Để tăng cường kiểm tra và kiểm soát giá khai báo trong việc nhập khẩu xe ô tô hạng nặng, hạng trung. Hiệp hội do Phó Chủ tịch Đào Phan Long đã ký văn bản số 63 và gửi kiến nghị lên Bộ Tài Chính.
VAMI dẫn chứng hiện một số nhà cung cấp xe nguyên chiếc nhập khẩu từ Trung Quốc đều khai báo Hải quan với đơn giá nhập khẩu thấp hơn rất nhiều so với thực tế, trong đó có các dòng xe của hãng ChengLong, DongFeng, SiNoTruck...
Xe tải nhập khẩu từ Trung Quốc. (Ảnh minh họa - tintuc24.net) |
Cụ thể, loại xe Ben Chassis Howo 8X4 có tờ khai nhập khẩu ngày 17/4 đến ngày 28/6/2016, giá DN khai báo là 21.865 USD/chiếc (hơn 480 triệu đồng) nhưng giá thực tế là 40.900 USD/chiếc (gần 900 triệu đồng), mức chênh lệch giữa giá thực tế và giá khai báo là hơn 19.000 USD (hơn 400 triệu đồng).
Một trường hợp khác là dòng xe Howo, tại một tờ khai Hải quan vào ngày 31/3/2016, xe này được khai báo với giá 24.740 USD/chiếc (khoảng 544 triệu đồng), trong khi giá trị thực tế là 40.900 USD (gần 900 triệu đồng). Mức chênh lệch lên tới 16.160 USD (hơn 355 triệu đồng).
Như vậy, nếu mức khai báo các xe nhập khẩu thấp hơn giá trị thực như trên, mỗi xe nhập khẩu về Việt Nam, Ngân sách Nhà nước sẽ thất thu khoảng 4.759 USD/chiếc (tương đương 104 triệu đồng).
"Như vậy, giả sử 1 năm Việt Nam nhập dòng xe này với số lượng là 10.000 chiếc, thì số tiền thất thu sẽ vào khoảng 47,5 triệu USD (tương ứng hơn 1.000 tỷ đồng)", VAMI ước tính.
Việc khai báo giá trị thấp không chỉ làm thất thu Ngân sách Nhà nước mà nó còn ảnh hưởng tới các doanh nghiệp cơ khí đã đầu tư để nội địa hóa. Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp có thể phải đóng cửa, ngừng sản xuất vì giá xe sản xuất, lắp ráp trong nước không cạnh tranh được với xe nhập khẩu.
Vì vậy VAMI đã kiến nghị lên Bộ Tài Chính tăng cường chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát vấn đề này đồng thời có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp vi phạm.