Theo ghi nhận, giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc đi ngang, tỉnh Lào Cai và Hưng Yên vẫn là hai địa phương có giá heo hơi cao nhất cả nước, 78.000 đồng/kg. Tại Yên Bái, Thái Nguyên, Thái Bình, Phú Thọ, Nam Định, Tuyên Quang, Ninh Bình... giá heo được thu mua với mức cao từ 73.000-76.000 đồng/kg.
Tại miền Trung - Tây Nguyên, giá heo tiếp tục đà tăng. Cụ thể, tại Bình Định giá heo tăng mạnh 6.000 đồng/kg lên mức 69.000 đồng/kg. Tỉnh Quảng Bình tăng 2.000 đồng/kg lên 68.000 đồng/kg. Tại Thanh Hóa, Lâm Đồng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị giá heo đang được thu mua với mức cao từ 70.000 - 76.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại như Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng nam, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế... giá heo dao động ở mức thấp hơn từ 63.000 - 66.000 đồng/kg.
Tương tự với miền Trung, giá heo hơi hôm nay tại miền Nam cũng tăng mạnh, với mức tăng từ 1.000 - 5.000 đồng/kg. Gần như toàn bộ các tỉnh thành đều thông báo mức giá ngoài 70. Tại Đồng Nai, giá heo hôm nay là 73.000 đồng/kg. Tương tự như tại Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang... giá heo được thu mua với mức từ 70.000 - 73.000 đồng/kg.
Dự báo giá heo hơi ngày mai 21/11: Giá heo tiếp tục tăng "phi mã" cho đến Tết?
Hầu hết doanh nghiệp và hiệp hội chăn nuôi dự báo giá heo tiếp tục tăng do nguồn cung thiếu hụt, trong khi một lượng lớn bị "tuồn" qua Trung Quốc.
Một doanh nghiệp chuyên cung cấp thịt heo ở TP Hồ Chí Minh cho biết, đàn heo ở trang trại của doanh nghiệp ông đã cạn, các trại nuôi trong dân cũng không còn nhiều nên ông buộc phải nhập thêm heo từ những doanh nghiệp đối thủ.
Cũng chính vì khan hiếm nên khi đặt mua, doanh nghiệp của ông buộc phải chịu thêm 2 giá. "Lần đầu, doanh nghiệp cung cấp báo giá heo hơi 61.500 đồng một kg, nhưng khi đặt mua chúng tôi phải trả giá 63.500 đồng. Mỗi đợt nhập là mỗi đợt tăng và chưa bao giờ chúng tôi mua được ở mức giá báo trước đó", doanh nhân này nói và nhận định nguồn cung thịt heo đang thiếu là có thật. Tuy nhiên, khó có thể thống kê cụ thể vì mô hình chăn nuôi ở Việt Nam còn manh mún, tự phát và chưa theo hệ thống.
Cũng xác nhận nguồn cung thịt heo không còn dồi dào như trước, đại diện Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết đang gặp nhiều khó khăn khi giá heo liên tục tăng cao.
"Nguồn heo nuôi của công ty chỉ đáp ứng cho nhà máy được khoảng 10%, nên phụ thuộc khá nhiều vào thị trường. Để mua được heo, công ty buộc phải trả giá cao nhưng cũng chỉ giết mổ ở giới hạn 1.200 con một ngày. Nếu giết mổ nhiều, công ty dễ thua lỗ vì giá heo hơi bình ổn đang thấp hơn so với thực tế", vị này nói.
Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai khẳng định giá thịt heo đang vận động theo cung – cầu thị trường. Trên thực tế, ngoài con số 5,9 triệu con bị tiêu hủy do dịch bệnh được công bố, thì số lượng heo "bán đổ bán tháo" chạy dịch trước đó cũng lên tới hàng triệu con. Ngoài ra, nhiều hộ chăn nuôi có heo dịch bệnh còn tự tiêu hủy và chôn lấp tại trang trại. Số khác đã ngưng tái đàn để chuyển qua chăn nuôi gia cầm. Do đó, theo ông Công nếu chỉ lấy số lượng 5,9 triệu con heo tiêu hủy để dự báo cho lượng heo thiếu hụt của thị trường là thiếu chính xác và con số này có thể tăng gấp 2 - 3 lần.
"Hiện nay, số lượng găm hàng giữ giá có nhưng không nhiều. Bởi, Việt Nam và Trung Quốc là 2 quốc gia chiếm 50% nguồn cung thịt heo cho thị trường thế giới. Tuy nhiên, vì lâm vào cảnh dịch bệnh nên lượng heo giảm", ông Công nói và dẫn chứng, giá heo hơi của Trung Quốc hôm nay (19/11) ở mức 13 -15 triệu đồng một tạ, chênh gấp đôi so với giá heo hơi Việt. Trong khi đó, từ trước tới nay Việt Nam vẫn xuất heo qua Trung Quốc bằng tiểu ngạch. Do đó, khó có thể khẳng định thương lái không gom heo sang Trung Quốc khi mà giá chênh lệch quá lớn. Hiện miền Bắc giáp ranh Trung Quốc, trong khi đó vùng này chịu thiệt hại nặng nề của dịch bệnh nên khi heo trong vùng khan hiếm mà hàng lại "dành" cho xuất tiểu ngạch thì vô tình đẩy giá lên cao.
Trong khi doanh nghiệp, hiệp hội lo lắng về thiếu nguồn cung, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, vẫn khẳng định nguồn cung sẽ ổn định trong thời gian tới. Theo ông, giá heo bình quân vẫn đang ở mức 68.000 - 75.000 đồng một kg. Một số nơi tăng tới 80.000 đồng chỉ là tăng cục bộ ở một vài cơ sở nhỏ lẻ không đáng kể. Sở dĩ có sự khác nhau này là do nguồn cung chưa đồng đều.
Ông Dương cho biết, Bộ đang đưa ra các giải pháp để giúp ổn định nguồn cung giữa các vùng, như khuyến khích đưa heo từ những nơi dồi dào tới nơi khan hiếm để tránh tăng giá đột biến; chỉ đạo cho tái đàn. Song song đó, bổ trợ thêm nguồn cung từ các loại thực phẩm khác.
Tại cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành về tình hình liên quan đến giá thịt heo và bình ổn thị trường những tháng còn lại của năm 2019, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Nông nghiệp nhanh chóng công bố tình trạng và đưa ra các giải pháp đáp ứng cung - cầu, bù đắp thiếu hụt, nhất là trong dịp lễ, Tết khi nhu cầu thịt lợn tăng từ 25 - 30% một ngày. Đặc biệt, Bộ phải dự đoán nhu cầu thịt lợn và nguồn cung của từng tháng từ nay tới Tết Nguyên đán Canh Tý; báo cáo Chính phủ kế hoạch để bù đắp nguồn cung và không để dư thừa nguồn cung trong thời gian tới.