VN-Index phục hồi thận trọng, khối ngoại tiếp tục bán ròng
Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi động tháng 4 với diễn biến tích cực khi VN-Index ghi nhận mức tăng 10,47 điểm (0,8%), chốt phiên tại 1.317,33 điểm. HNX-Index cũng tăng 1,36 điểm (0,58%), lên 236,42 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua với 459 mã tăng, áp đảo so với 268 mã giảm.
Thị trường chứng khoán ngày 1/4. Nguồn: Nguoiquansat
Dù hồi phục, thanh khoản thị trường lại sụt giảm so với phiên trước. Khối lượng khớp lệnh trên HOSE đạt hơn 550 triệu cổ phiếu, giá trị tương đương 13.500 tỷ đồng. HNX ghi nhận hơn 46,2 triệu cổ phiếu khớp lệnh, với tổng giá trị giao dịch hơn 738 tỷ đồng.
Dòng tiền tập trung vào nhóm năng lượng khi đây là ngành tăng mạnh nhất phiên hôm nay (+2,07%). Các cổ phiếu đáng chú ý gồm PVS (+1,3%), PVD (+0,91%), PVC (+0,92%) và PVB (+0,32%).
Ngoài ra, nhóm bất động sản (+1,81%) và công nghiệp (+1,07%) cũng đóng góp tích cực vào sắc xanh của thị trường. VHM, VIC, VCB và TCB là những cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất, giúp VN-Index tăng hơn 5 điểm.
Ngược lại, nhóm công nghệ thông tin là ngành giảm mạnh nhất (-0,33%), chịu tác động chính từ FPT (-0,41%), CMT (-1,3%) và POT (-3,09%). Đáng chú ý, FPT tiếp tục dò đáy khi chịu áp lực điều chỉnh.
Dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài vẫn trong xu hướng rút vốn khi tiếp tục bán ròng hơn 456 tỷ đồng trên HOSE. SSI là mã bị xả mạnh nhất với giá trị lên tới 163,91 tỷ đồng, theo sau là FRT (104,23 tỷ), MSN (104,11 tỷ) và DGC (74,79 tỷ).
Trên HNX, khối ngoại mua ròng nhẹ hơn 140 triệu đồng, tập trung vào các mã SHS (4,42 tỷ), NTP (2,01 tỷ), DTD (1,75 tỷ) và TNG (1,6 tỷ).
Việc VN-Index tăng điểm nhưng thanh khoản thấp cho thấy tâm lý thận trọng vẫn bao trùm thị trường. Dòng tiền chưa thực sự bứt phá, trong khi áp lực bán từ khối ngoại vẫn là rủi ro tiềm ẩn. Nhà đầu tư cần theo dõi sát diễn biến dòng tiền và tâm lý thị trường trước khi quyết định giải ngân thêm trong những phiên tới.
Vingroup vượt VietinBank và Viettel Global, trở lại top 3 vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa chứng kiến một cú bứt phá ngoạn mục của Vingroup khi tập đoàn này vượt qua nhiều doanh nghiệp lớn để vươn lên vị trí thứ ba về vốn hóa, chỉ đứng sau Vietcombank và BIDV. Đà tăng mạnh của các cổ phiếu “họ Vingroup” đã giúp tổng vốn hóa của tập đoàn này đạt khoảng 230.000 tỷ đồng (tương đương 9 tỷ USD), chính thức vượt qua VietinBank và Viettel Global. Đáng chú ý, VIC đã tăng khoảng 45% trong một tháng qua, trong khi VHM tăng 30% và VRE tăng 15%. Trong phiên giao dịch ngày 1/4 VIC tăng 2,9%; VHM tăng 3,3%; VRE tăng 4,4%.
Ngoài đà tăng ấn tượng của cổ phiếu, Vingroup còn nhận được nhiều kỳ vọng từ thị trường khi Vinpearl đang tiến gần hơn đến ngày niêm yết trên HoSE. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 18.000 tỷ đồng và đặt kế hoạch doanh thu thuần 14.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.700 tỷ đồng trong năm 2025. Nếu được chấp thuận, Vinpearl sẽ trở thành một trong những cái tên đáng chú ý nhất trên sàn chứng khoán. Tương tự, Vincom Retail cũng vừa công bố kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng với mục tiêu doanh thu thuần 9.520 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.700 tỷ đồng, tăng gần 15% so với năm trước.
Không chỉ ghi dấu ấn trên thị trường chứng khoán, Vingroup còn liên tiếp đón nhận tin vui từ các dự án quy mô tỷ USD. Gần đây nhất, tập đoàn này đã khởi công khu đô thị mới Hậu Nghĩa - Đức Hòa (Long An) với tổng vốn đầu tư hơn 28.200 tỷ đồng. Đồng thời, dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành dài 129km với tổng vốn 25.540 tỷ đồng do liên danh Vingroup và Techcombank thực hiện cũng đang được gấp rút hoàn tất thẩm định để đảm bảo khởi công vào ngày 30/4/2025.
Tại TP Hồ Chí Minh, khu đô thị lấn biển Cần Giờ có quy mô 2.870ha với tổng vốn đầu tư hơn 217.000 tỷ đồng dự kiến sẽ khởi công vào dịp 30/4 tới đây. Bên cạnh đó, dự án khu đô thị ven vịnh Cam Ranh với diện tích 1.254ha và vốn đầu tư 85.293 tỷ đồng cũng đang được UBND TP Cam Ranh đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để có thể khởi công vào tháng 4/2025. Tổng vốn đầu tư của ba dự án trọng điểm này lên tới 327.833 tỷ đồng, tương đương khoảng 13 tỷ USD, đóng vai trò quan trọng trong phát triển hạ tầng giao thông, đô thị và du lịch của Việt Nam.
Ở lĩnh vực xe điện, VinFast tiếp tục có những bước tiến quan trọng khi đã hoàn thành 90% tiến độ xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện tại Ấn Độ và dự kiến vận hành trong vòng 2-3 tháng tới. Trong 2 tháng đầu năm, hãng xe điện Việt Nam đã bàn giao hơn 22.500 xe, qua đó tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu thị trường ô tô nội địa.
Việc liên tiếp đạt được những bước tiến lớn trong nhiều lĩnh vực giúp Vingroup không chỉ trở lại top 3 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán mà còn khẳng định vững chắc vị thế của tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam.