Giá heo miền Bắc
Theo ghi nhận, giá heo hơi ở miền Bắc tăng nhẹ 1.000 đồng/kg tại Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Nam, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang, hiện neo ở mức 69.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại không ghi nhận thay đổi mới về giá.
Giá giao dịch hôm nay tại miền Bắc dao động trong khoảng 68.000 - 69.000 đồng/kg.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Giá heo miền Trung, Tây Nguyên
Thị trường heo hơi miền Trung, Tây Nguyên cũng tăng theo xu hướng chung.
Trong đó, giá heo hơi tại Quảng Trị được nâng lên mức 65.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg. Cùng mức tăng trên, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh điều chỉnh giá thu mua lên 67.000 đồng/kg.
Thương lái tại Bình Thuận và Lâm Đồng đang giao dịch heo hơi với giá tương ứng là 68.000 đồng/kg và 69.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với ngày hôm qua.
Hiện tại, giá thu mua heo hơi ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên trong khoảng 65.000 - 69.000 đồng/kg.
Giá heo miền Nam
Tại khu vực miền Nam, giá thu mua heo hơi tiếp đà tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg.
Cụ thể, thương lái tại các tỉnh Đồng Nai, Vũng Tàu, Vĩnh Long và Sóc Trăng đang cùng thu mua heo hơi với giá 69.000 đồng/kg, tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg.
Sau khi tăng 1.000 đồng/kg, tỉnh Bình Dương nâng giá thu mua lên mức 68.000 đồng/kg.
Giá heo hơi khu vực miền Nam dao động trong khoảng 66.000 - 69.000 đồng/kg.
Giá heo hơi trung bình tiếp tục tăng cao trong tháng trước ở cả 3 vùng trên cả nước. Cụ thể giá đã tăng khoảng 1,2 – 3,2%. Hiện giá heo hơi cả nước giao dịch trong khoảng 65.000 – 69.000 đồng/kg. Một số chuyên gia cho rằng giá heo hơi sẽ tiếp tục tăng vào ngày mai do nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp và nguồn cung thiếu hụt trên thị trường.
Hiện nay, giá heo hơi tăng cao là do nguồn cung giảm, vì thời gian qua dịch tả heo châu Phi (DTHCP) gây thiệt hại cho nhiều hộ chăn nuôi, kể cả những công ty chăn nuôi lớn. Cho nên nhiều hộ đã giảm đàn, hoặc tạm ngưng chăn nuôi và một số công ty chăn nuôi cũng giảm đàn.
Hiện giá heo hơi tăng nhưng chưa có nhiều hộ chăn nuôi dám tăng đàn vì sợ rủi ro về dịch bệnh và giá cả. Người chăn nuôi sợ giá này không giữ được ổn định lâu dài nếu tình trạng nhập lậu heo sống tái diễn và việc nhập khẩu thịt đông lạnh ồ ạt sẽ ảnh hưởng đến giá cả. Trong khi chu kỳ sản xuất 1 con heo hơi là từ 9 - 10 tháng (tính từ lúc heo mang bầu sinh ra đến heo hơi xuất chuồng).
Ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nhận định đà tăng của giá heo hơi được hỗ trợ bởi nguồn cung giảm trong khi nhu cầu trong nước tăng lên.
Giá heo tăng cao nhưng theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, người chăn nuôi nên thận trọng tái đàn bởi thời điểm này dịch ASF vẫn diễn biến phức tạp.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, toàn tỉnh đã ghi nhận 3 địa phương tái phát dịch tả heo châu Phi là xã Phúc Yên (huyện Lâm Bình), xã Minh Hương (huyện Hàm Yên), xã Thượng Nông (huyện Na Hang).
Số lượng heo mắc bệnh tại 3 địa phương này là 122 con của 18 hộ chăn nuôi, tổng trọng lượng hơn 4 tấn. Toàn bộ heo mắc bệnh đã được đưa đi tiêu hủy theo đúng quy định về phòng, chống dịch bệnh, theo baotintuc.vn.
Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan trên địa bàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đề nghị UBND huyện, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai nghiêm túc phòng, chống dịch bệnh theo nội dung các Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức cho người dân về đăng ký, khai báo chăn nuôi, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật. Thông tin đầy đủ, kịp thời, phù hợp, chính xác về diễn biến dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống; dấu hiệu để phát hiện dịch bệnh, biện pháp an toàn khi tiếp xúc với gia súc, không vận chuyển, buôn bán, ăn thịt gia súc mắc bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trên địa bàn hướng dẫn, đôn đốc người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt đối với các bệnh mới; áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt.
Đồng thời, tổ chức thực hiện việc đăng ký, khai báo chăn nuôi của từng hộ gia đình theo đúng quy định, hướng dẫn, khai báo với chính quyền, thú y cơ sở khi có gia súc có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh. Kiểm tra, theo dõi, giám sát chặt chẽ đối với gia súc mới nhập đàn thực hiện tiêm phòng bổ sung ngay nếu đã quá thời gian miễn dịch; điều trị kịp thời các bệnh phát sinh đảm bảo không để bệnh lây lan sang gia súc xung quanh.
Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc ra, vào địa bàn. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn bố trí đủ lực lượng tham gia tổ công tác tại các Trạm kiểm dịch đầu mối giao thông ra, vào tỉnh, đảm bảo ngăn chặn hiệu quả không để mầm bệnh lây lan vào địa bàn. Đặc biệt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo quy định của pháp luật; tổ chức tiêu hủy gia súc không rõ nguồn gốc, mắc bệnh, nghi mắc bệnh ốm, chết theo quy định…