Từ cuối tháng 9 tới ngày 10/10, giá cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen giảm 5.000 đồng/CP, tương ứng 12% xuống 37.000 đồng/CP. HSG đã “thổi bay” 983 tỷ đồng vốn hóa thị trường của Tập đoàn Hoa Sen.
Ông Lê Phước Vũ là một trong những cổ đông chịu mất mát nhiều nhất. Chỉ trong những ngày đầu tháng 10, tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Vũ đã hao hụt gần 128 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Vũ không phải đại gia thép duy nhất mất mát. Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát thiệt hại nặng nề hơn khi cổ phiếu HPG giảm sâu.
Sau 6 phiên giao dịch đầu tiên của tháng 10, cổ phiếu HPG giảm 6.500 đồng/CP. Vì HPG, vốn hóa thị trường Tập đoàn Hòa Phát “bốc hơi” 5.478 tỷ đồng. Ông Trần Đình Long chịu thiệt hại nặng nề nhất khi giá trị cổ phiếu HPG do ông Long nắm giữ giảm 1.198 tỷ đồng.
Ông Lê Phước Vũ mất 128 tỷ với số cổ phiếu nắm giữ. |
Hiện tại, với khối tài sản trị giá 7.226 tỷ đồng, ông Long đang đứng ở vị trí thứ 3 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Ông Long đã đi lùi rất nhiều so với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC. Sau khi cổ phiếu ROS niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM, ông Quyết đã giàu lên trông thấy nhờ ROS tăng với tốc độ đáng ngạc nhiên.
Sự mất mát của ông Long sẽ còn nặng nề hơn nếu tính cả lượng cổ phiếu HPG nằm trong tài khoản của bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Long. Sau 6 phiên giao dịch, khối tài sản này hao hụt 347 tỷ đồng. Dù mất mát lớn nhưng bà Hiền vẫn nằm trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với tài sản lên tới 2.093 tỷ đồng.
Không rơi mạnh như HSG hay HPG, cổ phiếu DNY của Công ty Cổ phần Thép Dana – Ý cũng nằm trong xu hướng đi lùi. Sau những phiên giao dịch đầu tháng 10, DNY giảm 400 đồng/CP xuống 6.000 đồng/CP. DNY khiến vốn hóa thị trường Công ty Cổ phần Thép Dana – Ý giảm gần 11 tỷ đồng.
Cổ phiếu DTL của Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc cũng góp phần kéo dài danh sách các cổ phiếu thép giảm giá. Tính từ 30/9 tới 10/10, DTL giảm 1.500 đồng/CP xuống 25.000 đồng/CP. Vì DTL, vốn hóa thị trường Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc giảm 92 tỷ đồng.
Cổ phiếu NKG của Công ty Cổ phần Thép Nam Kim giảm 4.300 đồng/CP xuống 37.200 đồng/CP. Có thể thấy NKG là một trong các cổ phiếu thép giảm sâu nhất. NKG “thổi bay” 215 tỷ đồng vốn hóa thị trường Công ty Cổ phần Thép Nam Kim.
VGS cũng không nằm ngoài xu hướng đi xuống của cổ phiếu ngành thép khi giảm 800 đồng/CP xuống 10.700 đồng/CP. Vì vậy, vốn hóa thị trường của Công ty Cổ phần Ống thép Việt Đức VG PIPE hao hụt 30 tỷ đồng.
Không lao dốc quá mạnh nhưng cổ phiếu TLH của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên vẫn không cưỡng lại được xu hướng giảm giá của cổ phiếu ngành thép. Sau 6 phiên giao dịch, TLH giảm 350 đồng/CP. Đà giảm nhẹ này của TLH đủ sức lấy đi 30 tỷ đồng vốn hóa thị trường Công ty Cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên.