Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, trên thế giới, phí bảo hiểm tiền gửi tùy thuộc vào tính rủi ro của ngân hàng. Những ngân hàng có tình hình tài chính tốt và ít rủi ro thì trả phí bảo hiểm ít hơn và ngược lại. Còn tại Việt Nam, các ngân hàng đều trả tỷ lệ phí trên huy động vốn như nhau và theo ông thì điều này là không hợp lý.
Bảo hiểm tiền gửi là một công cụ được triển khai ở nhiều nước nhằm bảo vệ người gửi tiền vào ngân hàng, một phần hay toàn bộ, trước những thiệt hại do ngân hàng không có khả năng hoàn trả khoản tiền gửi của khách khi đến hạn. Hệ thống bảo hiểm tiền gửi là một bộ phận cấu thành của cơ chế bảo vệ hệ thống tài chính nhằm đảm bảo sự ổn định cho hệ thống tài chính đó.
Còn phí bảo hiểm tiền gửi là khoản tiền mà tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi để bảo hiểm cho tiền gửi của người được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Theo các báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng đầu năm, trong tổng số 3,278 triệu tỷ đồng huy động vốn,13 ngân hàng đã chi nộp phí bảo hiểm, đảm bảo tiền gửi của khách hàng 1,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,058%.
So với cùng kỳ năm trước, tổng huy động vốn tại 13 ngân hàng này tăng 16% còn tổng chi phí nộp bảo hiểm tiền gửi của các tổ chức này đã tăng 35%.
BIDV là ngân hàng hút được nhiều tiền gửi nhất với trên 700 nghìn tỷ đồng, đồng thời cũng là ngân hàng nộp phí bảo hiểm tiền gửi nhiều nhất với 383 tỷ đồng.
Xét về độ gia tăng chi phí nộp bảo hiểm thì VietinBank, Sacombank và MB là 3 ngân hàng có chi phí nộp bảo hiểm tiền gửi tăng mạnh nhất trong 9 tháng vừa qua so với cùng kỳ lần lượt là 79%, 67% và 53%.