Thị trường heo hơi tại khu vực miền Nam lại chứng kiến xu hướng giảm giá ở một vài địa phương.
Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh cùng ghi nhận mức giảm 1.000 đồng/kg, xuống còn 71.000 đồng/kg. Trong khi đó, phần lớn các tỉnh thành khác ở miền Nam vẫn duy trì mức giá ổn định.
Mức giá cao nhất khu vực được ghi nhận tại Cà Mau với 75.000 đồng/kg, tiếp theo là Hậu Giang và Bạc Liêu với 74.000 đồng/kg, và Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh với 73.000 đồng/kg.
Các tỉnh còn lại như Bình Phước (72.000 đồng/kg), Bình Dương (70.000 đồng/kg), Tây Ninh (72.000 đồng/kg), Bà Rịa - Vũng Tàu (72.000 đồng/kg), Long An (71.000 đồng/kg), An Giang (71.000 đồng/kg), Vĩnh Long (72.000 đồng/kg), và Bến Tre (72.000 đồng/kg) cũng giữ giá ổn định.
Theo nhận định từ các thương lái và đại lý thu mua lớn tại miền Nam, giá heo hơi trong thời gian tới khó có khả năng tăng mạnh nếu sức tiêu thụ không cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chế biến đang quay lại gom hàng phục vụ đơn hàng xuất khẩu, có thể giúp ổn định giá ở mức 70.000 – 75.000 đồng/kg trong thời gian ngắn.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết thời gian qua do giá heo hơi tăng mạnh, kèm theo giá con giống cũng tăng cao, ở mức trên 3 - 3,2 triệu đồng/con (cao hơn nhiều so với mức thông thường 1,6- 1,8 triệu đồng/kg), một số hộ kéo dài thời gian nuôi để phòng giá heo hơi giảm ở lứa kế tiếp.
Mục đích của việc làm này là để tăng doanh thu/đầu con xuất chuồng, bù đắp rủi ro thua lỗ cho lứa heo xuất chuồng tới nếu giá giảm. Bởi với chi phí con giống cao như vậy, giá thành chăn nuôi lên tới 65.000 đồng/kg đối với các hộ nhỏ lẻ.
“Vừa qua các hộ phải mua con giống với giá đắt và họ không chắc đến khi lứa giống này nuôi đủ trọng lượng để xuất chuồng thì giá heo hơi có đủ cao để bù với chi phí bỏ ra hay không. Do đó, họ kéo dài thời gian nuôi để heo nặng hơn 20 - 30 kg so với cân nặng tiêu chuẩn xuất chuồng để tận dụng giá heo thời điểm vừa qua đang tốt, phòng hờ cho rủi ro lứa tới xuất chuồng, giá giảm”, ông nói.
Tuy nhiên, thời gian qua, giá heo hơi đột ngột điều chỉnh, các hộ nuôi heo “quá cân” cũng đồng loạt bán ra và gây nên sức ép nguồn cung ra thị trường. Điều này càng khiến giá heo hơi giảm.
Bên cạnh đó, theo ông Trọng lượng thịt heo đông lạnh nhập khẩu chính ngạch vào Việt Nam và heo sống nhập khẩu qua đường tiểu ngạch cũng là nguyên nhân góp phần khiến giá giảm.
Mức chênh lệch giá heo hơi của Việt Nam và các nước xung quanh đang hấp dẫn lượng heo sống từ tiểu ngạch nhập về nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro dịch bệnh.
Trong tháng 1, Việt Nam nhập khẩu 12.600 tấn thịt heo, trị giá 33,75 triệu USD, tăng 105% về lượng và tăng 149% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024, Thịt heo chiếm tỷ trọng khoảng 17% tổng lượng thịt nhập khẩu các loại (theo số liệu Cục Xuất nhập khẩu).
Tuy nhiên, hiện chưa có dữ liệu cụ thể lượng heo nhập khẩu là bao nhiêu trong hai tháng đầu năm nay.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 2, giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi (trong đó có thịt heo) đạt hơn 373 triệu USD, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu thịt hai tháng đầu năm lên hơn 734 triệu USD, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá nhập khẩu thịt heo trung bình vào Việt Nam ở mức 2.672 USD/tấn, Báo Công Thương dẫn số liệu.
Nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng heo nhập khẩu vào Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với tổng đàn được sản xuất trong nước. Do đó, mặc dù việc nhập khẩu thịt heo tăng mạnh cũng gây sức ép nhất định lên giá nhưng không quá nhiều.
Nguyên nhân cuối cùng khiến giá heo hơi giảm mạnh đến từ việc người dân chuyển sang sử dụng các sản phẩm khác khi giá neo ở mức cao.
“Thời điểm giá heo tăng quá cao, trong khi giá thịt gà và một số loại thuỷ hải sản vẫn thấp, người dân đa dạng hoá nguồn thực phẩm hơn. Do đó, nhu cầu thịt heo giảm”, ông Trọng nói.