Những ngày gần đây, nhiều nhà vườn ở tỉnh Quảng Ngãi lại rầm rộ bắt đầu bước vào mùa thu hoạch trái cau. Năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi nên tỷ lệ đậu quả cao, năng suất cũng vì thế mà tăng lên gấp nhiều lần so với các năm trước. Không chỉ được mùa mà giá cau trái năm nay cũng được thu mua tương đối cao. Theo tìm hiểu, giá thu mua cau hồi tháng 7 chỉ khoảng 15.000 đồng một kg, thì hiện giá tăng lên 29.000 đồng/kg và thương lái vẫn tấp nập thu mua khiến cho nhiều lúc, địa phương không đủ lượng cau xuất bán.
Hiện giá cau tăng lên 29.000 đồng/kg và thương lái vẫn tấp nập thu mua khiến cho nhiều lúc, địa phương không đủ lượng cau xuất bán.
Theo những người dân địa phương, khoảng chục năm trở lại đây, khi thị trường Trung Quốc bắt đầu thu mua cau trái thì giá cau tăng lên. Chính vì vậy mà các hộ chú trọng đầu tư, chăm sóc loại cây này.
Ông Nguyễn Văn Tám (huyện Nghĩa Hành) cho biết, với vườn cau 300 cây của mình thì ước tính năm nay sẽ cho thu hoạch được từ 5 - 6 tấn cau trái. Thông thường, mùa cau thường thu hoạch nhiều đợt kéo dài trong vòng 3 tháng. Nếu như các năm trước, giá cau thường rất bấp bênh, thu nhập không đáng kể thì trong vòng 4 năm trở lại đây, cây cau đã trở thành một trong những nguồn thu chính của gia đình ông.
“Cách đây khoảng 15 năm tôi trồng cau nhưng sẽ chẳng nghĩ là sau này sẽ có thu nhập cao như vậy. Giá bán thời điểm đó chỉ từ 1.000 - 2.000 đ/kg nên phải trồng thêm lúa để kiếm thêm thu nhập. Không ngờ bây giờ giá cau tăng cao như thế. Khoảng 4 năm nay, gia đình tôi thu khoảng 190 triệu đồng/năm từ vườn cau. Nhờ đó mà có thêm một khoản kinh phí khá lớn để trang trải và cho con ăn học”, ông Tám cho hay.
Bà Phạm Thị Thơ (ở thị trấn Chợ Chùa, Nghĩa Hành) đang sở hữu vườn cau 700 gốc, cho biết mỗi năm vườn ông cho 15 tấn cau, thu nhập vài trăm triệu. Bà tiết lộ khoảng 5 năm trước, nhiều hàng xóm thấy cau xuống giá đã chặt bỏ trồng cây khác, giờ thấy cau tăng giá đều tiếc đứt ruột.
Trong khi đó, nhiều nông dân cho rằng cây cau dù được hay mất giá thì cũng không lỗ. Nhiều người chọn trồng cau khi kinh tế gia đình đã tương đối ổn định.
Huyện Nghĩa Hành là một trong những địa phương có diện tích trồng cau lớn của tỉnh. Khoảng bốn năm trở lại đây, giá cau ổn định, nhiều hộ mua cây cau giống với giá 10 - 15.000 đồng mỗi cây về trồng.
Những ngày này, thương lái thu mua cau nhộn nhịp đi xe máy tới tận vườn hái. Nghĩa Hành là nơi tập trung nhiều điểm thu mua cau vì ở vị trí cửa ngõ, thương lái có thể chuyển cau từ các huyện Ba Tơ, Minh Long về tập kết.
Năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi nên tỷ lệ đậu quả cao, năng suất cũng vì thế mà tăng lên gấp nhiều lần so với các năm trước.
Anh Nguyễn Văn Long (xã Nghĩa Sơn, Tư Nghĩa) làm nghề hái cau được gần chục năm chia sẻ, cứ đến mùa cau, một ngày anh đi hái 2 lần. Cau được giá nên những người làm nghề như anh cũng có được thu nhập đáng kể.
“Mỗi ngày, tôi cũng kiếm được vài trăm ngàn từ công việc hái cau rồi đem về bán cho các lò sấy. Người nào nhiều thì cũng thu nhập hơn 1 triệu mỗi ngày. Tuy nhiên vì giá cả lên xuống thất thường cứ được ngày nào hay ngày đó”, anh Long nói.
Được biết, cau sau khi được thương lái thu mua ở vườn sẽ nhập cho các lò sấy trong vùng để sấy khô rồi bán cho các đơn vị trung gian sau đó xuất qua thị trường Trung Quốc. Năm nay, giá cau sấy đang ở mức 100.000 đồng/kg nên nhiều người đổ xô đi mua cau tươi rồi cạnh tranh và đẩy giá lên cao.
Tại huyện miền núi Sơn Tây nơi được mệnh danh là “xứ ngàn cau”, thương lái cũng tất bật thu mua, nhưng giá cau thấp hơn khoảng 2.000 đồng một kg do không được chăm sóc tốt bằng dưới đồng bằng.
Cau trúng giá, nhưng lãnh đạo huyện tỏ ra dè dặt với cây trồng này. Ông Lê Văn Tùng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết, hiện đầu ra cây cau phụ thuộc hoàn toàn thị trường Trung Quốc. Năm nào họ không mua hoặc mất giá thì người dân chặt bỏ cau để chuyển sang cây trồng khác. Năm nay, giá cau tăng cao, rất có thể người dân sẽ đồng loạt quay lại trồng cau một cách ồ ạt. Chủ trương của huyện là giữ nguyên diện tích hiện hữu, không thu hẹp cũng như mở rộng diện tích.