Cùng với các địa phương, Hà Nội đã tổ chức triển khai nghiêm túc, bài bản, đạt hiệu quả tích cực, góp phần phát triển ngành nghề, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới bền vững.
Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Chương trình OCOP, UBND TP đã cụ thể hóa bằng các kế hoạch để tổ chức triển khai trong từng giai đoạn. Theo đó, Hà Nội phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025, toàn TP sẽ đánh giá, phân hạng được ít nhất 2.000 sản phẩm OCOP.
Thống kê của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho thấy, từ năm 2021 đến nay, toàn TP đã đánh giá, phân hạng được 1.657 sản phẩm OCOP; trong đó có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 742 sản phẩm 4 sao, 914 sản phẩm 3 sao, đạt gần 83% kế hoạch của cả giai đoạn 2021 - 2025 (còn thiếu 343 sản phẩm để đạt mục tiêu 2.000 sản phẩm).
Với quyết tâm đưa Chương trình OCOP về đích sớm, từ đầu năm 2024, UBND TP đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tập trung rà soát, đăng ký sản phẩm đánh giá, phân hạng trong năm nay. Cho đến nay, các quận, huyện, thị xã đã đăng ký đánh giá, phân hạng tổng số 510 sản phẩm.
Trong 9 tháng năm 2024, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện thuộc 12 quận, huyện đã đánh giá, phân hạng được 150 sản phẩm OCOP; trong đó có 111 sản phẩm đạt 3 sao và 39 sản phẩm tiềm năng 4 sao đang chờ Hội đồng OCOP cấp TP tiến hành đánh giá, phân hạng.
Cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của TP Hà Nội, tinh thần chủ động của các địa phương và sự ủng hộ của các chủ thể, dự kiến đến hết năm 2024, số lượng sản phẩm OCOP của TP Hà Nội sẽ đạt vượt mục tiêu chương trình đề ra cho giai đoạn 2021 - 2025 trước 1 năm. Qua đó, tiếp tục khẳng định Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong phát triển sản phẩm OCOP.
Tạo nên thành công của Chương trình OCOP những năm qua là nhờ TP Hà Nội đã thực hiện những bước đi tuần tự, bài bản và hiệu quả. Đầu tiên phải kể tới công tác thông tin, tuyên truyền góp phần lan tỏa tinh thần OCOP tới mọi tầng lớp Nhân dân; thứ hai là đào tạo, tập huấn một cách bài bản, tỉ mỉ cho cán bộ có liên quan đến chương trình. Cùng với đó là việc triển khai hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ dành cho các chủ thể tham gia...
Thực tế cho thấy, xây dựng được sản phẩm OCOP đã khó, để quảng bá, đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội thực sự còn khó hơn. Cũng bởi vậy, trong những năm qua, Hà Nội đã tổ chức rất nhiều sự kiện, hội chợ, tuần hàng, hội thảo kết nối giao thương, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP. Cũng nhờ đó mà sản phẩm OCOP từng bước được người tiêu dùng Thủ đô nhận diện, đón nhận.
Dù đã và đang đi đúng hướng trên hành trình về đích Chương trình OCOP sớm trước 1 năm, tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, số lượng sản phẩm OCOP 5 sao của Hà Nội được công nhận đến nay còn rất thấp. Toàn TP mới chỉ có 6 sản phẩm được Hội đồng OCOP cấp Quốc gia đánh giá, phân hạng 5 sao (tương ứng với tiêu chuẩn sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu quốc tế).
Mục tiêu của Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, toàn TP có ít nhất 3% tổng số sản phẩm tiềm năng 5 sao đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia. Đây được xem là bài toán không dễ, đòi hỏi từ nay đến cuối năm 2024 và trong cả năm 2025, Hà Nội cần tập trung chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, cũng như đẩy mạnh hỗ trợ nhóm chủ thể có sản phẩm tiềm năng 5 sao, tiến tới đáp ứng điều kiện để trình T.Ư công nhận, bảo đảm hoàn thành cao nhất mục tiêu kế hoạch của Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 đã đề ra.